Ví dụ thực tế về thực hiện hợp đồng mua bán hàng hóa

Một phần của tài liệu một số chế độ pháp lý và vấn đề thực tiễn về giao kết và thực hiện hợp đồng mua bán hàng hóa hiện nay (Trang 31 - 36)

III. THỰC TIỄN TRONG VIỆC GIAO KẾT VÀ THỰC HIỆN HỢP ĐỒNG MUA BÁN HÀNG HÓA

4.Ví dụ thực tế về thực hiện hợp đồng mua bán hàng hóa

Người bán hàng là cửa hàng Thiên Sơn. Người mua hàng là Công ty Phùng Lâm, hai bên ký Hợp đồng mua bán số 1905 ngày 19/5/2008, theo đó bên mua đặt mua một số lượng 5 mặt hàng điện tử có xuất xứ từ Mỹ trị giá 10.234 USD. Ngày 27/6/2008 hai bên ký Phụ lục hợp đồng số 1905/PL với số lượng đặt hàng 3 mặt hàng bổ sung trị giá là 1.882 USD. Tổng giá trị hai hợp đồng là 12.116 USD, tương đương 190.366.000 đồng, phía người mua đã chuyển tiền cho người bán.

Ngày 27/7/2008, cửa hàng Thiên Sơn giao hàng, hai bên lập biên bản xác định có 3/8 mặt hàng quan trọng nhất và có giá trị nhất theo hợp đồng có xuất xứ từ Trung Quốc, Thái Lan. Phía người bán đề nghị người mua chấp nhận sử dụng hàng đã giao, cam kết bảo hành bảo đảm hoạt động tốt như hàng hoá đã thoả thuận và đồng ý chi thêm 500 USD vì lý do hàng không đúng nguồn gốc xuất xứ. Phía người mua nhận thiết bị để sử dụng và đã nhận 500 USD do người bán chuyển đến.

Sau hơn một tháng sử dụng, thiết bị hoạt động không tốt nên công ty Phùng Lâm đã có văn bản khiếu nại tới bên bán hàng yêu cầu nhận lại hàng hoá và bồi thường khoản tiền công ty Phùng Lâm phải đi thuê máy của đơn vị khác để sử dụng. Ngày 01/11/2008, công ty Phùng Lâm khởi kiện vụ án, đề nghị Toà án buộc cửa hàng Thiên Sơn thực hiện yêu cầu nêu trên, cụ thể là buộc cửa hàng Thiên Sơn nhận lại hàng đã bán và thanh toán trả 190.366.000 đồng và những thiệt hại kinh tế do công ty Phùng Lâm phải thuê thiết bị từ ngày 28/9/2008 đến khi xét xử là 300.000 đồng/ngày (tương đương 42.750.000 đồng).

Trong tình huống trên, từ khi hai bên lập biên bản xác định lỗi của bên bán hàng đến khi khởi kiện, công ty PhùngLâm đã có yêu cầu bên bán sửa chữa, khắc phục chất lượng hàng đã nhận là phù hợp quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 40, khoản 2 Điều 41, Điều 49 Luật Thương mại; khoản 2 Điều 437, khoản 1 Điều 444,

khoản 3 Điều 447 của Bộ luật Dân sự.

Trong vụ án này liên quan đến chất lượng hàng hóa. Phía người bán có lỗi đã chuyển 3/8 mặt hàng cùng loại nhưng không đúng xuất xứ, phía người mua chấp nhận nhận thiết bị, máy móc để đưa vào sử dụng với điều kiện người bán phải sửa chữa, khắc phục sai sót về tính chất của hàng hoá. Khi cửa hàng Thiên Sơn không khắc phục được vi phạm (hàng hoá sai xuất xứ) thì công ty Phùng Lâm có quyền trả lại vật để lấy lại tiền, phù hợp quy định tại Điều 49 Luật Thương mại, khoản 3 Điều 447 Bộ luật Dân sự.

Công ty Phùng Lâm khai phải thuê máy móc thay thế máy đã mua để sử dụng và xuất trình tài liệu chứng minh thiệt hại (theo hợp đồng ký với đơn vị khác). Đây là thiệt hại thực tế, mặc dù trong hợp đồng không có quy định mức bồi thường thiệt hại, song căn cứ khoản 2 Điều 307 Bộ luật Dân sự thì công ty Phùng Lâm có quyền yêu cầu cửa hàng Thiên Sơn khắc phục vi phạm (sửa chữa để máy móc có chất lượng tương đương hàng đặt mua) và bồi thường thiệt hại (tiền thuê máy).

