Vấn đề người chưa thành niên phạm tội là một bức xúc xã hội không chỉ ở Việt Nam mà còn ở các nước trên thể giới trong đó có Nhật Bản. Theo quy định tại Điều 2 của Luật về người chưa thành niên số 168 ngày 15-7-1948 được sửa đổi qua các năm 1949, 1950, 1951, 1952, 1953, 1954, 1985, 1987, 1995, 1997, 1999, 2000 (sau đây gọi tắt là Luật về người chưa thành niên) thì người chưa thành niên là người chưa đủ 20 tuổi. Mục đích của Luật người chưa thành niên là không trừng phạt những người chưa thành niên phạm tội mà "giúp đỡ cho họ phát triển tốt, tiến hành những biện pháp bảo vệ để thay đổi tính cách của người chưa thành niên phạm tội và tạo ra một môi trường giáo dục để điều chỉnh người chưa thành niên đã chót mắc phải sai lầm".
Về thẩm quyền xét xử các vụ án mà bị can, bị cáo là người chưa thành niên, theo quy định tại Điều 6 của Luật về người chưa thành niên thì bất kỳ người nào phát hiện ra hành vi của người chưa thành niên và thấy cần phải xét xử người chưa thành niên đó tại Toà án gia đình thì thông báo cho Toà án gia đình có thẩm quyền biết. Trong trường hợp cảnh sát hoặc người giám hộ cho rằng việc xử lý người chưa thành niên theo quy định của Luật bảo vệ trẻ em sẽ tốt hơn việc chuyển vụ án cho Toà án gia đình giải quyết thì có thể thông báo việc này với Trung tâm giáo dục trẻ em. Theo quy định tại Điều 41 của Luật về người chưa thành niên thì Toà án gia đình cũng tiếp nhận vụ án từ cơ quan cảnh sát. Theo quy định tại điều này thì sau khi điều tra về người chưa thành niên bị tình nghi phạm tội mà cảnh sát cho rằng người đó đã phạm một tội có thể bị xử phạt tiền hoặc hình phạt nhẹ hơn thì phải chuyển vụ án cho Toà án gia đình. Ngay cả khi không có cơ sở để cho rằng người chưa thành niên thực hiện tội phạm mà cảnh sát thấy rằng cần thiết chuyển vụ án cho Toà
án gia đình để xét xử theo thẩm quyền của mình thì vẫn có thể chuyển vụ án cho Toà án gia đình. Trừ những vụ án quá nhẹ, thẩm phán tòa án gia đình khi thụ lý vụ án thiếu niên đều chỉ thị cho điều tra viên tòa án gia đình tiến hành điều tra về tính cách, thói quen, hành động hàng ngày, quá trình sinh trưởng và môi trường của thiếu niên để làm rõ nguyên nhân phạm tội và những vấn đề của thiếu niên (Điều 8).
Về quyền được điều tra trong môi trường thân thiện, Điều tra viên tiến hành điều tra vụ án thì cần phải sử dụng những kiến thức về y học, tâm lý, sư phạm, xã hội và các kỹ năng khác, đặc biệt là kết quả phân loại mà Cơ quan phân loại người chưa thành niên cung cấp về hành vi, nghề nghiệp, tính tình và môi trường xã hội xung quanh người chưa thành niên, của người giám hộ của họ hoặc của những người khác có liên quan. Mục đích của việc điều tra là làm rõ các vấn đề về tính cách, tiểu sử bản thân, gia đình và môi trường xã hội xung quanh người chưa thành niên. Trừ những vụ án quá nhẹ, thẩm phán tòa án gia đình khi thụ lý vụ án thiếu niên đều chỉ thị cho điều tra viên tòa án gia đình tiến hành điều tra về tính cách, thói quen, hành động hàng ngày, quá trình sinh trưởng và môi trường của thiếu niên để làm rõ nguyên nhân phạm tội và những vấn đề của thiếu niên (Điều 8).
Về quyền được áp dụng các biện pháp bảo vệ, căn cứ vào kết quả xét hỏi tại phiên điều tra, nếu Toà án gia đình xét thấy cần thiết thì có thể ra quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ đối với người chưa thành niên thì có thể áp dụng một trong các biện pháp bảo vệ như đưa người chưa thành niên vào cơ sở giám sát, đưa người chưa thành niên vào nhà dành cho trẻ sống một mình hoặc cơ sở bảo hộ trẻ em, đưa người chưa thành niên vào cơ sở giáo dục người chưa thành niên. Thời hạn đưa vào các cơ sở bảo vệ không quá 4 tuần. Trong thời gian 4 tuần, Toà án phải hoàn tất những thủ tục cần thiết để đưa ra xét xử. Ở Nhật Bản không có thủ tục riêng cho việc truy tố và xét xử người
chưa thành niên. Theo Luật người chưa thành niên, thì công tố viên không có quyền tham gia xét xử tại các Toà án gia đình. Tuy nhiên, Thẩm phán có thể cho phép công tố viên tham dự và khi cần thiết có thể yêu cầu công tố viên tiến hành điều tra thêm.
