Chẳng hạn, nghiên cứu của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (2010).

Một phần của tài liệu Nghiên cứu chính sách tiền tệ (Trang 109 - 154)

tăng tích lũy tài sản cố định, tăng trưởng tín dụng trong giai đoạn này cũng giúp hoạt động đầu tư chèn lấn năng suất nhân tố tổng hợp. Chính vì vậy, vai trò của tăng năng suất nhân tố tổng hợp trong giai đoạn này là rất hạn chế, lần lượt đạt 1,31%, 1,68% và 1,53% cho các năm 2004, 2005 và 2006.

Cần lưu ý là trong giai đoạn này, cấu trúc hệ thống ngân hàng bắt đầu có những biến động. Số NHTM cổ phần giảm, trong khi số lượng chi nhánh ngân hàng nước ngoài chưa tăng nhiều. Tuy vậy, tỷ trọng của các khối NHTM bắt đầu có những đổi thay mạnh mẽ. Bảng 6 cho thấy thị phần tín dụng của khối NHTM nhà nước đã giảm mạnh từ gần 70,0% năm 2005 xuống 64,6% năm 2006, trong khi thị phần tương ứng của khối NHTM cổ phần lại tăng mạnh từ 14,5% lên 19,3%. Thị phần huy động vốn cũng cho thấy những biến động tương tự. Điều này cho thấy tín dụng và huy động của khối NHTM cổ phần tăng nhanh hơn so với tốc độ tăng trưởng tín dụng và huy động nói chung. Đây cũng là kết quả của việc các NHTM cổ phần gia tăng đầu tư nhằm đón đầu các cơ hội sau khi Việt Nam gia nhập WTO.

Như vậy, sự gia tăng hoạt động của các NHTM cổ phần là một trong những nguyên nhân khiến hoạt động tín dụng tăng khá nhanh. Mặc dù điều này có tác động tích cực đối với tăng trưởng, song các hệ lụy đặt ra chính là việc gia tăng chi phí vốn do cạnh tranh huy động vốn giữa các NHTM và việc tạo thêm áp lực đối với lạm phát. Giả thiết hệ thống NHTM nhà nước vẫn duy trì sự chi phối và không thay đổi tỷ trọng tín dụng/huy động vốn, cung cách làm việc chặt chẽ và/hoặc hành chính của khối này sẽ khó tạo điều kiện cho tăng trưởng tín dụng. Áp lực đối với chi phí vốn và lạm phát khi ấy sẽ nhỏ hơn, song mức tăng trưởng kinh tế có thể thấp hơn (thậm chí không đạt mục tiêu đề ra).

Ở một phương diện khác, các quy định tài chính trong thời gian này cũng chưa mang nhiều tính hạn chế. Như đã trình bày ở trên, NHNN chưa có những quy định khống chế hoạt động cho vay đối

với đầu tư chứng khoán và bất động sản trong giai đoạn 2004-2006. Thực tế tăng trưởng dư nợ tín dụng đối với đầu tư chứng khoán là một nguyên nhân quan trọng dẫn đến tăng trưởng nóng của TTCK trong giai đoạn 2005-2006. Trong khi đó, các quy định của NHNN (liên quan đến việc thực thi CSTT và bảo đảm an toàn hoạt động cho hệ thống ngân hàng) còn chậm được ban hành, thiếu tính định hướng đối với thị trường. Điểm tích cực bù đắp ở đây chính là việc tín dụng tăng trưởng khá dễ dãi thông qua hệ thống NHTM, cùng với các yếu tố thuận lợi khác (như cải cách trong nước, hội nhập kinh tế quốc tế và tăng cường xuất khẩu, tăng FDI và đầu tư công, v.v...), đã tạo điều kiện giúp thực hiện tốt mục tiêu tăng trưởng kinh tế, dù cái giá phải trả là mức lạm phát tương đối cao.

b. Giai đoạn 2007 - giữa 2008

Giai đoạn này là điểm chốt cho một thời kỳ dài nền kinh tế Việt Nam đạt mức tăng trưởng cao. Hình 7 cho thấy GDP vẫn giữ được đà tăng trưởng cho đến quý IV/2007, sau đó liên tục giảm trong nửa đầu năm 2008. Kết quả là tăng trưởng GDP thực tế chỉ cao hơn so với chỉ tiêu đề ra vào quý III và quý IV của năm 2007, trong khi lại thấp hơn nhiều trong các quý còn lại. Nguyên nhân của tình trạng này một phần là do sự hứng khởi quá mức của Chính phủ ngay sau khi Việt Nam gia nhập WTO (xem Võ Trí Thành và Nguyễn Anh Dương, 2009) và do đó, đã đề ra mục tiêu tăng trưởng kinh tế khá cao. Thực tế, GDP tăng khoảng 8,46% vào năm 2007, sau đó giảm đáng kể xuống còn 7,5% và 5,7% lần lượt vào quý I và quý II/2008.15

