Giám sát, đánh giá thực hiện kế hoạch hoạt động dạy học, kế hoạch giáo dục nhà trường là hình thức giám sát có sự tham gia không phải chỉ đơn thuần là giám sát theo kiểu “kiểm tra” tác động, mà còn là dịp để các cá nhân, tập thể và tất cả các lực lượng có liên quan có thể cùng có trách nhiệm và cơ hội để đóng góp liên tục và không
ngừng cải thiện hiệu quả hoạt động này. Giám sát, đánh giá hoạt động dạy học, kế hoạch giáo dục nhà trường cũng là cách để gia tăng quyền tự chủ cho các thành viên cũng như trách nhiệm giải trình của các nhà trường đối với xã hội. Trên cơ sở báo cáo đánh giá và các khuyến nghị/đề xuất, mỗi trường THPT cần chủ động và tích cực điều chỉnh, cải tiến kế hoạch dạy học, giáo dục. Các điều chỉnh này bao gồm:
- Đánh giá các chính sách và việc thực hiện chính sách trong kế hoạch giáo dục nhà trường;
- Thu thập các dữ liệu để cải thiện kế hoạch và ra quyết định; - Thúc đẩy thay đổi và cải thiện chương trình giáo dục nhà trường;
- Đánh giá mức độ đáp ứng của cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học và hạ tầng CNTT đối với thực hiện KHGD nhà trường;
- Đánh giá mức độ phù hợp SGK, tài liệu học tập với thực hiện KHGD nhà trường;
- Phát triển và bồi dưỡng đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu thực hiện KHGD nhà trường;
- Đánh giá năng lực đội ngũ cán bộ giáo viên; - Cải thiện văn hóa nhà trường;
- Điều chỉnh cấu trúc nội dung dạy học trong kế hoạch giáo dục mới ở từng môn học, hoạt động giáo dục và của nhà trường theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh, tăng cường năng lực thực hành, vận dụng kiến thức, giáo dục đạo đức và giá trị sống, rèn luyện kĩ năng sống, hiểu biết xã hội, thực hành pháp luật.
- Rà soát nội dung chương trình, SGK hiện hành để loại bỏ những thông tin cũ, lạc hậu đồng thời bổ sung, cập nhật những thông tin mới phù hợp. Phát hiện và xử lí sao cho trong phạm vi cấp học không còn những nội dung dạy học trùng nhau trong từng môn học và giữa các môn học; những nội dung, bài tập, câu hỏi trong SGK không phù hợp mục tiêu giáo dục của kế hoạch giáo dục nhà trường hoặc yêu cầu vận dụng kiến thức quá sâu, không phù hợp trình độ nhận thức và tâm sinh lí lứa tuổi học sinh THPT; những nội dung trong SGK sắp xếp chưa hợp lí; những nội dung không phù hợp với địa phương, của nhà trường.
- Cấu trúc, sắp xếp lại nội dung dạy học của từng môn học trong kế hoạch giáo dục nhà trường theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh thành những bài học mới, có thể chuyển một số nội dung dạy học thành nội dung các hoạt động giáo dục và bổ sung các hoạt động giáo dục; xây dựng kế hoạch dạy học, phân phối kế hoạch chương trình môn học, hoạt động giáo dục phù hợp với đối tượng học sinh và điều kiện thực tế, bối cảnh của nhà trường.
- Xây dựng các tổ hợp môn học lựa chọn phù hợp; các chuyên đề học tập để học sinh lựa chọn theo hướng phân hoá sâu, gắn với định hướng lựa chọn nghề nghiệp; Lựa chọn, thiết kế các đề tài STEM, STEAM.
- Đổi mới phương pháp và hình thức tổ chức giáo dục theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh;
- Đổi mới kiểm tra, đánh giá kết quả giáo dục theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh;
- Đổi mới quản lí hoạt động dạy học, giáo dục nhằm nâng cao hiệu quả phát triển chương trình giáo dục nhà trường;
- Tập trung đổi mới sinh hoạt chuyên môn của tổ/nhóm chuyên môn thông qua hoạt động nghiên cứu bài học. Tăng cường các hoạt động dự giờ, rút kinh nghiệm để hoàn thiện từng bước cấu trúc nội dung, phân phối chương trình các môn học, phương pháp và hình thức tổ chức dạy học, cách thức kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh;
- Tăng cường các hoạt động trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về phát triển chương trình giáo dục nhà trường THPT thông qua các hình thức tổ chức hội nghị, hội thảo, học tập, giao lưu giữa nhà trường với các cơ sở giáo dục khác.