Do đó, cửa hàng Thiên Sơn có trách nhiệm trả khoản tiền chênh lệch về thiết bị mua sai xuất xứ cho công ty Phùng Lâm và bồi thường khoản tiền thuê thiết bị mà bên mua đã chi phí nhằm khắc phục thiệt hại bằng khoản tiền thuê thiết bị đã ký kết với đơn vị khác trong thời gian chờ cửa hàng Thiên Sơn sửa chữa, thay thế thiết bị có tính chất đúng tiêu chuẩn đã giao kết trong hợp đồng.

IV. KIẾN NGHỊ

Để bảo đảm tính thống nhất của pháp luật về hợp đồng nên điều chỉnh lại cơ cấu tổng thể của pháp luật hợp đồng hiện nay. Các quy định có tính chất chung chỉ nên quy định trong Bộ luật Dân sự. Trong Bộ luật này cần có những quy định chung có tính khái quát cao, thể hiện rõ quyền tự do hợ p đồng để bảo đảm tính ổn định cao của Bộ luật Dân sự sau lần sửa đổi, bổ sung này. Không nên đưa vào Bộ luật Dân sự các quy định về các loại hợp đồng chuyên biệt mà để cho các văn bản pháp luật chuyên ngành quy định. Nếu có đưa một loại hợp đồng nào đó vào trong Bộ luật Dân sự thì không nên quy định ở văn bản pháp luật khác nữa để tránh trùng lặp, chồng chéo. Cần bổ sung các quy định mới về giá trị của điều lệ, quy chế và điều kiện giao dịch của doanh nghiệp, pháp nhân, tổ chức trong mối quan hệ với pháp luật hợp đồng;cần làm cho pháp luật hợp đồng của Việt Nam tương thích với pháp luật và tập quán thương mại quốc tế. Thủ tục giao kết hợp đồng trong Bộ luật Dân

sự cũng phải được quy định hết sức cụ thể và minh bạch để các quan hệ hợp đồng, đặc biệt là các quan hệ hợp đồng phục vụ cho hoạt động kinh doanh của các chủ thể được thiết lập một cách mau chóng, đơn giản mà vẫn bảo đảm sự an toàn về mặt pháp lý. Muốn vậy, Bộ luật Dân sự phải quy định chi tiết về các vấn đề sau: Các điều kiện của đề nghị giao kết hợp đồng và chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng; trách nhiệm pháp lý của người đề nghị giao kết hợp đồng và thời điểm phát sinh trách nhiệm này; những trường hợp sửa đổi, bổ sung, rút lại hay chấm dứt đề nghị giao kết hợp đồng và chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng.

Thêm vào đó, pháp luật cũng cần quy định rõ về người có thẩm quyền ký kết hợp đồng. Vấn đề đại diện và ủy quyền để thiết lập và thực hiện các giao dịch tuy đã được quy định tại chương VI phần thứ nhất và mục 12, chương II phần thứ ba Bộ luật Dân sự nhưng cần được cụ thể hóa trong phần quy định về hợp đồng. Bởi đây là vấn đề hết sức phức tạp trong thực tế ký kết hợp đồng, đặc biệt là các hợp đồng trong kinh doanh. Việc ủy quyền và ủy quyền lại phải được áp dụng rộng rãi trong việc giao kết và thực hiện hợp đồng mà không phụ thuộc vào hợp đồng đó được ký kết bằng phương thức trực tiếp hay gián tiếp; hợp đồng đó có phải đăng ký hoặc chứng nhận của công chứng hay không.

Ngoài ra, một mặt cần quy định rõ thế nào là văn bản hợp đồng theo hướng thừa nhận các thông tin được các bên gửi cho nhau qua đường điện tín (telex, fax) và các hình thức thông tin kỹ thuật số (thư điện tử và các hình thức thông tin điện tử khác) là văn bản hợp đồng, mặt khác hạn chế quy định cứng nhắc những loại hợp đồng bắt buộc phải ký kết dưới hình thức văn bản mà nên đề cao quyền tự thỏa thuận của các bên để lựa chọn hình thức hợp đồng phù hợp.