Xét theo tổng cung, khu vực công nghiệp - xây dựng vẫn là đầu tàu cho tăng trưởng kinh tế và đóng góp tới 41,5% vào GDP trong năm 2007 (trong đó tỷ trọng của xây dựng là khoảng 7,0%), dù sau đó giảm mạnh xuống 39,3% vào nửa đầu năm 2008 (xây dựng giảm còn 6,4%). Quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế có dấu hiệu bị đảo ngược, khi tỷ trọng của khu vực công nghiệp - xây dựng bắt đầu giảm,

và mức giảm (theo điểm phần trăm) của khu vực công nghiệp nhìn chung nhanh hơn so với mức giảm của khu vực xây dựng. Xét theo tổng cầu, xuất khẩu hàng hóa vẫn tiếp tục thể hiện được vai trò động lực trong giai đoạn ngay sau khi Việt Nam gia nhập WTO, với mức tăng trưởng ngày càng đóng vai trò quan trọng vào tăng trưởng GDP. Tăng trưởng xuất khẩu đạt tới 21,9% trong năm 2007, trước khi tăng mạnh lên 31,8% vào nửa đầu năm 2008. Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài vẫn là động lực chủ chốt cho kết quả tăng trưởng này.

Tuy nhiên, giống như giai đoạn 2004-2006, tăng trưởng kinh tế cao trong thời kỳ 2007 - giữa 2008 cũng đi kèm với gia tăng áp lực lạm phát. Điểm quan trọng là áp lực lạm phát đã dồn tụ từ nhiều năm trước, nên ảnh hưởng đối với lạm phát cũng lớn hơn. Cụ thể, áp lực lạm phát cho giai đoạn 2004-2006 mới chỉ bắt đầu từ đầu thập niên 2000 và rõ nhất là từ năm 2004. Những áp lực này vẫn hiện hữu, thậm chí còn gia tăng thêm vào giai đoạn 2007-2008 khi Việt Nam tiếp tục thực hiện mục tiêu tăng trưởng cao. Bên cạnh đó, áp lực lạm phát trong giai đoạn này còn xuất phát từ yếu tố chi phí đẩy, do điều chỉnh tăng giá xăng dầu và do giá thế giới tăng mạnh (Võ Trí Thành và Nguyễn Anh Dương 2009). Cuối cùng, áp lực lạm phát cao còn do NHNN đã phần nào lúng túng trong việc ứng xử với các dòng vốn nước ngoài. Khi các dòng vốn này ồ ạt vào Việt Nam kể từ cuối 2006 đến đầu 2008, với mong muốn ổn định tỷ giá, NHNN đã phải cung ứng tiền VNĐ để mua lại ngoại tệ và giúp dự trữ ngoại hối tăng nhanh. NHNN cũng thực hiện nhiều biện pháp để trung hòa hóa và rút bớt lượng tiền lưu thông như bán tín phiếu với lãi suất cao, thậm chí áp dụng bán tín phiếu bắt buộc với NHTM quy mô lớn, v.v... song hiệu quả trung hòa hóa chưa đạt mức độ và tính kịp thời như mong muốn. Chính vì vậy, cung tiền tăng mạnh trong giai đoạn 2007-2008. Cụ thể, chỉ riêng trong năm 2007, cung tiền M2 đã tăng tới 46,1%. Đến năm 2008, mức tăng cung tiền đã chậm lại, song cũng vượt mức 20%. Kết hợp với gia tăng tín dụng ở mức 53,9% cũng trong năm 2007, lạm phát bắt đầu tăng cao.

