Quan niệm thơ qua “Chân dung và đối thoại”

Một phần của tài liệu Thơ Trần Đăng Khoa dưới góc nhìn tư duy nghệ thuật (Trang 29 - 33)

2. Qúa trình sáng tác và quan niệm về thơ của Trần Đăng Khoa

2.3.Quan niệm thơ qua “Chân dung và đối thoại”

Tập khảo luận “Chân dung và đối thoại” của Trần Đăng Khoa ra đời năm 1998 đã đánh dấu sự trở lại trên văn đàn của nhà thơ sau một thời gian dài im hơi lặng tiếng. Thông qua việc khắc họa chân dung và đối thoại cùng các nhân vật của Trần Đăng Khoa người đọc cũng đã phần nào hiểu được những quan niệm về thơ của chính tác giả.

Mở đầu tác phẩm Trần Đăng Khoa đã trân trọng đặt vào đó chân dung nhà thơ Tố Hữu, điều này xuất phát từ tình cảm kính trọng của tác giả với chính đối tượng của mình. Vì vậy không có gì lạ khi từ nét vẽ đầu tiên cho đến khi đặt cây bút xuống, Trần Đăng Khoa vẫn luôn khẳng định vai trò của Tố Hữu trong văn học Việt Nam hiện đại, ông là “một nhà thơ lớn”, “một nhà thơ lãng mạn”, “một bút pháp bậc thày”…Không phải ngẫu nhiên mà tác giả đã khẳng định: “ Tố Hữu chính là người thư kí của cách mạng. Thơ ông là biên niên sử cách mạng Việt Nam” [13, tr.10]. Bút pháp, tài nghệ bậc thày của Tố Hữu đã dựng lên hàng loạt những trang sử thơ hào hùng của dân tộc, từ “Từ ấy”, “Việt Bắc”, qua “Gió lộng”, “Ra trận” rồi đến “Máu và hoa”…Có thể nói, “viết về lịch sử thì không ai bằng được ông”. Đối với đồng nghiệp, Tố Hữu là một nhà thơ của nhân dân, nhưng đối với riêng tác giả, ông còn là một người thày đã giúp đỡ cậu bé Khoa từ những ngày đầu tiên chập chững bước vào làng thơ. Người đọc chắc hẳn cũng không thể nào quên hình ảnh Tố Hữu ngồi chép lại những câu thơ của mình từ trí nhớ của độc giả để tặng cho báo Đại đoàn kết. Trần Đăng Khoa đã khẳng định: “Thật chẳng có gì sung sướng hơn được nhân dân thuộc thơ mình. Đấy là tấm huân chương cao quí nhất mà nhân dân đã trao tặng thi sĩ. Hạnh phúc lớn lao ấy, tạo hóa đâu có ban phát cho nhiều người” [13, tr.25]. Tính sử thi là một chất liệu vô cùng quan trọng trong sự phát triển của thơ ca cách mạng nước ta, qua việc khắc họa chân dung nhà thơ Tố Hữu, chúng ta nhận thấy rằng Trần Đăng Khoa đánh giá rất cao thơ ca cách mạng cũng như luôn đề cao chất sử thi trong thơ mà nhà thơ Tố Hữu là một tác giả tiêu biểu. Trong tác phẩm này, Trần Đăng Khoa có ý kéo những “chân dung” ông khắc họa lại gần hơn với công chúng, bởi vậy ông có dụng ý đưa đời sống lên trước tác

31

phẩm. Chân dung nhà thơ Xuân Diệu cũng được ông khắc họa theo cách này. Người đọc không tiếp cận Xuân Diệu với những “Vội vàng”, “Giục giã”, “Đây mùa

thu tới”…mà được tiếp xúc với nhà thơ trong cuộc sống hàng ngày. Xuân Diệu là

người đa tài, vừa viết văn vừa làm thơ, lại vừa là một nhà phê bình sắc sảo “Phê bình thơ khó khăn lắm…Thế nên mình cứ phải khó tính, cứ phải làm con gà mái đứng gác cửa chuồng. Mặc dù là cái việc lườm nguýt bất lịch sự đó chẳng hay ho gì” [13, tr.48]. Có thể nói, chính Trần Đăng Khoa đã đưa người đọc tới những vùng xa khuất ẩn phía sau ánh hào quang lung linh của ngọn tháp thi ca Xuân Diệu để hiểu hơn về cuộc đời một người nghệ sĩ. Đến với chân dung nhà thơ Xuân Diệu – Người thày đã dìu dắt Trần Đăng Khoa trong những tháng ngày đầu tiên chập chững bước vào làng thơ, ông đề cao quan điểm làm việc nghiêm túc và cẩn trọng của thày mình. Đó là sự khẳng định nghề thơ là một công việc khó khăn, cao cả và vinh quang. Nếu bản thân người nghệ sĩ không khắt khe với chính mình thì sẽ không thể cho ra đời những tác phẩm có giá trị - Bài học này đã trở thành kim chỉ nam định hướng cho suốt đời thơ Trần Đăng Khoa.

