c) Kết thúc đàm phán
2.2.10. Kỹ năng quản lý bản thân
Có trách nhiệm với chính mình là biết “Tự điều chỉnh chính mình trước khi điều chỉnh người khác”. Sự tiến bộ, sự tin cậy, sự nể trọng đều xuất phái từ đây. Hình ảnh của những người lãnh đạo tài ba, những người thầy vĩ đại đều bắt nguồn từ việc tự điều chỉnh mình hay nói cách khác đó là làm gương. Có rất nhiều tấm gương của người khác để chúng ta có thể soi vào nhưng chỉ có duy nhất tấm gương của chính mình để chúng ta tự soi mà thôi. Đó mới là tấm gương chân thực nhất.
Để thực hiện tốt kỹ năng quản lý bản thân các nhà quản lý giáo dục cần tạo cho mình những thói quen tốt cả trong công việc và đời thường
Đối với công việc những thói quen tốt giúp công việc của của nhà quản lý hoàn thành hiệu quả và nhanh hơn.
2.2.10.1.Đọc nhiều tài liệu và sách báo
Một nhà quản lý mới được bổ nhiệm, ngoài việc đi học nâng cao trình độ quản lý hãy dành một thời gian nhất định trong giờ làm việc để đọc các tài liệu và sách báo liên quan. Sau một thời gian ngắn chắc chắn sẽ có được những kiến thức về nhiệm vụ mới của mình. Đọc sách báo, nghe thời sự là để cập nhật kiến thức mới không chỉ về lĩnh vực mình quản lý mà còn nâng tầm hiểu biết của bản thân.
2.2.10.2. Loại bớt những công việc không quan trọng
Vấn đề ở đây không phải là bỏ lại không làm công việc được giao mà cần xem xét lại công việc và thời gian làm việc để nhận biết đâu là công việc quan trọng và cần quan tâm nhất để làm. Tránh làm mọi việc mà kết quả không đem lại lợi ích gì, trong khi lại có một số công việc rất quan trọng cần đầu tư thời gian đề hoàn thành, nên nếu có thể hãy loại bỏ bớt những công việc chưa cần thiết, hoặc không quan trọng.
2.2.10.3. Tránh đam mê “Game” và “Chat”
Hầu hết chúng ta đều có thói quen trả lời thư điện tử hay cửa sổ chat ngay khi chúng hiện lên màn hình. Thói quen này sẽ khiến bạn bị sao nhãng trong công việc và đôi khi sẽ lấy đi của bạn một khoảng thời gian mà bạn không nhận ra.
Hãy quy định một thời điểm nhất định trong ngày để kiểm tra hòm thư hay tin nhắn. Ví dụ, có thể kiểm tra thư vào buổi sáng khi đến cơ quan, sau khi ăn trưa về và trước khi hết giờ làm việc. Điều này vẫn đảm bảo có thể trả lời nhanh những thư thắc mắc gửi đến và không làm nhà quản lý bị mất tập trung khi đang làm việc.
Với Game cũng vậy đừng có lý do là giải trí một chút cái “một chút” ấy mà không khống chế nỗi cũng sẽ tiêu phí thới gian kha khá đấy! Hãy coi chừng “Game”- kẻ thù số một của quản lý thời gian.
2.2.10.4. Đảm bảo có thời gian giải lao ngắn trong giờ làm việc
Bất cứ ai trong khi làm việc hãy cho phép mình nghỉ khoảng 5 phút trong giờ làm việc mỗi khi cảm thấy mỏi mệt. Lúc đó có thể đi lại quanh phòng, thực hiện vài động tác thể dục nhẹ, uống một tách trà,… sẽ giúp thư giãn đầu óc và lấy lại tinh thần để tiếp tục làm việc.
2.2.10.5. Không quá cầu toàn trong mọi việc
Trong cuộc sống cũng như công việc, những người cầu toàn luôn trì hoãn hoặc làm một công việc mất rất nhiều thời gian bởi vì họ mong muốn một kết quả hoàn mỹ. Điều này chưa hẳn là tốt bởi vì khó có việc gì có thể hoàn hảo. Khi không quá cầu toàn trong mọi việc sẽ giúp nhà quản lý giải quyết công việc nhanh và dễ dàng hơn. Điều duy nhất cần chú ý là đảm bảo kết quả công việc khả quan và trôi chảy.
Đối với đời sồng hằng ngày: Bản thân nhà quản lý cũng cần tạo những thói quen tốt không những có lợi cho bản thân mà những thói quen đó còn làm gương cho người thân trong gia đình và cộng đồng như: lối sống giản dị, lành mạnh.
Jonh C.Maxwell, chuyên gia nổi tiếng về nghệ thuật lãnh đạo, đã nói: “Không có thành công nào trong sự nghiệp đáng để ta phải hy sinh gia đình mình”
Nếu nhà quản lý không quản lý tốt bản thân thì sẽ không có sự tín nhiệm.
Nếu tôi không thể quản lý tốt bản thân, mọi người sẽ không làm theo tôi. Nếu tôi không thể quản lý tốt bản thân, mọi người sẽ không tôn trọng tôi. Nếu tôi không thể quản lý tốt bản thân, mọi người sẽ không hợp tác với tôi.
Ba câu nói trên không chỉ đúng cho nhà quản lý với cấp dưới, với đồng nghiệp mà với cả cấp trên. Họ càng chắc chắn việc làm của mình là đúng đắn thì càng có khả năng gây ảnh hưởng đến người khác.
Tóm lại: Kĩ năng là một trong những yếu tố quyết định hiệu quả công việc quản lý nói chung, quản lý giáo dục nói riêng; Để quản lý thành công, nhà quản lý phải có kĩ năng để thực thi nhiệm vụ của mình. Các kĩ năng sẽ được hình thành và phát triển qua học tập, rèn luyện và trải nghiệm. Người quản lý giáo dục dù ở cấp nào cũng cần có những kĩ năng quản lý nhất định. Các kĩ năng được đề cập đến ở đây chỉ là một số trong những kĩ năng cần thiết với nhà quản lý giáo dục. Trong công tác mỗi người cần tiếp tục học tập, rèn luyện để có được các kĩ năng tác nghiệp hiệu quả.