Theo quy định tại khoản 5 Điều 87 Luật doanh nghiệp 2005, cổ đông công ty cổ phần có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác, trừ hai trường hợp sau:
- Đối với cổ phần ưu đãi biểu quyết:
Khoản 3 Điều 81 Luật doanh nghiệp quy định: “Cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi biểu quyết không được chuyển nhượng cổ phần đó cho người khác.
Đối với tổ chức được Chính phủ uỷ quyền nắm giữ cổ phần ưu đãi biểu quyết không được chuyển nhượng cho người khác mà không phụ thuộc vào thời gian.
Còn đối với các cổ đông nắm giữ cổ phần ưu đãi biểu quyết không được chuyển nhượng cho người khác trong vòng 3 năm kể từ ngày công ty được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (vì theo quy định thì sau ba năm kể từ ngày công ty được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thì cổ phần ưu đãi biểu quyết của cổ đông sáng lập phải chuyển đổi thành cổ phần phổ thông và lúc này khi đã chuyển đổi thành cổ phần phổ thông thì các cổ đông sở hữu cổ phần này được quyền tự do chuyển nhượng cho người khác)
- Đối với cổ phần phổ thông của cổ đông sáng lập:
Việc chuyển nhượng đối với cổ phần phổ thông của cổ đông sáng lập bị hạn chế một phần, cụ thể là: trong ba năm đầu kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, các cổ đông sáng lập phải cùng nhau nắm giữ ít nhất 20% tổng số cổ phần phổ thông được quyền chào bán. Số cổ phần này có thể được tự do chuyển nhượng cho cổ đông sáng lập khác, nhưng chỉ được chuyển nhượng cho người không phải là cổ đông sáng lập của công ty nếu được sự chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông và người chuyển nhượng
sẽ không được biểu quyết việc chuyển nhượng này. Sau thời hạn ba năm kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, hạn chế này đối với cổ phần phổ thông của cổ đông sáng lập mới được bãi bỏ[29].
Qua những quy định trên, ta có thể thấy rằng việc chuyển nhượng vốn trong công ty cổ phần được thực hiện tương đối dễ dàng, thuận tiện cho các nhà đầu tư. Đó cũng chính là một trong những ưu điểm nổi trội của công ty cổ phần so với các loại hình công ty khác.