Tương phản giữa nhân vật và hoàn cảnh

Một phần của tài liệu Sáng kiến kinh nghiệm, SKKN - Đặc trưng chủ nghĩa lãng mạn qua một số tác phẩm trong chương trình Ngữ văn THPT (Trang 25 - 26)

V. Điều kiện và khả năng áp dụng

4. Nghệ thuật tương phản

4.1.3. Tương phản giữa nhân vật và hoàn cảnh

Trong các tác phẩm văn học, con người không chỉ là “tổng hòa các mối quan hệ xã hội”, mà chân dung nhân vật còn hiện lên sinh động trong mối quan hệ

với môi trường xung quanh. Đến với văn xuôi lãng mạn, hẳn chúng ta đều đặc biệt ấn tượng với sự thù địch giữa nhân vật và hoàn cảnh. Đọc “Chữ người tử tù” của Nguyễn Tuân, đôi khi chúng ta chỉ chú ý tới nhân vật trung tâm – Huấn Cao mà lãng quên nhân vật quản ngục. Bởi vậy, nhiều người đã không nhận ra rằng quản ngục cũng là hình tượng mà nhà văn đã dồn rất nhiều tâm huyết để khắc họa. Quản ngục là nhân vật nghiêng về chân dung và được xây dựng bằng bút pháp lãng mạn. Ở nhân vật này, có sự tương phản giữa cái tâm trong sáng với môi trường sống bẩn thỉu, và cái nghề thất đức. Quản ngục phải sống trong một môi trường đầy oái oăm, trớ trêu – nơi mà “người ta sống bằng tàn nhẫn, bằng lừa lọc”. Nguyễn Tuân đã nhận xét: “Ông trời nhiều khi chơi ác, đem đày ải những cái thuần khiết vào giữa một đống cặn bã. Và những người có tâm điển tốt và thẳng thắn, lại phải ăn đời ở kiếp với lũ quay quắt”. Tuy nhiên, vượt lên trên hoàn cảnh, quản ngục vẫn là một người có tâm điển tốt, tiềm ẩn những phẩm chất đáng quý, “là một thanh âm trong trẻo chen vào giữa một bản đàn mà nhạc luật đều hỗn loạn, xô bồ”. Ông đã dám sống đẹp, dám làm chính mình và luôn hiện lên là một người tri kỉ với Huấn Cao. Là một người có sở thích cao quý. Mong mỏi suốt đời của quản ngục là “một ngày kia được treo ở nhà riêng của mình một đôi câu đối do tay ông Huấn Cao viết”.

Vẻ đẹp của quản ngục hiện lên ở thái độ sùng kính Huấn Cao, qua hành vi chắp tay vái người tù một cái, nghẹn ngào nói trong nước mắt: "Kẻ mê muội này xin bái lĩnh". Có cái cúi đầu làm cho con người ta trở nên hèn hạ, có những cái vái lạy làm cho con người trở nên đê tiện. Nhưng cũng có cái cúi đầu làm cho con người ta trở nên cao cả hơn, sang trọng hơn. Đó là cái cúi đầu trước cái tài, cái đẹp, cái thiên lương. Viên quản ngục vái lạy Huấn Cao gợi chúng ta liên tưởng tới cái cúi đầu của Cao Bá Quát trước hoa mai: "Nhất sinh đê thủ bái mai hoa".

Như vậy, những dẫn chứng sinh động đã phân tích ở trên cho chúng ta thấy, nghệ thuật tương phản có ý nghĩa to lớn trong việc khắc họa sinh động hình tượng nhân vật của các nhà văn lãng mạn.

Một phần của tài liệu Sáng kiến kinh nghiệm, SKKN - Đặc trưng chủ nghĩa lãng mạn qua một số tác phẩm trong chương trình Ngữ văn THPT (Trang 25 - 26)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(49 trang)
w