Xu thế phát triển thông tin trên báo in trong tương lai

Một phần của tài liệu Thông tin trên trang nghề báo của báo nhà báo và công luận thực trạng và giải pháp phát triển ( khảo sát năm 2011 2012) (Trang 28 - 32)

Có thể dễ dàng nhận thấy, cuộc khủng hoảng của ngành công nghiệp báo in diễn ra ở hầu hết các nền báo chí và chưa có hồi kết. Báo in đang bị cạnh tranh gay gắt của các loại hình báo chí khác. Trên thế giới, nhiều nước có nền báo chí phát triển cũng chứng kiến sự sụt giảm nghiêm trọng của báo in. Ngành công nghiệp báo in mang trên mình tuổi đời hàng nghìn năm, sau nhiều thập kỷ sống khỏe trong mô hình “80-20” (80% doanh thu từ quảng cáo và 20% doanh thu từ bán báo), từ khoảng gần 10 năm trở lại đây, rơi dần vào cuộc khủng khoảng rộng khắp chưa từng có. Tất thảy, từ nhật báo cho đến các tờ tin tức buổi tối, từ báo tuần đến tạp chí ra hàng tháng, dù tìm mọi cách để trốn chạy, chống đỡ, vẫn không tránh khỏi sự tuột dốc thảm hại về cả lượng doanh thu quảng cáo lẫn lượng độc giả. Lẫy lừng như New York Times (Mỹ), cũng không tránh khỏi suy thoái. Năm 2012, tập đoàn này đã sa thải hàng trăm nhân viên và hoàn tất hợp đồng chuyển nhượng 16 tờ báo thuộc sở hữu của mình cho Tập đoàn Halifax Media Holdings (Mỹ). Hoặc cuối tháng 10/2012, Newsweek - tờ tạp chí kinh tế tuần danh tiếng và có ảnh hưởng lớn ở nước Mỹ, được thành lập từ năm 1933, vốn quen thuộc với người dân Mỹ

trong nhiều thập kỷ qua, đã tuyên bố ngừng bản in vào tháng 12/2012 để tập trung làm bản điện tử với tên gọi mới - Newsweek Global. Bà Tina Brown, Tổng biên tập của tờ Newsweek, trong một lời phát biểu đã không giấu nổi những giọt nước mắt và thừa nhận sự đóng cửa này là kết cục không thể tránh khỏi: "Không một ai có thể đảo ngược lại xu hướng tất yếu trong kỷ nguyên công nghệ số như hiện nay"…

Tại châu Âu, báo in cũng chịu thảm cảnh tồi tệ không kém. Cuộc khủng hoảng báo in ở Đức đã dẫn tới sự ra đời của một từ phức mới: “Zeitungssterben”, có nghĩa là “cái chết của báo in”. Có thể kể tên những nạn nhân tiêu biểu của cuộc khủng hoảng trên đất Đức là Financial Times Deutschland (đình bản) và Frankfurter Rundschau (đệ đơn xin phá sản) hay mới đây nhất là DAPD, hãng thông tấn lớn thứ hai nước Đức, chính thức chấm dứt hoạt động vì không tìm được nhà đầu tư… Cũng giống như thị trường báo chí Mỹ, báo in ở Pháp cũng rơi vào khủng hoảng khi nhiều báo lớn đều phải cắt giảm nhân sự, giảm đáng kể lợi nhuận và phải chuyển sang báo điện tử để tiếp tục duy trì hoạt động. Ðiển hình như tờ nhật báo Lemonde, đã có phiên bản điện tử ngay từ những năm 1990 và đến nay, trở thành tờ báo điện tử có uy tín bậc nhất nước Pháp cũng như thế giới. Tây Ban Nha cũng không nằm ngoài cuộc khủng hoảng khi tờ nhật báo hàng đầu là El Pais đã phải cắt giảm tới 129 nhân sự trong năm 2012 và lượng phát hành thì tụt xuống còn 455.666 bản mỗi ngày so với thời hoàng kim cách đó 10 năm là một triệu bản. Lượng phát hành giảm kéo theo doanh thu giảm xuống còn 194 triệu euro so với 453 triệu euro năm 2005. Sau thất bại của tờ báo in, El Pais tìm cách lấy lại uy tín cũng như doanh thu bằng cách chuyển hướng sang báo điện tử .

Trong bối cảnh đất nước và thế giới có nhiều biến động phức tạp, thời cơ và thách thức đan xen, Đảng và Nhà nước ta vẫn kiên trì định hướng xã hội chủ nghĩa; đặc biệt quan tâm đến các vấn đề văn hóa, coi đây là nền tảng tinh

thần, là động lực của sự phát triển xã hội, vì vậy, báo in vẫn được coi là một bộ phận quan trọng trong chiến lược phát triển thông tin, là một trong những yếu tố hình thành văn hóa đọc, một kênh chuyển tải, lưu giữ các giá trị văn hóa - khoa học...

