TRUNG TÂM THÔNG TIN TÍN DỤNG VIỆT NAM CIC (TRANH LUẬN) 3.1 Sự cần thiết của trung tâm thông tin tín dụng.
Hoạt động kinh doanh ngân hàng là hoạt động trong môi trường cạnh tranh quyết liệt nhất và chứa đựng nhiều rủi ro nhất cả về tính đa dạng và mức độ thiệt hại. Một trong những vấn đề rủi ro mà NH quan tâm đó là RRTD.
Rủi ro tín dụng hiểu một cách chung nhất là loại rủi ro phát sinh trong quá trình cho vay của ngân hàng, thể hiện qua việc khách hàng không trả được nợ hoặc trả nợ không đúng hạn cho ngân hàng. Nói một cách khác là người vay đã không thực hiện đúng cam kết vay vốn theo hợp đồng tín dụng, không tuân thủ theo nguyên tắc hoàn trả khi đáo hạn. Rủi ro gây ra làm thiệt hại rất lớn cho bất cứ ai phải đương đầu với nó. Muốn tồn tại và phát triển trong cạnh tranh, các doanh nghiệp nói chung và NHTM nói riêng cần phải đoán được rủi ro để có những giải pháp quản lý và phòng chống rủi ro và chấp nhận rủi ro mức độ hợp lý.
Nợ xấu theo khoản 6, điều 2 của Quy định về phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro tín dụng trong hoạt động ngân hàng của TCTD ban hành kèm theo Quyết định 493/2005/QĐ-NHNN ngày 22/4/2005 của NHNN Việt Nam Việt Nam “ là các khoản nợ thuộc các nhóm nợ dưới tiêu chuẩn ( nhóm 3), nợ nghi ngờ ( nhóm 4) và nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5)
Ngoài ra theo điều 13 của quyết định này cũng đề cập tới nợ xấu “Khi đến kỳ hạn trả nợ gốc hoặc lãi, nếu khách hàng không trả nợ đúng hạn và không được điều chỉnh kì hạn nợ gốc hoặc lãi, không được gia hạn nợ gốc hoặc lãi, thì tổ chức tín dụng chuyển toàn bộ số dư nợ này sang nợ xấu”
Theo Báo cáo tài chính quý 3/2019 của các ngân hàng thương mại công bố gần đây cho thấy nợ xấu đang có xu hướng tăng nhanh.Qua báo cáo tài chính, tính đến cuối tháng 9/2019 có 23 ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu nội bảng tăng. SHB có tỷ lệ nợ xấu tăng 39%, lên 7.227 tỷ đồng; Techcombank tăng 32%, lên 3.704 tỷ đồng; MBBank tăng 30% lên 3.730 tỷ đồng so với đầu năm 2019.Nhóm các ngân hàng lớn như BIDV, Vietcombank, VietinBank nợ xấu cũng tăng. Vietcombank, chỉ 9 tháng đầu năm, nợ xấu đã tăng thêm hơn 1.400 tỷ đồng, đưa tổng nợ lên hơn 7.600 tỷ đồng, cao hơn so với các năm trước. BIDV có số nợ xấu là 22.436 tỷ đồng, tăng 19% so với đầu năm 2019...
Tính chung, tổng số nợ xấu của 23 ngân hàng là hơn 94 nghìn tỷ đồng, tăng 16,15% so với đầu năm. Đáng chú ý, với một số ngân hàng, ngay cả khi tín dụng tăng trưởng chậm, thậm chí không tăng trưởng so với cuối năm 2018 thì nợ xấu vẫn tăng nhanh. Không những thế, nhiều ngân hàng còn có nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) tăng mạnh. Chẳng hạn Vietcombank có nợ nhóm 5 chiếm gần 64% trong tổng số 7.600 tỷ đồng nợ xấu; BIDV có nợ nhóm 5 tăng tới 70% lên 12.194 tỷ đồng,... Tính chung của 23 ngân hàng, nợ nhóm 5 tăng 16,32% so với đầu năm, lên mức hơn 52,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 55,9% tổng nợ xấu. Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), nợ xấu nội bảng toàn hệ thống ngân hàng, tính đến cuối tháng 8/2019, là 1,98%, tăng so với mức 1,89% cuối năm ngoái. Theo báo cáo thì nợ xấu nội bảng vẫn dưới 2%, nhưng tính cả khoản nợ xấu đang nằm tại Công ty quản lý tài sản các tổ chức tín dụng (VAMC) và các khoản nợ có khả năng thành nợ xấu thì tỷ lệ nợ xấu hiện là 4,84%.