Cụ thể, chỉ số lạm phát (so với cùng kỳ năm trước) bắt đầu tăng chậm, nhưng liên tục trong giai đoạn từ tháng 1/2007 đến tháng 6/2007, từ 6,45% lên 7,8%. Sau tháng 9/2007, lạm phát tăng mạnh và liên tục, đạt đỉnh tời 28,3% vào tháng 8/2008 (so với mức khoảng 19,4% vào tháng 3/2008 và gần 8,4% vào tháng 7/2007). Đáng chú ý, chỉ số CPI vào tháng 8/2008 đã tăng 21,7% so với tháng 12/2007 và gần 1,6% so với tháng 7/2008. Mức tăng rất nhanh này đã khiến chỉ tiêu lạm phát trong giai đoạn 2007 - giữa 2008 nhanh chóng trở thành không khả thi (Hình 8). Mục tiêu lạm phát chỉ đạt được vào quý I và quý II/2007 - khi đà tăng của lạm phát chưa mạnh.

So với giai đoạn trước, dấu ấn của CSTT trong diễn biến tăng trưởng và lạm phát trong giai đoạn từ đầu 2007 - giữa 2008 là khá rõ ràng, dù không phải là yếu tố duy nhất. Trên thực tế, mức lạm phát trong thời kỳ này còn chịu tác động của việc tăng giá các mặt hàng trên thị trường thế giới như giá dầu thô, giá lương thực, giá sắt thép, v.v... Dù vậy, mức tăng trưởng tín dụng và cung tiền M2 trong giai đoạn này là rất cao, thậm chí ở mức kỷ lục so với giai đoạn từ 2000 trở lại đây. Tuy vậy, những bước tăng trưởng này không phải là hiện tượng mới, mà chỉ tiếp nối xu hướng mở rộng tín dụng và cung tiền trong những năm trước đó. Điều này phần nào được thể hiện qua việc các công cụ lãi suất điều hành không thay đổi (kể từ lần điều chỉnh vào nửa đầu năm 2005). Tác động tích cực duy nhất ở đây là giúp tăng tổng cầu và đạt được mức tăng trưởng kinh tế cao hơn. Tuy nhiên, tác động này tỏ ra thiếu bền vững, nhất là khi Việt Nam còn phải hứng chịu thêm áp lực lạm phát từ thị trường thế giới (trong điều kiện hội nhập kinh tế sâu rộng hơn).

Tiếp nối xu hướng từ giai đoạn trước với việc nâng cấp một số ngân hàng ở nông thôn lên NHTM cổ phần và sự lấn sân vào thị trường ngân hàng của một số doanh nghiệp sản xuất lớn, cấu trúc hệ thống ngân hàng tiếp tục có những điều chỉnh. Có thêm một NHTM cổ phần mới được thành lập vào năm 2008, trong khi số chi nhánh

ngân hàng nước ngoài đã tăng mạnh từ 27 vào năm 2006 lên 35 vào năm 2007 và 37 vào năm 2008. Số ngân hàng 100% vốn nước ngoài được cấp phép và đi vào hoạt động đã tăng từ 0 lên 5 vào năm 2008 - sau khi Việt Nam bắt đầu thực hiện cam kết WTO về mở cửa ngành ngân hàng (Bảng 4). Trong giai đoạn này, hoạt động của khối NHTM trong nước, nhất là các NHTM cổ phần, vẫn chưa được kiểm soát nhằm giúp khối này nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường và gia tăng khả năng cạnh tranh so với các ngân hàng nước ngoài.

Theo đó, thị phần hoạt động của các NHTM có biến động mạnh mẽ hơn (Bảng 6). Thị phần tín dụng của khối NHTM nhà nước tiếp tục giảm xuống còn 57,1% năm 2007 và 55,7% năm 2008. Trong khi đó, thị phần tương ứng của khối NHTM cổ phần nhảy vọt lên 33,1% năm 2007 và 35,9% vào năm 2008. Thị phần tín dụng của các ngân hàng nước ngoài chỉ tăng từ 9,0% năm 2007 lên 10,5% năm 2008. Diễn biến huy động vốn cũng cho thấy những biến động tương tự, với việc giảm thị phần của khối NHTM nhà nước và tăng thị phần của khối NHTM cổ phần. Điều này cho thấy tín dụng và huy động của khối NHTM cổ phần tiếp tục tăng nhanh hơn so với tốc độ tăng trưởng tín dụng và huy động nói chung - dù tốc độ tăng tín dụng nói chung đã ở mức khá nhanh.

