Trong khi trí thông minh về không gian được bắt đầu bằng việc nhìn ra thế giới hữu hình bên ngoài, sau đó những điều đã được nhìn thấy lại quay trở lại vào trong tư duy của chúng ta và được biến đổi như những tri thức mà nhờ nó, chúng ta thực sự bắt đầu đánh giá được mức độ tinh tường, sắc sảo của bản thân trong khả năng quan sát. Năng lực tạo ra những hình ảnh trực quan một cách chủ quan của con người vẫn còn ít được các nhà khoa học biết đến. Nó tượng trưng cho cách thức chủ yếu mà mỗi cá nhân sử dụng để tạo ra, ghi nhớ và xử lý thông tin. Các nhà khoa học gọi những hình ảnh rõ nét nhất là hình ảnh eidetic (xuất phát từ một từ Hy Lạp có nghĩa là "gắn liền với hình ảnh"). Những hình ảnh này có chất lượng đến mức gần như những bức ảnh chụp. Những người có khả năng tạo ra hình ảnh trực quan như thế cho biết, họ có thể nhìn thấy rõ được một bức tranh bên trong nội tâm họ về những hình ảnh mà họ trông thấy ở thế giới thực bên ngoài, sau đó khi nhắm mắt lại, họ có thể quét qua bức tranh đó với những chi tiết mà họ không trông thấy ở những hình ảnh ban đầu. Trong một cuộc thí nghệm, một cô gái có khả năng về hình ảnh trực quan eidetic đã được xem nửa bên trái của một bức tranh nổi (thí dụ đó là một hình ảnh ba chiều), điều này không đủ tạo ra ảo giác về độ sâu cho một người bình thường. Ngày hôm sau cô được xem nốt nửa bên phải của bức tranh, và bằng cách gợi lại hình ảnh ghi nhớ từ ngày hôm qua trong ký ức, cô gái có thể kết hợp hai nửa bức tranh lại với nhau để nhận biết được độ sâu của bức tranh.
Các báo cáo khác nhau về khả năng hình ảnh thị giác eidetic cho thấy rõ rằng, khả năng này có thể hỗ trợ con người khi làm các công việc liên quan đến trí nhớ hay trong quá trình suy nghĩ để giải quyết một vấn đề gì đó. Một người đàn ông kể lại việc làm thế nào mà khả năng này giúp ích cho anh ta khi còn là một cậu học sinh: "Khi 15 tuổi, trong một kỳ thi, tôi đã "trông thấy" quyển sách hoá học của tôi trong trí nhớ của mình. Tôi mở nó ra trong trí nhớ, lật qua các trang sách, và "chép" lại biểu đồ axit nitric vào bài thi". Rõ nét hơn là câu chuyện của Nikola Tesla, người phát minh ra đèn huỳnh quang và máy phát điện. Bàn về khả năng của Tesla trong việc có thể hình dung trước đượcnhwngx điều mà ông sẽ phát minh hoặc sáng chế ra, một người đã từng chứng kiến nói: "Tesla có thể tưởng tượng ra trước mắt ông một bức tranh với đầy đủ mọi chi
tiết cụ thể, của tất cả các phần trong một chiếc máy. Những hình ảnh đó còn sống động hơn bất kỳ bản thiết kế nào". Người cộng tác với Tesla quả quyết rằng Tesla có thể hình dung ra các chi tiết máy móc của ông tới kích cỡ mười phần nghìn inch, rồi kiểm tra các thiết bị tưởng tượng đó trong đầu bằng cách cho chúng chạy hàng tuần lễ liền và "sau đó thì ông ta sẽ nghiên cứu chúng một cách kỹ lưỡng hơn về hình dáng bên ngoài".
Phần lớn những người trưởng thành không thể hình dung ra các hình ảnh cụ thể đến một mức độ rõ ràng như thế. Các nhà nghiên cứu đưa ra ý kiến rằng, các hình ảnh eidetic hiếm khi còn xuất hiện và tồn tại ở những người lớn, sau thời kỳ phát triển của tuổi dậy thì (mặc dù nó xảy ra khá thường xuyên ở những đứa trẻ). Theo nhà thần kinh học người Anh W. Gray Walter thì gần một phần sáu dân số có khả năng nhìn thấy được những hình ảnh sống động bên trong suy nghĩ của họ, một phần sáu khác nhìn chung thường không sử dụng các hình ảnh nhìn được trong suy nghĩ của họ trừ khi được yêu cầu làm thế, và hai phần ba dân số còn lại "có thể gợi lên trong suy nghĩ những mẫu hình ảnh nhìn thấy được khi cần".