Có nhiều nguyên nhân gây ra nợ xấu, một trong những nguyên nhân chính là các NHTM cũng như các TCTD thiếu thông tin cần thiết về khách hàng vay, nguồn cung cấp thông tin hạn chế. Ngoài những thông tin do khách hàng cung cấp, cán bộ tín dụng cũng gặp nhiều khó khăn với các kênh thông tin về khách hàng. Rất khó kiểm chứng được toàn bộ những thông tin mà khách hàng cung cấp cho ngân hàng. Ngân hàng vẫn chưa có sự liên thông với các cơ quan khác như Thuế, Hải quan... để kiểm chứng những thông tin tài chính do khách hàng cung cấp. Điều đó đòi hỏi phải có một trung tâm thông tin tín dụng để cung cấp một cách đỳ đủ chính xác về thông tin khách hàng cho các NHTM để kìm hãm sự gia tăng của nợ xấu.
Ngoài việc để kiểm soát nợ xấu thì Trung tâm thông tin tín dụng (CIC) còn vô cùng quan trọng để hội nhập nền kinh tế. Hội nhập ngành Ngân hàng đóng vai trò quan trọng trong việc mở rộng và đưa quan hệ của ta với các nước đối tác phát triển theo chiều sâu, tạo lợi thế đan xen và đạt được nhiều kết quả tích cực, khá toàn diện. Có thể nói, tiến trình hội nhập kinh tế và lĩnh vực ngân hàng đã tạo nền tảng quan trọng giúp Việt Nam thu hút một dòng vốn nước ngoài lớn vào nền kinh tế nói chung và ngành dịch vụ tài chính nói riêng, tạo điều kiện thuận lợi cho hệ thống ngân hàng nâng cao tính thanh khoản và tiếp cận các nguồn vốn có chi phí thấp trên thế giới. Bên cạnh đó, việc gia tăng cơ hội cho các nhà đầu tư nước ngoài gia nhập thị trường tài chính ngân hàng Việt Nam, giúp thúc đẩy quá trình chuyển giao công nghệ, kiến thức, năng lực điều hành và quản lý cấp cao. Các yếu tố tích cực này là đòn bẩy quan trọng để ngành Ngân hàng phát triển hiệu quả và phù hợp với các thông lệ trong khu vực và quốc tế. Để tránh những rủi ro xảy ra việc CIC cung cấp những thông tin, số liệu chính xác sẽ giúp đảm bảo tính minh bạch cho các nhà đầu tư nước ngoài là vô cùng cần thiết.
Một trong những vấn đề đặt ra trong HTNN đó chính là việc thông tin bất đối xứng trong hoạt động tín dụng. Trong hoạt động tín dụng Ngân hàng không thể có toàn bộ thông tin về khách hàng,về khả năng thu hồi vốn từ khách hàng điều này dẫn đến tình trạng tín dụng có thể sẽ được cấp cho người có rủi ro cao, không đáng tin cậy. Ngân hàng cũng khó có thể kiểm tra,giám sát tình hình sử dụng vốn vay của khách hàng khi mà khách hàng cố tình che đậy, tạo thông tin giả điều đó dân tới việc các khoản vay có thể không được hoàn trả đúng hạn, làm tăng tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng khiến ngân hàng có thể gặp phải các rủi ro. Do đó, để đảm bảo an toàn trong hoạt động của mình, bản thân các tổ chức tín dụng phải xử lý thông tin bất cân xứng để hạn chế
lựa chọn bất lợi và tâm lý ỷ lại nhằm cho vay đúng người đúng đối tượng và giám sát chặt chẽ để khách hàng vay vốn có hành vi đúng đắn nhằm đảm việc thu hồi cả gốc và lãi khoản tín dụng đã cấp ra.Trong một nền kinh tế, hầu như không một ngân hàng nào có đủ khả năng tự mình xử lý được vấn đề thông tin bất cân xứng mà cần phải có một cơ sở hạ tầng và những điều kiện cần thiết cho nền kinh tế đó nhằm tránh xảy ra những vấn đề về hệ thống ảnh hưởng tiêu cực đến toàn bộ nền kinh tế.
Vì vậy Trung tâm thông tin tín dụng (CIC) là vô cùng cần thiết trong việc cung cấp những thông tin chính xác giúp HTNN phát triển “khỏe mạnh” tránh gặp những rủi ro không mong muốn.