TIẾNG NÓI CỦA NGƯỜI ĐỜI THẬT ĐA DẠNG (Về việc đầu tư vào

Một phần của tài liệu Quyết đoán trong kinh doanh (Trang 33 - 35)

(Về việc đầu tư vào khu KADOMA)

Con người là động vật thường hay quan tâm đến hành động của người khác; đặc biệt đối với những hành động nổi bật. Họ dễ đưa ra ý kiến tán đồng, hoặc phủ định, khen hoặc chê. Song song với thói đời ấy, có người bị chê bai, đâm hay nghĩ ngợi, mất tự tin vào hành động hoặc suy nghĩ của mình, rồi bị dao động. Chính vì thế, khi tiến hành công việc, điều quan trọng là phải có niềm tin và lý lẽ phù hợp.

Năm 1933, sau khi Công ty MATSUSHITA quyết định đầu tư vào khu KADOMA nằm ở phía Đông Bắc của OSAKA, thiên hạ cũng bàn ra tán vào nhiều lắm. Thời ấy, xã hội còn chịu ảnh hưởng của sự đình trệ kinh tế thời vua Chiêu Hòa, do đó, việc Công ty MATSUSHITA đầu tư vào khu KADOMA tự nó đã là hành động đập vào mắt rồi.

Nói là đầu tư, nhưng đây không phải là đầu tư để xây dựng một bộ phận kinh doanh của Công ty mà là xây dựng mới trụ sở chính và xưởng chế tạo nữa. Vì vậy, theo lẽ thường thì đây là đầu tư khá lớn.

Tại sao tôi đã quyết định đầu tư vào khu KADOMA? Bởi vì, lúc ấy xưởng của Công ty MATSUSHITA không thể sản xuất kịp với đơn đặt hàng ngày càng tăng, kế hoạch gia tăng sản xuất là vấn đề hàng đầu đối với Công ty MATSUSHITA. Xây dựng xưởng quy mô lớn đã trở nên cấp bách. Chúng tôi đã tìm khắp nội thành OSAKA nhưng không có lô đất nào phù hợp cả. Vì thế, cuối cùng tôi quyết định xây cả trụ sở chính và xưởng trên lô đất đã mua sẵn trước đây ở khu KADOMA. Đây là lô đất đã mua và dự định xây thành nơi đào tạo nhân viên bán hàng.

Sau khi phát biểu xây dựng trụ sở chính và xưởng ở khu KADOMA này, thiên hạ ngạc nhiên và phê bình đại loại như: "Trong lúc kinh tế trì trệ thế này mà Công ty MATSUSHITA khuyếch trương to thế, đúng là kinh doanh kiểu phóng tay". "Khu KADOMA nằm phía "Cửa Quỷ" của OSAKA (phía Đông Bắc của OSAKA), Công ty MATSUSHITA đầu tư vào khu như thế là không tốt" v. v...

Tôi biết những lời đàm tiếu như thế của thiên hạ thường xảy ra trong bất cứ trường hợp nào; nên không cần để ý làm gì, cứ coi như gió thổi qua cành liễu cho xong chuyện. Tuy nhiên, dù muốn bỏ ngoài tai không suy nghĩ gì, nhưng trong lòng lại khó chấp nhận như vậy. Vì vậy, tự mình phải có lý lẽ khả dĩ bác bỏ được đối với lời bàn tán của thiên hạ.

Trước tiên, tôi xin giải thích về cái "Cửa Quỷ". Bản thân tôi cũng nghĩ trong bụng "Cái đó chắc có nghĩa của nó". Bởi vì theo phong tục cách nghĩ của xã hội thời đó, nói đến "Cửa Quỷ" là người ta sợ và liên tưởng đến những điều rất mê tín, phiền phức. Vì thế, biết là mê tín nhưng biết KADOMA nằm ở Cửa Quỷ tôi cũng đâm ra nghĩ ngợi. Khốn khó thật.

Nhưng chỉ vì nó là Cửa Quỷ mà lại dứt bỏ hẳn việc đầu tư vào KADOMA thì không thể được. Nội thành thì không có đất để mua, chỉ còn ở khu KADOMA thôi. Chỗ đó, mình đã có đất và với lô đất rộng đó tính đế chuyện phát triển công ty mới phù hợp. Vì vậy, chúng tôi rất muốn đầu tư vào KADOMA, khổ nỗi nó vướng vào Cửa Quỷ, vậy làm thế nào mới phải đây?