Về quyền có người đại diện, Luật người chưa thành niên của Nhật Bản cho phép người chưa thành niên khi bị đưa ra xét xử tại Toà án gia đình được có một hoặc hai người đại diện. Người đại diện không phải là luật sư bào chữa như trong phiên toà xét xử người đã thành niên. Người đại diện này không nhất thiết phải là luật sư, có thể là giáo viên hoặc người làm công tác xã hội... Luật không quy định chi tiết các bước tiếp theo cần tiến hành như thế nào mà chỉ đưa ra chung chung rằng Toà án gia đình phải tiến hành xét xử trên cơ sở "chân tình, có lợi" cho người chưa thành niên và "cần có mọi cố gắng để bảo vệ cho được những thuộc tính cao đẹp nhất của người chưa thành niên và để cho người chưa thành niên có niềm tin" và việc xét xử cần tiến hành công khai.
Về quyền được xét xử trong môi trường nhẹ nhàng, Phiên toà sẽ do một Thẩm phán tiến hành nhưng không được tiến hành công khai và phải được tiến hành trong một môi trường nhẹ nhàng không gây căng thẳng đối với người chưa thành niên. Thẩm phán trên cơ sở kết quả điều tra sẽ xem xét có tiến hành thẩm xét với thiếu niên đó hay không. Trong trường hợp không có xung đột về sự việc, vụ việc đơn giản, khả năng tái phạm thấp chỉ cần tác động về mặt giáo dục tiến hành khi điều tra là đủ, không cần tiến hành thẩm xét để đưa ra chỉ đạo thì sẽ quyết định không bắt đầu thẩm xét và kết thúc thủ tục (Điều 19). Trường hợp cần phải theo dõi thiếu niên để đưa ra quyết định xử lý cuối cùng thì thẩm phán đặt ra thời hạn tương đối khoảng 3,4 tháng và quyết định kiểm tra theo dõi. Trường hợp này có thể giao cho điều tra viên tòa án gia đình theo dõi (Khoản 1, Điều 25). Trong thời gian kiểm tra theo dõi, thiếu niên được cho
tham gia các hoạt động xã hội như hoạt động chăm sóc người già tại nhà dưỡng lão, hoạt động dọn vệ sinh ở địa phương, tham dự các giờ học để nghe ý kiến trực tiếp của người bị hại giúp các em tỉnh ngộ. Việc đưa các em vào các cơ sở cải tạo hoặc giao cho cá nhân để ủy thác hướng dẫn (mục 3, khoản 2) trước đây được tiến hành thường xuyên nhưng gần đây chỉ khoảng một vài phần trăm. Khi mở thủ tục thẩm xét, thiếu niên và người giám hộ được triệu tập, tùy trường hợp có thể có sự tham dự của luật sư là người đi kèm, giáo viên nhà trường, người thuê lao động, nhân viên giám hộ. Ngoài ra trong một số vụ nghiêm trọng có sự tranh chấp về tình tiết phạm tội, tòa án gia đình có thể xem xét yêu cầu công tố viên có mặt. Tuy nhiên xét xử vụ việc thiếu niên không công khai như xét xử hình sự nên những người không liên quan không được dự phiên tòa. Việc xét xử được tiến hành một cách ôn hòa và cẩn trọng trong không khí có sự nghiêm khắc để thiếu niên tự nhận ra lỗi lầm của mình. Thẩm phán không chỉ nhắc nhở thiếu niên nhận ra lỗi lầm của mình mà còn nhắc nhở người giám hộ nhận thức về trách nhiệm nuôi dưỡng của mình.
Về thi hành hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội, theo quy định tại Điều 56 của Luật về người chưa thành niên, thì nếu người chưa thành niên bị xử phạt tù lao động hoặc tù giam, họ sẽ phải chấp hành hình phạt tại một nhà tù được xây dựng để dành riêng cho người chưa thành niên hoặc một phần riêng biệt của nhà tù thông thường.
Về quyền được giữ bí mật thông tin, đối với người chưa thành niên bị Toà án gia đình xét xử hoặc người đã thành niên bị truy tố về tội đã phạm khi còn chưa thành niên thì các thông tin về người phạm tội hoặc hình ảnh có thể khiến người khác hiểu rằng họ là người phạm tội liên quan đến vụ án hình sự đó như tên, tuổi, nghề nghiệp, nơi ở, hình dáng v.v… sẽ không được công khai trên bất kỳ báo hay tạp chí nào. Điều 61 quy đinh về việc cấm ghi trên báo như sau:
Đối với thiếu niên bị đưa ra xử lý tại tòa án gia đình hoặc người bị truy tố về tội đã phạm khi còn thiếu niên, không được phép đăng bài viết hoặc ảnh trên báo chí, hoặc các ấn phẩm khác để từ họ tên, tuổi, nghề nghiệp, chỗ ở, khuôn mặt có thể suy đoán được người đó chính là người trong vụ việc đó [30, Điều 61].
Về quyền kháng cáo của bị can, bị cáo là người chưa thành niên, Điều 32 Luật người chưa thành niên quy định:
Thiếu niên, người đại diện theo pháp luật hoặc người đi kèm có quyền kháng cáo trong thời hạn 2 tuần đối với quyết định xử lý bảo hộ, nếu lý do kháng cáo là có vi phạm pháp luật ảnh hưởng đến quyết định, có sự nhầm lẫn nghiêm trọng về tình tiết sự thật hoặc rõ ràng có sự bất công trong xử lý. Tuy nhiên, người đi kèm không được kháng cáo trái với ý chí mà người bảo hộ được lựa chọn đã thể hiện rõ ràng [30, Điều 32].