Quan điểm coi việc sáng tạo nghệ thuật là một hành trình khó khăn, gian khổ, Trần Đăng Khoa còn khẳng định lại một lần nữa trong bức chân dung viết về nhà văn Lê Lựu – Một trong những người bạn thân thiết của ông. Lê Lựu trong góc nhìn của Trần Đăng Khoa luôn là “một tảng đá nguyên khối xù xì của thiên nhiên hoang dã mà đời sống và văn minh thế giới không thể đẽo gọt được” [13, tr.77]. Tuy nhiên khi bước vào địa hạt của văn chương thì chúng ta nhận ra chân dung một Lê Lựu hoàn toàn khác, nhà văn này phải “lặn ngụp bì bõm, xẻ xắn từng khối chữ trên trang giấy”. Bởi thế mới có một Lê Lựu “không chấp nhận sự nhạt nhẽo tầm thường…Ngay cả khi tác phẩm hình thành rồi, có vấn đề, có cốt truyện, có nhân vật hẳn hoi rồi, Lê Lựu vẫn viết một cách vất vả, chật vật” [13, tr.80]. Trần Đăng Khoa vẽ chân dung người bạn thân thiết của mình với vẻ hài hước, dí dỏm và đề cao công việc của bạn nhưng cũng đồng thời khẳng định lại với độc giả một lần nữa: Sáng tác văn chương không phải một trò chơi, đó là một công việc nghiêm túc, vất vả nhưng vô cùng vinh quang.

32

Trong những ngày tháng ấu thơ, Trần Đăng Khoa được mệnh danh là thần đồng thơ ca. Với một tư duy trong sáng, hồn nhiên, Trần Đăng Khoa đã cho ra đời những bài thơ sâu sắc và độc đáo mà trước hết là để dành cho chính mình, sau đó là dành cho gia đình, cho những người bạn xung quanh. Khi đã trở thành một nhà thơ người lớn, Trần Đăng Khoa càng ý thức được rằng chính tính chất trẻ thơ hồn nhiên, trong sáng của những tháng ngày ngồi trên ghế nhà trường ấy đã tạo nên giá trị cho những vần thơ của mình. Bởi vậy trong cuốn “Chân dung và đối thoại”, khi nhận xét về thơ Hoàng Nhuận Cầm, Trần Đăng Khoa đã đánh giá cao chất trẻ thơ trong những tác phẩm của nhà thơ này. Dường như Hoàng Nhuận Cầm là một nhà thơ không có tuổi, tuy là một nhà thơ khoác áo lính nhưng Hoàng Nhuận Cầm luôn “mang chất trẻ thơ ra mặt trận” [13, tr.171]. Hình ảnh người lính trong thơ ông khác với thơ Trần Đăng Khoa. Còn nhớ những vần thơ viết về người lính của Trần Đăng Khoa là những con người ngạo nghễ trước sóng gió Trường Sa, thì trong thơ Hoàng Nhuận Cầm người lính lại là những người học trò cầm súng ra trận, bởi vậy những người lính này “in đậm tính nết trẻ con” [13, tr.172]. Thơ trong kháng chiến là thế, thơ Hoàng Nhuận Cầm viết trong thời hậu chiến cũng không thay đổi, yếu tố trẻ thơ vẫn được nhà thơ này duy trì với những âm thanh trong trẻo, hồn nhiên của trẻ thơ. Việc khẳng định một trong những yếu tố tạo nên “thương hiệu” cho thơ Hoàng Nhuận Cầm là chất trẻ thơ trong từng tác phẩm, bản thân tác giả Trần Đăng Khoa cũng một lần nữa đề cao tính chất này trong việc sáng tác thơ. Bởi lẽ chất trẻ thơ trong sáng cũng chính là một trong những nguyên liệu quan trọng tạo nên phong cách thần đồng trong thơ Trần Đăng Khoa.

