III. MỘT SỐ GIẢI PHÁP KHAI THÁC YẾU TỐ CON NGƯỜ
d. Khai thác hợp lý thời gian làm việc trong ngày và trong tháng
Thời gian làm việc hợp lý cũng có ảnh hưởng rất lớn trong việc nâng cao năng suất lao động. Thực trạng cho thấy việc khai thác thời gian làm việc trong ngày và trong tháng của trung tâm còn nhiều bất hợp lý. Chưa tận dụng hết số ngày làm việc trong tháng, trong khi đó số giờ làm việc trong một ngày lại vượt quá 8 tiếng. Điều này cho thấy cường độ làm việc của người lao động trong một ngày làm việc lớn, nó ảnh hưởng đến khả năng làm việc của người lao động. Do đó, để có thể khai thác được tối đa khả năng làm việc của công nhân, trung tâm cần điều chỉnh lại thời gian gian làm việc trong ngày và trong tháng sao cho hợp lý hơn bằng cách:
- Tăng số ngày làm việc bình quân trong tháng của người lao động thông qua việc hạn chế những ngày nghỉ không lý do, hoặc nghỉ vì những công việc không chính đáng của người lao động bằng việc thực hiện nghiêm khắc các hình thức kỷ luật động như: Nếu vi phạm lần đầu thì tiến hành khiển trách. Nếu còn tái diễn sẽ thực hiện hình thức nặng hơn là cảnh cáo, phạt hành chính...
- Để giảm số giờ làm thêm của công nhân mà vẫn đảm bảo tiến độ có thể chia lao động ra thành các ca làm việc, như vậy có thể giảm thời gian làm thêm giờ mà vẫn đảm bảo khai thác được tối đa thời gian làm việc trong ngày.
-Tăng khả năng sản xuất của trung tâm để có thể đảm bảo tiến độ sản xuất bằng cách: điều chỉnh lại cơ cấu lao động, giảm số lao động quản lý, tăng lao động sản xuất. Trong cơ cấu công nhân sản xuất, tăng số lao động chính, giảm lao động phụ, như vậy có thể góp phần tăng khả năng sản xuất của trung tâm.
- Nếu công việc quá nhiều, bắt buộc người công nhân phải làm thêm giờ mới kịp tiến độ sản xuất thì có thể thuê thêm lao động để giảm bớt số giờ làm thêm của người lao động.
e) Tiến hành xây dựng mức và kiểm tra việc thực hiện mức lao động.
Việc xây dựng mức và thực hiện mức rất quan trọng, nó cho thấy khả năng sản xuất của trung tâm. Tuy nhiên, trên thực tế, trung tâm chưa có điều kiện để tiến hành định mức và kiểm tra việc thực hiện mức. Do đó, để xác định khả năng sản xuất thực tế của trung tâm, cũng như để đưa ra các kế hoạch sản xuất một cách chính xác và các biện pháp nâng cao khả năng sản xuất của trung tâm đáp ứng nhu cầu phát triển trong thời gian tới, trung tâm cần thực hiện công tác xây dựng mức và theo dõi việc thực hiện mức lao động. Để có thể xây dựng mức và theo dõi mức:
Trung tâm cần thành lập phòng tổ chức lao động, hoặc cần phải cử một người phụ trách công việc xây dựng mức, và theo dõi việc thực hiện mức. Yêu cầu của cán bộ xây dựng mức là có trình độ chuyên môn về tổ chức lao động. Để công tác định mức đạt hiệu quả cao, cần phải trang bị những dụng cụ cần thiết phục vụ cho việc định mức như đồng hồ bấm giờ, giấy bút, sổ ghi chép...
Trong quá trình xây dựng mức, trung tâm cần phải thực hiện một cách nghiêm túc, có khoa học. Việc xây dựng mức có thể bằng phương pháp bấm giờ, chụp ảnh. Trong khi chụp ảnh, bấm giờ thời gian làm việc, phải theo dõi một cách tỉ mỉ từ đầu đến cuối ca, thậm chí cả ngày làm việc, ghi lại toàn bộ các hoạt động và kết quả sản xuất của đối tượng quan sát ( chú ý, trong lúc bấm giờ, chụp ảnh, không cho đối tượng biết mình đang bị quan sát).
