Phát triển đội ngũ giáo viên luôn là vấn đề chiến lược của mỗi quốc gia vì đội ngũ giáo viên mang yếu tố hàng đầu quyết định chất lượng giáo dục. Nâng cao chất lượng giáo viên được xem là khâu đột phá, trọng tâm của công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục. Tuy nhiên, hiện nay chất lượng giảng dạy của giáo viên tại nước ta chưa thực sự tốt, nhiều giáo viên chạy theo thành tích thay vì chất lượng. Vì thế, cần phải có những biện pháp phát triển năng lực của giáo viên để đạt được mục tiêu giáo dục đề ra.
- Chỉ đạo, quán triệt thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, nghị quyết của trung ương và địa phương về GD&ĐT, đạo đức nhà giáo, nâng cao tinh thần, trách nhiệm của đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nhất là người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu trong
nâng cao chất lượng giáo dục.
- Tổ chức các lớp tập huấn bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục. Thành lập Hội đồng bộ môn cấp THPT với các thành viên là những cán bộ quản lý chuyên môn và giáo viên cốt cán của các đơn vị, thực hiện nhiệm vụ tư vấn hỗ trợ các trường trong công tác chuyên môn, nghiệp vụ. Tăng cường
công tác kiểm tra chuyên môn các cơ sở giáo dục để có giải pháp khắc phục, điều chỉnh kịp thời những tồn tại của các đơn vị.
- Tổ chức khảo sát, đánh giá năng lực chuyên môn, nghiệp vụ đội ngũ giáo viên bậc phổ thông (năm 2016 đối với giáo viên THCS, THPT; năm 2017 đối với giáo viên Tiểu học). Căn cứ vào kết quả khảo sát, Sở GD&ĐT ban hành văn bản chỉ đạo các đơn vị tăng cường bồi dưỡng năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ giáo viên, chỉ đạo giáo viên tăng cường công tác tự học, tự bồi dưỡng để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.
- Chỉ đạo các đơn vị xây dựng kế hoạch giáo dục phù hợp với tình hình thực tế của đơn vị; chỉ đạo giáo viên rà soát, điều chỉnh nội dung dạy học trong chương trình giáo dục phổ thông hiện hành theo hướng tinh giản, tiếp cận chương trình giáo dục phổ thông mới; thực hiện thường xuyên, hiệu quả các phương pháp, hình thức tổ chức và kỹ thuật dạy học tích cực; đổi mới phương pháp đánh giá học sinh.
- Chỉ đạo thực hiện tốt các hoạt động chuyên môn trong nhà trường như sinh hoạt chuyên môn theo cụm trường, sử dụng trang mạng “truonghocketnoi” để trao đổi chuyên môn; thực hiện nghiêm túc và có chất lượng các buổi sinh hoạt chuyên môn theo chuyên đề; tổ chức dự giờ rút kinh nghiệm giờ dạy, ...
- Chỉ đạo thực hiện tốt công tác ôn thi THPT quốc gia cho học sinh lớp 12; rà soát, bổ sung biên soạn tài liệu và tổ chức tập huấn cho giáo viên tham gia ôn thi THPT quốc gia. Tổ chức kiểm tra học kỳ lớp 9 THCS, lớp 12 THPT theo đề chung của Sở GD&ĐT, qua đó đánh giá mặt bằng chung của học sinh trong toàn tỉnh để điều chỉnh quá trình dạy học của giáo viên ở các nhà trường.
- Đổi mới phương thức tuyển dụng, bố trí đội ngũ cán bộ, giáo viên nhằm đảm bảo khách quan, công bằng, đánh giá đúng thực chất người dự tuyển, thu hút người có năng lực, trình độ cao. Tổ chức khảo sát chuyên môn giáo viên xét điều động thuyên chuyển về công tác tại trường THPT Chuyên năm học 2017-2018, đảm bảo khách quan, công bằng, đúng quy định; tiếp tục đổi mới công tác đánh giá, phân loại cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên theo hướng lấy chất lượng, hiệu quả công việc làm thước đo chính, nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị trong thực hiện đánh giá hằng năm.
- Quan tâm chỉ đạo thực hiện kịp thời các chế độ chính sách đối với nhà giáo và cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục; triển khai thực hiện tốt công tác thi đua, khen thưởng nhằm kịp thời động viên khuyến khích nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục vượt khó vươn lên,
không ngừng đổi mới sáng tạo hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.