Sự phát triển của báo in trong tương lai đang là một câu hỏi lớn, cũng là những điều mà những người làm báo Việt Nam trăn trở. Trong bài trả lời phỏng vấn Thời báo tài chính Việt Nam (19.6.2014), PGS.TS Vũ Quang Hào chia sẻ: Trước hết cần phải nói ngay rằng không chỉ với báo in mà ngay cả truyền hình truyền thống cũng sẽ trở nên khó khăn hơn. Theo chuyên gia Barbarra Chazelle, hiện nay, trước những khả năng của mạng internet và công nghệ không ngừng phát triển, truyền hình truyền thống đang bị thách thức: Chi phí sản xuất cao nhưng số lượng người xem giảm, quảng cáo giảm. Chuyên gia đã đưa ra một loạt các thông số được khảo sát gần đây nhất và những nghiên cứu xã hội cho thấy: Có thể trong tương lai gần, truyền hình truyền thống không tồn tại (thông tin từ Hội thảo tại Hà Nội ngày 14 - 17/10/2013). Trong tương quan này, nhất là tương quan với báo online thì báo in càng gặp nhiều khó khăn hơn. Theo dự báo có thể đến năm 2020 ở Việt Nam báo in sẽ giảm mạnh.

Trên thế giới, sự phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin và sự thay đổi trong thói quen tiếp nhận thông tin của công chúng là những yếu tố căn bản đẩy báo in toàn cầu vào cơn lốc truyền thông kỹ thuật số dữ dội. Theo TS. Nguyễn Thành Lợi trong cuốn “Tác nghiệp báo chí trong môi trường truyền thông hiện đại”: Trong thực tế, khi một phương tiện truyền thông mới ra đời, người ta thường quan tâm và nhắc nhiều đến sự “tồn tại” của các phương tiện truyền thông truyền thống. Tuy nhiên, với xu thế hội tụ truyền thông mạnh mẽ như hiện nay, các phương tiện truyền thông truyền thống và truyền thông mới lại có xu hướng cùng tích hợp, tương tác và hỗ trợ nhau,

bằng những phương thức đa dạng và phức tạp hơn trước. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là, hội tụ truyền thông không có nghĩa là sự cộng dồn một cách máy móc các loại hình báo chí trong cùng một cơ quan, mà thực chất trước xu thế hội tụ, một tòa soạn sẽ phải cấu trúc, sắp xếp lại để trở thành một “guồng máy” sản xuất tin tức, chế ra nhiều “món ăn” đáp ứng các thị hiếu của công chúng hiện đại. [14, tr.81].

Tất thảy các tờ báo lớn nhỏ khắp hành tinh, đang buộc mình vật vã trôi theo cơn lốc ấy. Ở Việt Nam cũng vậy. Câu chuyện phát triển của báo in trong tương lai trở thành vấn đề “nóng” nhiều năm trở lại đây. Trả lời phỏng vấn của tác giả đề tài này, Nhà báo Hà Minh Huệ - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam thì cho rằng: “Báo in vẫn có sức sống tồn tại song song với các loại hình báo chí khác. Báo in vẫn là kênh để con người tích lũy tư liệu và kinh nghiệm, lưu trữ và tham khảo. Xã hội phát triển, báo in sẽ có phương thức thích hợp để vận động và phát triển theo kịp xu hướng chung của xã hội”. Báo in ở nước ta trong những năm qua đã có bước phát triển mới và trưởng thành về nhiều mặt. Tính đến tháng 9 năm 2013, cả nước có 838 cơ quan báo chí với 273 ấn phẩm phụ; trong đó có 199 cơ quan báo in, bao gồm 86 cơ quan báo in Trung ương và 113 cơ quan báo in địa phương (nguồn: Cục Báo chí - Bộ Thông tin và Truyền thông). Báo in nước ta đã có bước tiến nhanh trong việc ứng dụng những tiến bộ của khoa học công nghệ để đáp ứng kịp thời và đa dạng nhu cầu thông tin của công chúng, của xã hội; từng bước khắc phục sự tụt hậu về kỹ thuật truyền thông so với khu vực và quốc tế.

Theo một số chuyên gia về báo chí thì “ngày tận thế” của báo in vẫn chưa tới. Họ cho rằng, có rất nhiều con đường để có thể “vượt bão”. Theo TS. Nguyễn Anh Tuấn – Tổng Biên tập báo Đầu tư: Đúng là báo in đang bị cạnh tranh khốc liệt của truyền hình và internet, thậm chí có những tiên đoán về sự

chấm dứt số phận của nó. Tôi cho rằng, mỗi loại hình báo chí đều có thế mạnh riêng, nhưng báo in cần có giải pháp để “thoát hiểm”. Và dù công nghệ có phát triển mạnh hơn, sóng điện thoại có thể phủ hết nhưng do trình độ con người và do những thói quen của một lượng độc giả mà báo in vẫn có một chỗ đứng nhất định.

Đồng quan điểm này, trong bài trả lời phỏng vấn trên Báo Nhà báo & Công luận, ông Phạm Huy Hoàn, Tổng biên tập Báo Dân trí, một trong những người làm báo kỳ cựu tại Việt Nam, đưa ra nhận định rằng: "Hàng chục năm nữa báo in và báo điện tử vẫn song hành, dù cho báo in sẽ tiếp tục giảm lượng phát hành. Còn lối thoát ư? Tôi cho rằng, điều đó phụ thuộc nhiều vào lãnh đạo các tờ báo. Chúng ta cần phải biết cụ thể hơn đối tượng nào đọc báo in, đối tượng nào đọc báo điện tử nhằm phục vụ tốt nhất nhu cầu của họ”.

Một phần của tài liệu Thông tin trên trang nghề báo của báo nhà báo và công luận thực trạng và giải pháp phát triển ( khảo sát năm 2011 2012) (Trang 28 - 32)