Việc xây dựng mức theo phương pháp này sẽ giúp cho người quản lý thấy được người công nhân sử dụng thời gian lao động của mình, từ đó phát hiện ra nguyên nhân dẫn đến sự lãng phí trong việc sử dụng thời gian lao động của người công nhân. Từ nguyên nhân đó sẽ đưa ra biện pháp khắc phục nhằm nâng cao việc khai thác khả năng của người lao động trong công việc, nâng cao năng suất lao động.
Ngoài ra có thể tiến hành xây dựng mức thông qua số liệu thống kê về năng lực hàng năm thực hiện được. Trên cơ sở mức đã thống kê được tiến hành khảo sát thực tế, xác định xem mức thống kê đó đã khai thác hết năng lực sản xuất của người lao động chưa. Từ đó điều chỉnh mức mới hợp lý hơn.
f) Hoàn thiện việc trả lương và nâng cao tiền lương bình quân cho người lao động.
+ Hoàn thiện công tác trả lương.
- Tổ chức tốt chế độ tiền lương, tiền thưởng có tác động rất lớn trong việc khuyến khích người lao động tăng năng suất lao động. Theo như phân tích ở trên, quy chế trả lương cho lao động ở trung tâm là chế độ trả lương theo thời gian. Cách trả lương này đã chú ý đến chất lượng thực hiện công việc của người lao động được thể hiện thông qua hệ số lương. Tuy nhiên, trong việc xây dựng hệ số lương nhiều lúc còn mang ý chí chủ quan của người quản lý. Vì thế, để tiền lương thực sự là động lực thúc đẩy người lao động làm việc thì:
Việc xây dựng hệ số lương người lao động phải đảm bảo khách quan, công bằng. Nó phải phản ánh được thực chất năng lực làm việc của người lao động.
Việc xây dựng hệ số lương người lao động phải đảm bảo khoa học, tức là khi hệ số lương phải xác định trên cơ sở kết quả thực tế hiện công việc, đánh giá ý thức tổ chức của người lao động thông qua các phiếu điều tra, nhận xét, bình bầu, cho điểm của các đồng nghiệp trong trung tâm...
Xây dựng cũng như công bố hệ số lương phải công khai, khi công bố hệ số lương phải đưa ra được lý do tại sao hệ số của người lao động như vậy.
Hệ số lương có thể được xác định bằng công thức sau: hi= (d1i + d2i) × k/ (d1 + d2)
k: là hệ số mức độ hoàn thành được chia làm 3 mức: hoàn thành tốt, hệ số 1,2 (riêng giám đốc, phó giám đốc, kế toán trưởng phải hoàn thành kế
hoạch lợi nhuận mới được áp dụng hệ số 1,2), hoàn thành, hệ số 1,0: chưa hoàn thành, hệ số 0,7.
d1i: là số điểm mức độ phức tạp của công việc người thứ i đảm nhận. d2i: Là số điểm tính trách nhiệm của công việc người thứ i đảm nhận. Tổng điểm cao nhất của 2 nhóm yếu tố mức độ phức tạp và trách nhiệm của công việc (d1i, d2i) là 100% thì tỷ trọng điểm cao nhất của d1i là 70% và của d2i là 30%.
Tỷ trọng điểm d1i, d2i được xác định theo bảng sau:
Công việc đòi hỏi cấp trình độ
d1i(%) d2i(%)
Từ đại học trở lên 45- 70 1- 30
Cao đẳng và trung cấp 20- 44 1- 18
Sơ cấp 7- 9 1- 7
Không cần đào tạo 1- 6 1- 2
Đối với d1i: căn cứ vào tính tư duy, chủ động,sáng tạo, mức độ hợp tác và thâm niên công việc đòi hỏi doanh nghiệp phân chia tỷ trọng điểm trong khung theo cấp trình độ, lập bảng điểm và đánh giá cho điểm cụ thể.
Đối với d2i: căn cứ vào tính quan trọng của công việc, trách nhiệm của quá trình thực hiện trách nhiệm đối với kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh, với tài sản, tính mạng con người, quan hệ công tác... doanh nghiệp phân chia tỷ trọng điểm trong khung lập bảng điểm và đánh giá cho điểm cụ thể.
(d1 + d2): là tổng số điểm mức độ phức tạp và tính trách nhiệm của công việc giảm đơn nhất trong doanh nghiệp.
