Mua lại cổ phần theo yêu cầu của cổ đông:

Một phần của tài liệu Quy chế pháp lý về vốn trong công ty cổ phần (Trang 26 - 27)

Mua lại phần vốn góp của một thành viên nào đó trong công ty thực chất là việc công ty thu hồi lại một số cổ phần đã phát hành và trả cho cổ đông đó một số tiền tương ứng với giá trị số cổ phần mà cổ đông yêu cầu công ty mua lại. Số cổ phần công ty mua lại sẽ trở thành cổ phần chưa bán trong số cổ phần được chào bán. Vì thế, công ty có thể bán lại cho các cổ đông khác kể cả cổ đông mới và cũ và qua đó có thể thu hồi được số tiền đã bỏ ra để mua cổ phần cho các cổ đông.

Yêu cầu công ty mua lại cổ phần là một quyền quan trọng của cổ đông, nhất là đối với những cổ đông thiểu số, họ có thể sử dụng quyền này như một công cụ để bảo vệ quyền lợi của mình. Bên cạnh việc được chuyển nhượng tự do trên thị trường thì các cổ đông còn có một cách khác để bán cổ phần đó là yêu cầu công ty mua lại cổ phần của mình. Suy cho cùng đây là một quy định của luật nhằm tạo một “con đường” dự phòng để các cổ đông dễ dàng thu hồi vốn trong trường hợp cổ phần của họ không thể bán được trên thị trường chứng khoán vì nhiều nguyên nhân khác nhau.

Nhưng do việc mua lại cổ phần có thể ảnh hưởng tới vốn điều lệ công ty, nên cổ đông chỉ có thể thực hiện quyền đó những trường hợp nhất định. Điều 90 Luật doanh nghiệp đã quy định: “Cổ đông biểu quyết phản đối quyết định về việc tổ chức lại công ty hoặc thay đổi quyền, nghĩa vụ của cổ đông

quy định tại Điều lệ công ty có quyền yêu cầu công ty mua lại cổ phần của mình ”.

Yêu cầu này phải được thể hiện bằng văn bản, trong đó nêu rõ những nội dung sau: tên, địa chỉ của cổ đông, số lượng cổ phần từng loại, giá dự định bán và lý do yêu cầu công ty mua lại cổ phần. Đơn yêu cầu phải được gửi đến công ty trong thời hạn mười ngày làm việc kể từ ngày Đại hội đồng cổ đông thông qua quyết định về những vấn đề trên.Trong thời hạn 90 ngày, công ty phải mua lại cổ phần theo yêu cầu của cổ đông. Trường hợp không thoả thuận được về giá thì cổ đông đó có thể bán cổ phần cho người khác hoặc nhờ tổ chức định giá chuyên nghiệp định giá. Công ty giới thiệu ít nhất ba tổ chức định giá chuyên nghiệp để cổ đông lựa chọn và lựa chọn đó là quyết định cuối cùng.

Như vậy, cũng như trường hợp chuyển nhượng cổ phần cho người khác, nếu công ty đáp ứng được yêu cầu mua lại cổ phần của cổ đông thì sau khi thủ tục mua lại được hoàn tất, cổ đông đó sẽ chấm dứt tư cách chủ sở hữu đối với số cổ phần đã được công ty mua.

Một phần của tài liệu Quy chế pháp lý về vốn trong công ty cổ phần (Trang 26 - 27)