V. Điều kiện và khả năng áp dụng
4. Nghệ thuật tương phản
4.2. Tương phản trong nghệ thuật dựng cảnh
Trong tác phẩm, hình tượng con người luôn hiện lên sinh động trên một nền cảnh nào đó. Vì vậy, việc xây dựng bối cảnh cho sự xuất hiện của nhân vật đã góp
phần tạo nên sức hấp dẫn và thành công cho tác phẩm. Các nhà văn lãng mạn đã phát huy được tối đa hiệu quả của nghệ thuật tương phản trong việc tạo dựng khung cảnh.
Nguyễn Tuân không chỉ nổi tiếng với sự tài hoa trong việc dựng chân dung, mà ông còn có biệt tài dựng cảnh. Cảnh cho chữ (trong “Chữ người tử tù”) được xây dựng bằng bút pháp lãng mạn. Ở đó nghệ thuật tương phản được phát huy tận độ: sự tương phản giữa bóng tối và ánh sáng: giữa bóng đêm ken kịt, dày đặc của trại giam tỉnh Sơn với ánh sáng rừng rực của bó đuốc tẩm dầu, ánh sáng lấp lánh của tấm lụa bạch còn nguyên vẹn lần hồ, và ánh sáng trắng tinh khiết của tâm hồn con người. Đó còn là sự tương phản giữa cái thiện, cái cao cả và cái thấp hèn; giữa cái đẹp và cái xấu xa, tầm thường. "Đây là cảnh tượng xưa nay chưa từng có". Cho chữ thường diễn ra ở nơi thư phòng, thư sảnh sạch sẽ, trang nghiêm, trong hương trầm nghi ngút và giữa những tao nhân mặc khách. Nhưng ở đây, cảnh cho chữ lại diễn ra trong lao tù ẩm ướt, chật hẹp, bẩn thỉu. Nơi bóng tối, cái xấu và cái ác ngự trị - những thứ thù địch với cái đẹp, lại trở thành nơi cái đẹp sinh thành và tỏa sáng. Trong cảnh tượng này đã diễn ra một sự đảo lộn tư thế của các nhân vật: Người nghệ sĩ tài hoa, say mê tô từng nét chữ không phải là người được tự do, mà là một kẻ tử tù đang trong cảnh cổ đeo gông, chân vướng xiềng, và chỉ sớm tinh mơ ngày mai đã bị giải vào trong kinh chịu án tử hình. Huấn Cao hiện lên như một nghệ sĩ đang say mê sáng tạo nghệ thuật, sáng tạo những con chữ nói lên hoài bão tung hoành của cả một đời người. Giây phút cuối cùng của cuộc đời tử tù không than thân trách phận. Trong khoảnh khắc thiêng liêng nhất, Huấn Cao vẫn dành trọn cho cái đẹp. Hình ảnh uy nghi của Huấn Cao đối lập với hình ảnh thầy thơ lại so ro, "run run bưng chậu mực", và viên quản ngục "khúm núm cất những đồng tiền kẽm đánh dấu ô chữ”. Thái độ "khúm núm" không phải là sự run sợ, mà là sự cẩn trọng đến mức tôn kính trước cái đẹp phi phàm giữa chốn ngục tù bẩn thỉu. Trật tự, kỉ cương trong nhà tù bị đảo ngược hoàn toàn: Quản ngục, kẻ có quyền hành thì không có quyền uy. Uy quyền đã thuộc về người tù – kẻ đã bị tước đoạt hết mọi quyền hành, kể cả quyền sống. Kẻ đại diện cho chính quyền thì “khúm núm”, sợ sệt, vái lạy tù nhân; tù nhân thì ung dung, đường bệ. Kẻ có nhiệm vụ cảm hóa, giáo
dục tội phạm, giờ đây lại đang được chính tội phạm răn dạy, cảm hóa. Ngục quan cung kính, lĩnh nhận từng lời của tử tù như những lời di huấn thiêng liêng về nhân cách. Người được an ủi, động viên ở đây không phải là người sắp bị chết chém, mà là người đại diện cho quyền lực tự do. Giữa chốn ngục tù tàn bạo, không phải những kẻ đại diện cho quyền lực thống trị làm chủ, mà là người tù làm chủ. Như vậy nghệ thuật tương phản đã có ý nghĩa to lớn, thể hiện được tư tưởng, chủ đề của của tác phẩm: Đó là sự chiến thắng của ánh sáng đối với bóng tối, của cái đẹp đối với cái xấu xa, nhơ bẩn, của cái thiện đối với cái ác. Đó là cái đẹp của nhân cách, của tài hoa, của khí phách và thiên lương con người.