Trong lúc miên man suy nghĩ, chợt loé lên một điều: nếu cho rằng, phía Đông Bắc là phía Cửa Quỷ thì chiếu theo định hình nước Nhật đi đâu cũng là Cửa Quỷ cả (trên bản đồ thế giới Nhật Bản ở phía Đông Bắc). Cả nước Nhật từ đảo HOKKAIDO xuống HONSHU, SHIKOKU, KYOSHU, đại thể là Đông Bắc kéo dài xuống Tây Nam. Vậy thì nếu nói Đông Bắc là Cửa Quỷ thì địa phương nào cũng nằm vào Cửa Quỷ cả và toàn thể nhân dân Nhật Bản phải đi khỏi nước Nhật hay sao. Nhìn như vậy thì dù KADOMA nằm ở Cửa Quỷ của OSAKA, cũng không cần thiết phải để ý đến điều đó làm gì.

Nghĩ như thế, tâm hồn tôi trở nên thanh thản và lại quyết đoán đầu tư vào KADOMA.

Còn về câu thiên hạ nói "kinh doanh phóng tay" thì theo tôi, về mặt nào đó, không phải là sai. Bởi vì chúng tôi đã làm một mạch tiếp nối khuyếch trương sự nghiệp. Lần này, vốn xây dựng để đầu tư vào KADOMA không phải chỉ toàn vốn tự có mà một phần phải vay ngân hàng. Thời ấy, gây dựng sự nghiệp bằng vốn tự có là điều bình thường, còn việc vay vốn ngân hàng bị cho là không khôn ngoan, không hiện thực lắm. Tuy nhiên, đúng là vay đấy nhưng ngân hàng rất tin, hiểu và giúp đỡ Công ty MATSUSHITA; họ không đòi hỏi thế chấp cái gì, chỉ nhờ lòng tin mà cho vay vốn.

Vì thiên hạ có lời như thế nên trong lễ khánh thành nhà xưởng mới, tôi đã phát biểu thẳng thắn về việc vay vốn trong lời chào. Trong đó có đoạn: "Từ khi thành lập công ty, thời gian còn ngắn, nhưng nhờ trời ưu đãi về vốn nên đã thực hiện được đến ngày hôm nay kế hoạch vượt quá sức mình. Trong phạm vi tín dụng cho phép, việc vay vốn bên ngoài là đương nhiên". Hành động này có nghĩa là, đối với những tin đồn sau lưng, người bị đồn đã phát biểu về lời đồn đó trước công chúng. Tóm lại, khi Công ty MATSUSHITA bị thiên hạ nói nào là kinh doanh phóng tay, nào là "mượn vốn kinh doanh không khôn ngoan, không hiện thực", công ty đã tự trả lời cho thiên hạ trong bài phát biểu. Đây cũng là câu trả lời của tôi đối với lời đồn của thiên hạ.

Kết cục, hành động trên là sự biểu hiện lòng tin vững chắc của bản thân tôi đối với kinh doanh. Nếu thực sự là "kinh doanh phóng tay" thì chắc khó mà có tư thế mạnh như vậy. Dù thiên hạ nói gì chăng nữa, bản thân tôi vẫn vững tin là Công ty MATSUSHITA đang xúc tiến kinh doanh vững vàng. Do đó, tôi đường đường công bố việc vay vốn này. Sau đó, một số khách tham dự lễ khánh thành đã nói lên cảm tưởng của bản thân mình về lời phát biểu, đại ý như: tôi ngạc nhiên về sự vững tin của cậu, tôi cảm phục sự vững tin của cậu.

Trong bối cảnh đó, chúng tôi đã thực hiện việc đầu tư vào khu KADOMA và nhờ đó Công ty MATSUSHITA đi vào thời kỳ phát triển lên một bậc nữa. Khu KADOMA này hiện tại là căn cứ địa chính của Công ty MATSUSHITA.

Một phần của tài liệu Quyết đoán trong kinh doanh (Trang 33 - 35)