Thơ hay không chỉ căn cứ vào các biện pháp tu từ hay việc sử dụng ngôn từ đẹp,

hình ảnh đẹp…mà còn dựa trên cái hồn của người nghệ sĩ được thể hiện trong thơ. Nguyễn Đình Thi là một nhà thơ như vậy. Nói đến tác giả này là chúng ta đang đề cập đến một người nghệ sĩ tài hoa bậc nhất của văn học nghệ thuật Việt Nam. Nguyễn Đình Thi không chỉ được biết đến với tư cách là một nhà thơ mà còn với nhiều tư cách khác nhau như là một nhà biên kịch, một kiến trúc sư…Trong phạm

33

cách là một nhà thơ lớn của văn học hiện đại nhưng cũng đủ để người đọc thấy được cái độc đáo trong thơ Nguyễn Đình Thi cũng như việc đề cao hồn thơ của tác giả trong quá trình sáng tạo nghệ thuật. Thơ Nguyễn Đình Thi hấp dẫn người đọc không phải ở câu chữ bởi nhà thơ này thường chỉ sử dụng một thứ ngôn ngữ “mòn nhẵn, bạc phếch, mang tính khái niệm” [41, tr.206]– Một điều mà bất kì một tác giả nào cũng muốn tránh xa. Ấy vậy nhưng thơ Nguyễn Đình Thi vẫn có một sức sống mãnh liệt và bền bỉ trong lòng người đọc, đó là bởi tác giả này đã biết thổi hồn vào từng câu chữ. Chính cái màu sắc thần thái của nhà thơ trên cái nền của những từ ngữ sờn cũ đã tạo nên những câu thơ bất hủ trên văn đàn, chính điều khác biệt này đã tạo nên phong cách thơ Nguyễn Đình Thi – Sự khác biệt đã nhận được sự ủng hộ và đánh giá rất cao của tác giả “Chân dung và đối thoại”.

Ngòi bút của Trần Đăng Khoa không chỉ hướng tới những nhà văn, nhà thơ lớn mà còn biết trăn trở khi viết về những nhà văn mà văn nghiệp lận đận đã đẩy họ xa rời bạn đọc và văn giới. Chân dung nhà văn Phù Thăng là một ví dụ điển hình, có thể nói không ngoa rằng: Nếu không có “Chân dung và đối thoại” của Trần Đăng Khoa thì liệu có mấy ai biết đến Phù Thăng? Lịch sử văn học hiện đại đã từng chứng kiến vụ án “Nhân văn – Giai phẩm” kéo dài suốt ba mươi năm, Phù Thăng cũng chỉ vì vài lời bàn luận về tiểu thuyết “Phá vây” mà bỗng nhiên trở thành một ông nông dân tại gia có nhiệm vụ giúp vợ chăn gà nuôi vịt. Chum văn của ông có lẽ sẽ chẳng bao giờ được “mở nắp” vì với đồng lương còm cõi của mình thì đến bao giờ ông mới có đủ tiền để in sách. Vậy là suốt đời Phù Thăng “vẫn đứng ngoài dòng văn học”. Người đọc ai không nhói lòng khi đọc những trang viết thật sự xúc động về số phận của một con người như vậy? Và rồi trong dòng đời đang mải miết ngược xuôi kia, liệu Phù Thăng có còn được một cơ hội để tỏa sáng?...Trần Đăng Khoa không chỉ nhìn nhận, đánh giá các tác giả dựa trên tiếng vang mang tính bề nổi mà còn đưa ra những uẩn khúc, những số phận chìm nổi trong văn học Việt Nam hiện đại, thể hiện một tinh thần nhân văn sâu sắc. Biết bao câu hỏi, bao sự trăn trở Trần Đăng Khoa dành cho người đọc cùng suy ngẫm.

34

Bên cạnh việc khắc họa chân dung các tác giả, thông qua đó để thể hiện những quan điểm nghệ thuật của bản thân, Trần Đăng Khoa còn hướng ngòi bút của mình tới nhiều vấn đề xung quanh đời sống văn học đương đại. Ông đặt ra việc thẩm định các giá trị văn chương đã và đang định hình trên văn đàn, đặc biệt là việc thông qua những giải thưởng văn nghệ lớn, từ đó giúp người đọc có được cái nhìn tương đối bao quát về tình hình văn học nước ta trong những năm gần đây.Thông qua những vấn đề được nêu, bản thân Trần Đăng Khoa không chỉ chỉ ra những hạn chế của các tác phẩm đoạt giải mà ông còn muốn bàn lại giá trị của những chính những giải thưởng đó. Thông qua “Chân dung và đối thoại” và trong một số bài viết khác, Trần Đăng Khoa đã gián tiếp nêu lên những quan điểm nghệ thuật của bản thân, việc khen chê trong văn học đối với ông là chuyện bình thường, bởi vậy mới có chuyện “ mọi tác phẩm đều tồn tại bằng giá tri thực của nó, ngọn lửa phê bình chỉ đốt được hàng mã mà thôi, còn vàng thật thì càng đốt càng sáng”.

Một phần của tài liệu Thơ Trần Đăng Khoa dưới góc nhìn tư duy nghệ thuật (Trang 29 - 33)