- Bên cạnh tiền lương, tiền thưởng cũng là một yếu tố kích thích năng lực sản xuất của công nhân. Thực tế trong thu nhập của người lao động ở trung tâm chỉ có tiền lương, không có tiền thưởng. Do đó, để khai thác hết khả năng của người lao động, trung tâm cần áp dụng hình thức thưởng để
khuyến khích người lao động vượt chỉ tiêu, tiết kiệm nguyên vật liệu, nâng cao chất lượng sản phẩm... Bởi động lực chính của người lao động là họ muốn tăng thu nhập để nâng cao đời sống của mình. Mức thưởng khi hoàn thành vượt mức kế hoạch chính là một bộ phận tính thêm vào tiền lương, vì thế nó tạo động lực cho người lao động hoàn tốt công việc được giao, nâng cao năng suất lao động. Trung tâm có thể áp dụng các hình thức thưởng sau:
* Thưởng hoàn thành vượt mức kế hoạch sản xuất:
Chỉ tiêu thưởng: Thưởng hoàn thành vượt mức kế hoạch sản xuất và đảm bảo chỉ tiêu số lượng, chủng loại, chất lượng sản phẩm... theo qui định.
Điều kiện thưởng: đảm bảo mức độ hoàn thành vượt mức kế hoạch cả về số lượng và chất lượng sản phẩm.
Nguồn tiền thưởng: Là bộ phận tiết kiệm được từ chi phí sản xuất gián tiếp cố định (đó là những chi phí không thay đổi khi sản lượng tăng lên). Chi phí sản xuất gián tiếp cố định tính cho từng đơn vị sản phẩm giảm đi, do đó thu về được một bộ phận từ tiết kiệm chi phí sản xuất gián tiếp cố định.
* Thưởng nâng cao chất lượng sản phẩm:
Chỉ tiêu thưởng: Hoàn thành và hoàn thành vượt mức sản phẩm loại I và loại II trong một thời gian nhất định.
Điều kiện thưởng: Cần xác định rõ tiêu chuẩn kĩ thuật các loại sản phẩm, phải tổ chức nghiệm thu, kiểm tra sản phẩm chặt chẽ.
Nguồn tiền thưởng: dựa vào chênh lệch giá trị giữa sản phẩm các loại đạt được với tỷ lện sản lượng từng mặt hàng quy định.
* Thưởng tiết kiệm nguyên vật liệu:
Chỉ tiêu thưởng: Hoàn thành và hoàn thành vượt mức chỉ tiêu về tiết kiệm vật tư.
Điều kiện thưởng: tiết kiệm vật tư nhưng phải đảm bảo qui phạm kĩ thuật, tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm an toàn lao động. Làm tốt công tác thống kê, hạch toán số lượng và giá trị vật tư tiết kiệm được.
Nguồn tiền thưởng: Được lấy từ nguyên vật liệu tiết kiệm được trích một phần, phần còn lại để hạ giá thành sản phẩm.
+ Nâng cao tiền lương bình quân cho người lao động.
Số tiền mà một người công nhân nhận được trong một tháng có ảnh hưởng rất lớn đối với thái độ lao động của họ. Nếu tiền lương quá thấp, người lao động sẽ thờ ơ đối với công việc, họ không gắn bó với doanh nghiệp... làm cho năng suất lao động giảm. Thực tế tiền lương bình quân của lao động ở trung tâm còn thấp, đặc biệt là của lao động sản xuất (khoảng hơn 500 nghìn đồng 1 tháng), với mức tiền lương này khiến cho người công nhân không gắn bó với trung tâm, họ sẵn sàng nghỉ việc nếu tìm được một công việc có lương cao hơn, đặc biệt là những lao động có trình độ lành nghề cao. Do đó, để có thể duy trì lao động, để người lao động gắn bó với trung tâm và hết lòng vì trung tâm, trung tâm cần nâng cao mức lương bình quân cho người lao động. Để nâng cao tiền lương bình quân, trung tâm cần phải nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh hơn nữa, và trong quá trình tăng tiền lương bình quân cần chú ý mối quan hệ hợp lý giữa tốc độ tăng năng suất lao động bình quân với tốc độ tăng tiền lương bình quân.
g) Tổ chức phục vụ nơi làm việc.
