Sử dụng kết quả giám sát, đánh giá

Một phần của tài liệu Tải Tài liệu bồi dưỡng cán bộ quản lý THPT Nội dung 3 - HoaTieu.vn (Trang 47 - 49)

Giám sát, đánh giá không chỉ giúp các trường THPT có cơ hội xem xét lại những hoạt động đã tiến hành mà còn có thể được sử dụng làm cơ sở cho những thay

đổi mang tính xây dựng trong quá trình triển khai thực hiện ở những giai đoạn tiếp theo. Để đạt được giá trị này, các kết quả giám sát, đánh giá phải được sử dụng một cách hiệu quả nhất hướng đến mục tiêu thực hiện kế hoạch hoạt động dạy học, giáo dục nhà trường tại các trường THPT. Sử dụng kết quả giám sát, đánh giá được thực hiện qua các bước sau:

Hình 3.3 Các bước sử dụng kết quả đánh giá

Bước 1: Tổ chức xử lý và phân tích dữ liệu các nguồn giám sát, đánh giá

- Sàng lọc dữ liệu: Trước khi tiến hành xử lý số liệu, tổ giám sát, đánh giá cần phải sàng lọc dữ liệu bằng cách xem kỹ các hồ sơ, các phiếu đánh giá thu được, loại bỏ những phiếu không hợp lệ: đó là các phiếu không trả lời hết các câu hỏi, các phiếu trả lời không có độ tin cậy hoặc có mâu thuẫn giữa các câu trả lời. Việc sàng lọc dữ liệu có thể tiến hành trong khi xử lý dữ liệu, loại bỏ phiếu nào không có độ tin cậy.

- Xác định các yêu cầu phân tích dữ liệu giám sát, đánh giá: Tiếp theo, tổ giám sát đánh giá cần nêu rõ yêu cầu phân tích dữ liệu đã xử lý. Để việc viết báo cáo đánh giá hay tổng hợp kết quả giám sát, đánh giá được thuận tiện, việc xác định rõ các yêu cầu cần phân tích dữ liệu đánh giá là rất quan trọng, định hướng cho việc viết báo cáo phân tích dữ liệu đánh giá. Một điều cơ bản là phải phân tích dữ liệu theo từng vấn đề cần đánh giá và theo các mức độ đánh giá trong phiếu hỏi ý kiến.

- Phân tích dữ liệu giám sát, đánh giá: Trên cơ sở các yêu cầu phân tích dữ liệu giám sát, đánh giá, có thể lựa chọn cách thức, phần mềm phù hợp để xử lý số liệu. Đối với việc xử lý số liệu của việc đánh giá kế hoạch giáo dục nhà trường, nên sử dụng phần mềm SPSS, phần mềm R là phù hợp.

Bước 2: Tổng hợp kết quả đã phân tích

Sau khi đã xử lý dữ liệu phiếu đánh giá, kết quả của phỏng vấn, tổ đánh giá phải tổng hợp các ý kiến đánh giá từ các nguồn đánh giá khác nhau theo từng tiêu chí, từng vấn đề, câu hỏi. Những vấn đề có cùng nội dung trong phiếu hỏi và trong phiếu phỏng vấn, cần đối chiếu thông tin và tổng hợp các thông tin giống và khác nhau. Về

cùng một vấn đề, nếu các thông tin trái ngược nhau, cần xem xét kỹ và cân nhắc độ tin cậy để đưa ra quyết định thông tin nào chấp nhận được và thông tin nào nên loại bỏ.

Tổng hợp các kết quả đã phân tích được trình chủ tịch tổ đánh giá, Chủ tịch tổ đánh giá tổ chức họp thảo luận về kết quả phân tích, và đề xuất các yêu cầu viết bản báo cáo đánh giá. Các yêu cầu viết bản báo cáo đánh giá cần bám sát mục đích của đợt đánh giá đã xác định từ đầu.

Bước 3: Viết báo cáo đánh giá và đưa ra các đề xuất/khuyến nghị/ các quyết định quản lý.

Viết báo cáo là công việc cuối cùng của quá trình đánh giá. Báo cáo đánh giá phải gồm các nội dung: 1) Thành phần tham gia giám sát, đánh giá; 2) Kế hoạch thực hiện giám sát, đánh giá; 3) Phần mô tả các công việc thực hiện của từng thành viên, tiến độ thực hiện công việc; 4) Nội dung giám sát, đánh giá, phương thức triển khai các nội dung đánh giá; 5) Kết quả xử lý dữ liệu giám sát, đánh giá thu thập từ các nguồn đánh giá và phân tích theo từng tiêu chí, chỉ số; 6) Ý kiến đánh giá của tổ giám sát, đánh giá chỉ rõ điểm đạt và chưa đạt của thực hiện kế hoạch hoạt động dạy học, giáo dục nhà trường theo từng tiêu chí đánh giá.

Sau khi có được bản thảo báo cáo đánh giá, tổ chức họp thảo luận để thống nhất nội dung của bản báo cáo, đưa ra kết luận chính thức về việc thực hiện kế hoạch dạy học, giáo dục nhà trường tại trường THPT với các nội dung được đánh giá cụ thể: thực hiện chương trình các môn học; Cách thức tổ chức môn học tự chọn, môn học mới ở trường THPT; Tổ chức các hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp cho học sinh ở trường THPT; Huy động lực lượng tham gia, xây dựng kế hoạch, các điều kiện đảm bảo; Tổ chức dạy học, giáo dục theo định hướng STEM; các môn học và hoạt động giáo dục phát triển phẩm chất và năng lực học sinh theo yêu cầu cần đạt; sự đáp ứng của đội ngũ giáo viên, nhân viên nhà trường; điều kiện cơ sở vật chất; công tác lãnh đạo, chỉ đạo của trường; sự phối hợp các lực lượng triển khai chương trình, công tác xã hội hóa… Trên cơ sở đó, chỉ rõ mức độ đạt được của các nội dung được đánh giá, và các nội dung đề nghị bổ sung, chỉnh sửa hay các tư vấn/ khuyến nghị cần thiết cho cơ sở. Các kết luận và kiến nghị trong báo cáo cần bám theo từng tiêu chí đánh giá và các chỉ số đã xác định.

Sau khi đã thống nhất toàn bộ nội dung bản báo cáo đánh giá, tổ giám sát, đánh giá trình lên để báo cáo lãnh đạo nhà trường hay địa phương xem xét và có quyết định thông báo kết quả cho các bên liên quan theo phân cấp quản lý và đúng thẩm quyền.

Một phần của tài liệu Tải Tài liệu bồi dưỡng cán bộ quản lý THPT Nội dung 3 - HoaTieu.vn (Trang 47 - 49)