Thứ ba, cần bổ sung những quy định riêng về giao kết và thực hiện hợp đồng thông qua các phương tiện thông tin kỹ thuật số để tạo cơ sở pháp lý cho sự phát triển thương mại điện tử ở nước ta. Sự bùng nổ của thông tin liên lạc đã tác động mạnh đến mọi mặt đời sống con người. Việc các bên trực tiếp gặp gỡ, đàm phán và cùng ký vào văn bản hợp đồng đã trở nên không tiện dụng và nhiều khi chỉ phù hợp với những hợp đồng đòi hỏi hình thức trang trọng. Tham gia các giao dịch với sự trợ giúp của các phương tiện thông tin điện tử đang ngày càng phổ biến và trở nên một yếu tố không thể thiếu của kinh doanh hiện đại. Các khái niệm “nền kinh tế số”, “thương mại điện tử”, “siêu thị ảo”, “văn phòng ảo” đã được bổ sung vào hệ ngôn ngữ phổ thông của rất nhiều quốc gia. Lợi thế to lớn của thương mại điện tử là

không thể phủ nhận. Để phát triển thương mại điện tử, Bộ luật Dân sự phải giải quyết được các vấn đề pháp lý sau: Hình thức của hợp đồng ký qua mạng Internet phải như thế nào? Liệu các hình thức thông tin kỹ thuật số, như thư điện tử chẳng hạn, có được coi là văn bản hợp đồng không? Hiện nay, trong các văn bản pháp luật của Việt Nam chỉ duy nhất có Luật Thương mại thừa nhận thư điện tử và các hình thức thông tin điện tử khác là văn bản hợp đồng. Rất tiếc quy định này được cơ cấu riêng trong mục 2 – Mua bán hàng hóa làm chúng ta không rõ quy định đó có được áp dụng cho các quan hệ hợp đồng khác hay không? Ngoài ra cũng cần phải giải quyết rõ giá trị chứng cứ của văn bản điện tử ra sao khi có tranh chấp phát sinh từ “hợp đồng điện tử” này?

KẾT LUẬN

Đất nước ta sau nhiều năm chuyển đổi từ nền kinh tế bao cấp sang nền kinh

tế thị trường dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước đã có nhiều thành tựu đáng

chú ý. Nền kinh tế thị trường đòi hỏi các doanh nghiệp luôn phải nỗ lực không ngừng để tồn tại và đứng vững. Nhiều doanh nghiệp bắt kịp được với cơ chế thị trường và khẳng định được vị trí của mình trên thương trường. Tuy nhiên cũng có nhiều doanh nghiệp không thích ứng được với cơ chế này, sản xuất kinh doanh thua lỗ và dẫn đến bị giải thể, phá sản.

Hoạt động mua bán hàng hoá trong nước đã trở thành lĩnh vực kinh doanh chủ đạo và đem lại nguồn doanh thu lớn cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, để hoạt động mua bán hàng hoá đi vào chiều sâu thì đòi hỏi doanh nghiệp phải tìm hiểu, tiếp cận và nhận thức đúng đắn các hoạt động thương mại theo đúng luật, nhằm hạn chế những tổn hại kinh tế không đáng có.

Để hoạt động mua bán hàng hóa diễn ra tuân thủ theo đúng pháp luật, yêu cầu đặt ra cho nhà làm luật là phải xây dựng một hệ thống pháp luật hoàn chỉnh

hơn, quy định chi tiết cụ thể, rõ ràng hơn. Thủ tục giao kết và thực hiện hợp đồng

trong cũng phải được quy định hết sức cụ thể và minh bạch để các quan hệ hợp đồng, đặc biệt là các quan hệ hợp đồng phục vụ cho hoạt động kinh doanh của các chủ thể được thiết lập một cách mau chóng, đơn giản mà vẫn bảo đảm sự an toàn về mặt pháp lý. Bên cạnh đó chủ thể, các nhà kinh doanh cũng phải có ý thức nâng cao trách nhiệm thực hiện hợp đồng theo đúng quy định của pháp luật.

Em xin chân thành cảm ơn TS. NGUYỀN HỢP TOÀN đã giúp đỡ tận tình để em có thể hoàn thành đề tài này.

Một phần của tài liệu một số chế độ pháp lý và vấn đề thực tiễn về giao kết và thực hiện hợp đồng mua bán hàng hóa hiện nay (Trang 31 - 36)