Năng suất lao động của công nhân không chỉ do các yếu tố thuộc về ý chủ quan của người lao động như trình độ sức khoẻ, trình độ chuyên môn. sự cố gắng trong thực hiện công việc mà nó còn phục thuộc các yếu tố như tình hình tổ chức và phục vụ nơi làm vệc có hợp lý để khai thác tối đa khả năng của người lao động nâng cao năng suất lao động. Mặc dù trung tâm cũng đã chú ý đến tổ chức và phục vụ nơi làm việc nhưng để việc sản xuất có hiệu quả hơn nữa trung tâm cần tổ chức và phục vụ tốt hơn nơi làm việc tạo điều kiện cho người lao động nâng cao năng suất lao động.Trong công tác tổ chức và phục vụ nơi làm việc trung tâm cần:
Tăng cường sự phục vụ về máy móc và thiết bị và nguyên vật liệu. Bởi với số người phục vụ về điều chỉnh sửa chữa máy móc và nguyên vật liệu chỉ có một, nhiều khi họ không đảm bảo phục vụ tốt cho tất cả các xưởng cùng một lúc khi sự cố xảy ra. Do đó để quá trình sản xuất được đảm bảo và duy trì, trung tâm cần tăng cường trong việc phục vụ máy móc thiết bị.
Do người lao động thường xuyên phải làm thêm giờ, vì thế người lao động sẽ cảm thấy rất mệt. Để người lao động bớt mệt mỏi, đảm bảo cho quá trình sản xuất, trung tâm nên tiến hành công tác phục vụ đời sống cho người lao động ngay tại nơi làm việc như có những nhân viên chuyên phục vụ nước uống tại chỗ nghỉ cho người lao động, xây dựng bếp ăn giữa ca cho người lao động tại trung tâm, tổ chức chỗ nghỉ ngơi cho người lao động giữa các ca làm việc ngay tại trung tâm, như vậy người lao động sẽ tiết kiệm được một khoảng thời gian đáng lẽ phải về nhà để nghỉ ngơi, ăn giữa ca thi thay vào đó, họ sẽ ăn tại nơi làm việc và có thêm thời gian nghỉ ngơi ngay tại nơi làm việc, góp phần giảm bớt sự mệt mỏi của người lao động, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh cho trung tâm.
h) Hoàn thiện về điều kiện lao động.
Để đảm bảo tố hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như phát huy tối đa khả năng của người lao động trung tâm cần có một số biện pháp như:
Về tiếng ồn: Thường xuyên kiểm tra tiếng ồn trung tâm so với tiêu chuẩn cho phép bằng các thiết bị đo tiếng, từ đó đưa ra các biện pháp nhằm giảm tiếng ồn như lắp các thiết bị hút âm ở những nơi có độ ồn lớn.
Về độ bụi, sự thoáng mát nơi sản xuất, trung tâm cần thiết kế, lắp đặt, bố trí các quạt thông gió ở nơi thích hợp nhằm đảm nảo sự thông thoáng cho nơi sản xuất.
Về ánh sáng: Trung tâm có thể tận dụng ánh sáng mặt trời, mở thêm các cửa sổ. Tuy nhiên, khi mở thêm cửa sổ cần chú ý đến hướng của ánh
sáng, hướng gió sao cho thuận lợi và phù hợp với điều kiện sản xuất của trung tâm.
KẾT LUẬN
Năng suất lao động được coi là nguồn gốc của mọi chỉ tiêu phản ánh hiệu quả kinh tế. Việc phát hiện và khai thác các yếu tố làm tăng năng suất lao động là hết sức cần thiết để nâng hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của bất kỳ một doanh nghiệp nào. Song trên thực tế, nhiều khi các doanh nghiệp chưa phát hiện ra hoặc chưa đưa ra được những biện pháp nhằm tận dụng hết được các khả năng tiềm tàng của mình để nâng cao năng suất lao động, đặc biệt trong việc khai thác yếu tố con người nâng cao năng suất lao động nhiều khi bị lãng quên hay chưa được coi trọng đúng mức.
Qua phân tích và đánh giá việc thực hiện năng suất lao động và khai thác yếu tố con người trong nâng cao năng suất lao động ở trung tâm đồ chơi- thiết bị mầm non thuộc công ty thiết bị giáo dục 1, cho thấy việc khai thác yếu tố con người còn hạn chế. Dựa trên điều kiện thực tế ở trung tâm, em đã đưa ra một số khuyến nghị nhằm khai thác tốt hơn yếu tố con người góp phần nâng cao năng suất lao động và hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh ở trung tâm trong thời gian tới.
Do sự hiểu biết còn hạn chế nên trong bài viết này khó tránh khỏi những thiếu sót về trình độ chuyên môn và khả năng phân tích thực tế vì thế em rất mong sự góp ý của các thầy cô để bài viết được hoàn chỉnh hơn.
Em xin chân thành cảm ơn thầy Mai Quốc Chánh và các bác trong trung tâm đã tận tình giúp đỡ em hoàn thành bài viết này.