Phương pháp tiến hành hoạt động nhóm có một vị trí vô cùng quan trọng quyết định chất lượng, hiệu quả của hoạt động học tập nhóm. Qua điều tra, có 48% ý kiến cho rằng thiếu phương pháp làm việc nhóm hợp lý là nguyên nhân cơ bản nhất gây kém hiệu quả của học tập nhóm.
Thực tế, hiện nay ở học sinh THPT có rất ít nhóm có phương pháp làm việc nhóm một cách khoa học, hợp lý. Hầu hết các nhóm chưa có phương pháp làm việc nhóm đúng đắn nên hiệu quả hoạt động nhóm chưa cao. Cụ thể:
- Một số nhóm học tập không xác định một cách cụ thể, rõ ràng mục tiêu khi thực hiện một bài tập nhóm hay của một buổi thảo luận...
- Các nhóm không lập kế hoạch hoạt động cụ thể cho nhóm, vì vậy nhiều khi nhóm không chủ động được thời gian, làm việc không khoa học.
- Theo điều tra có đến 57% ý kiến cho rằng nhóm không xây dựng nội quy khi hoạt động, có 43% có xây dựng nội quy nhưng thực tế việc thực hiện nội quy lại chưa được chú trọng. Điều này làm cho hoạt động của nhóm thiếu quy củ, thiếu nguyên tắc nên chắc chắn hiệu quả hoạt động nhóm sẽ không cao.
- Việc phân công nhiệm vụ trong nhóm còn chưa phù hợp, các nhóm chủ yếu phân công theo cách “trải đều cho các thành viên” hay “mỗi người một việc rồi tập hợp lại”,
“tập trung vào cá nhân xuất sắc”; chỉ có 12% ý kiến khác là phân chia nhiệm vụ dựa trên năng lực và điều kiện của từng thành viên.
- Phần lớn các nhóm đều chọn phương pháp thống nhất ý kiến “theo đa số” chiếm, trong khi chỉ có số ít chọn phương pháp “tất cả đồng ý” và 1 số rất ít chọn phương pháp “không ai phản đối” và không có ai chọn phương pháp “nhóm trưởng quyết định”. Tất nhiên phương pháp thống nhất ý kiến theo đa số là phổ biến và dễ thực hiện nhưng đó chưa hẳn là đúng trong mọi trường hợp vì chân lý khoa học đôi khi không thuộc về số đông.
Đây là một số điểm chưa hợp lý cơ bản trong phương pháp tiến hành học tập theo nhóm của học sinh THPT, nó ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng hoạt động của nhóm.
2.4.8.Thực trạng các điều kiện khác: chủ đề học tập nhóm, cơ sở vật chất - phương tiện kỹ thuật, sự hướng dẫn, đánh giá của giáo viên, độ lớn của nhóm...
Chủ đề học tập nhóm: Thông qua quan sát và phỏng vấn chúng tôi nhận thấy rằng chủ đề mà giáo viên giao cho các nhóm học sinh hiện nay đều rất phù hợp cho học tập nhóm. Có những bài tập nhóm lớn đòi hỏi nhiều học sinh bỏ ra nhiều thời gian để nghiên cứu, có những bài tập ngắn hơn học sinh làm việc nhóm ngay trên lớp...
Cơ sở vật chất - Phương tiện kỹ thuật: đây là yếu tố rất quan trọng tác động không nhỏ tới hiệu quả làm việc nhóm. Nhưng thực tế nguồn cơ sở vật chất – phương tiện kỹ thuật dành cho học tập nhóm hiện nay ở trường THPT còn rất thiếu thốn: không có bàn học đa năng nên khi thảo luận nhóm học sinh phải sắp xếp lại bàn ghế rất mất thời gian nhưng cũng không thuận tiện cho nhóm làm việc; thư viện nhỏ không có đủ không gian cho nhiều nhóm cùng làm việc, nguồn tài liệu tại thư viện còn hạn chế ...
Sự hướng dẫn của giáo viên: Thực tế khi giao bài tập nhóm cho học sinh phần lớn giáo viên có hướng dẫn cho học sinh cách làm việc nhóm, nhưng sự hướng dẫn này chỉ vào những thời điểm cần thiết hoặc khi học sinh hỏi. Bên cạnh đó, có một số giáo viên không hướng dẫn cách làm việc nhóm, sinh viên phải tự tìm hiểu, mò mẫm cách làm do vậy gặp rất nhiều khó khăn ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng hoạt động nhóm đặc biệt với những học sinh mới vào trường chưa có kiến thức và kinh nghiệm về học tập theo nhóm.
Sự đánh giá của giáo viên: Nhìn chung, hầu hết các giáo viên đều tiến hành đánh giá bài tập nhóm của học sinh khi học sinh hoàn thành và trình bày bài tập nhóm. Có nhiều giáo viên đánh giá cụ thể từng mặt ưu - nhược của từng nhóm rồi đưa ra kết luận chung về bài tập để học sinh lĩnh hội. Điều này giúp học sinh nắm vững hơn kiến thức, đồng thời biết được ưu - nhược của mình để rút kinh nghiệm và biết cách khắc phục.
Tuy nhiên, vẫn còn một số giáo viên giao bài tập nhóm cho học sinh nhưng không đánh giá sản phẩm và sự làm việc của học sinh, cũng không nêu kết luận, bài học mà học sinh phải nắm. Điều này đã làm cho một số nhóm không đầu tư cho bài tập nhóm (vì đầu tư mà không được đáng giá cũng bằng không đầu tư); không thu nhận được kiến thức, nội dung của vấn đề, dẫn đến học sinh không thích học tập theo nhóm khi giáo viên giao bài tập nhóm.
Độ lớn của nhóm: Thông qua quan sát thực tế các nhóm học tập của hoc sinh THPT khá lớn, chủ yếu từ 8 thành viên trở lên, có những nhóm lên đến 14 hay 16 thành viên. Với số lượng thành viên đông như thế rất khó để nhóm làm việc hiệu quả, đặc biệt là khi nhóm mới hình thành và người trưởng nhóm còn chưa có kinh nghiệm điều hành nhóm.