Kiểm tra giám sát khoản vay không chỉ nắm bắt thông tin, theo dõi và cập nhật kịp thời tình hình khoản vay, tình hình hoạt động của khách hàng, mà hơn hết nó còn có ý nghĩa hạn chế rủi ro tín dụng phát sinh. Trên thực tế công việc này chưa được quan tâm đúng mức, nhiều vụ án lừa đảo, chiếm đoạt liên quan đến hoạt động ngân hàng mà rủi ro tín dụng xuất phát từ chính nguyên nhân do chưa làm tốt công tác kiểm tra, giám sát khoản vay. Vì vậy để góp phần nâng cao chất lượng tín dụng, ngân hàng cần quan
tâm đúng mức đến hoạt động này theo hướng:
Xây dựng hệ thống kiểm tra, giám sát khoản vay, nắm bắt kịp thời tình hình sử dụng vốn vay, tình hình hoạt động của khách hàng để biết chắc rằng vốn vay được sử dụng đúng mục đích và đánh giá được hiệu quả thực hiện phương án kinh doanh, khả năng trả nợ của khách hàng. Cần phân biệt rõ chức năng, trách nhiệm của từng bộ phận, của từng cán bộ tín dụng, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động nghiệp vụ chuyên môn.
Có kế hoạch kiểm tra, khảo sát khách hàng vay vốn để nắm bắt tình hình sử dụng vốn vay của khách hàng. Theo đó đối với khách hàng cá nhân, có thể từ 15—20 ngày cán bộ tín dụng đi thực tế để kiểm tra việc sử dụng vốn vay, kiểm tra tài sản đảm bảo nợ vay (nhất là đối với khoản vay mà tài sản bảo đảm nợ vay là hàng hóa); đối với khách hàng doanh nghiệp, tùy theo phương thức, hình thức vay vốn mà ngân hàng có biện pháp kiểm tra cụ thể (căn cứ theo hợp đồng vay vốn, hợp đồng kinh tế của khách hàng, hóa đơn, chứng từ mua bán hàng hóa, hợp đồng bảo lãnh, cam kết thanh toán,…), nhằm phát hiện kịp thời hành vi gian lận, thiếu minh bạch của khách hàng vay để có biện pháp xử lý nợ hiệu quả, hạn chế tối đa việc phát sinh nợ quá hạn.
Bên cạnh việc tăng cường công tác kiểm tra kiểm soát khách hàng, chi nhánh cũng cần phải chú ý đến công tác kiểm tra kiểm soát nội bộ để có thể phát hiện, ngăn chặn và chấn chỉnh kịp thời những sai sót trong quá trình thực hiện nghiệp vụ tín dụng.