Có thể nói dấu ấn từ hoạt động của các NHTM cổ phần đối với tăng trưởng huy động và tín dụng là khá rõ ràng. Nhận thức được vai trò của việc nâng cao khả năng cạnh tranh và nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường, các NHTM cổ phần đã ồ ạt mở thêm các phòng giao dịch và chi nhánh. Các NHTM này cũng tích cực tham gia hoặc khởi xướng cuộc đua lãi suất huy động nhằm tăng thanh khoản và nguồn vốn để đáp ứng nhu cầu cho vay của mình. Mặt khác, để cạnh tranh giành khách hàng, một số NHTM cũng chấp nhận cấp tín dụng với những điều kiện tương đối nới lỏng hơn. Cũng cần phải nói thêm là các hoạt động kinh tế thực và hoạt động đầu tư tài chính gia tăng khá mạnh trong giai đoạn này, qua đó làm tăng nhu cầu với tín dụng ngân hàng - trong bối cảnh đây là kênh cấp vốn quan trọng nhất.

Những nguyên nhân trên không mới so với giai đoạn 2004- 2006, mà chỉ được thể hiện một cách rõ ràng hơn thông qua tốc độ mở rộng tín dụng khá nhanh, nhất là ở khối NHTM cổ phần. Đáng lưu ý là tăng trưởng tín dụng đã nhanh chóng vượt quá năng lực hấp thụ của nền kinh tế, góp phần gây ra bất ổn kinh tế vĩ mô. Hơn nữa, tác động đối với lạm phát còn bị cộng hưởng với diễn biến tăng giá thế giới (rất mạnh trong thời kỳ 2007 - giữa 2008) và những lúng túng trong ứng phó với các dòng vốn nước ngoài - như đã đề cập ở trên.

Các quy định tài chính trong thời gian này đã bắt đầu mang tính hạn chế hơn, dù chưa nhiều. Số lượng NHTM cổ phần và ngân hàng 100% vốn nước ngoài tăng nhanh trong khi khung pháp lý để điều tiết hoạt động của các định chế này (cụ thể là Luật Các tổ chức tín dụng) chưa được điều chỉnh kịp thời. Việc giám sát mức độ an toàn vốn ở các NHTM chưa được thực hiện nghiêm túc và kịp thời, gián tiếp tạo điều kiện cho các định chế này mở rộng tín dụng và bỏ qua vấn đề quản trị rủi ro và sai lệch cơ cấu. Khác với giai đoạn trước, NHNN đã khống chế hoạt động cho vay đối với đầu tư chứng khoán, ở mức 3% tổng dư nợ. Tương tự, tín dụng cho bất động sản cũng bắt đầu hạn chế hơn, với việc NHNN tăng kiểm soát dư nợ bất động sản đồng thời tăng dự trữ bắt buộc dẫn đến hạn chế tăng trưởng tín dụng (theo nhiều chỉ thị và nghị quyết khác của Chính phủ).

Dấu ấn chính về các quy định tài chính trong giai đoạn này chủ yếu liên quan đến việc thực thi CSTT. Để ứng phó với bất ổn kinh tế vĩ mô và kiềm chế lạm phát, NHNN đã thực hiện nhiều điều chỉnh đối với các công cụ CSTT. Các công cụ lãi suất được duy trì khá ổn định cho đến hết năm 2008. Tuy nhiên, các công cụ này chưa có nhiều tính định hướng đối với lãi suất trên thị trường - nhất là khi các NHTM còn chạy đua lãi suất huy động và tăng tín dụng (với lãi suất cao) vào các ngành có tính chất đầu cơ. Chính sách tỷ giá dần được vận hành linh hoạt hơn, với việc nới rộng biên độ giao dịch tỷ giá vào cuối 2007 và tháng 3/2008 song song với việc điều chỉnh tỷ giá bình

quân liên ngân hàng. Kết quả điều hành tỷ giá này chỉ được duy trì đến giữa năm 2008, khi chênh lệch đầu tư - tiết kiệm trong nước lớn (khoảng 10% GDP) và thâm hụt thương mại lớn khiến mất cân đối cung - cầu ngoại tệ nghiệm trọng và tỷ giá biến động mạnh, nhất là trên thị trường tự do (Hình 5).

c. Giai đoạn 2010-2011

Vào năm 2009, Chính phủ thực hiện kích cầu kinh tế trên quy mô lớn, với việc thực hiện chính sách tài khóa mở rộng và nới lỏng CSTT, nhằm ứng phó với suy giảm kinh tế trong nước. Gói chính sách này đã góp phần quan trọng giúp phục hồi tăng trưởng kinh tế. Tuy vậy, với lo ngại về áp lực lạm phát tăng trở lại, ngay từ đầu năm 2010, Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện các giải pháp bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, ngăn ngừa tái lạm phát cao trở lại và đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế khoảng 6,5% trong năm 2010. Theo định hướng này, Chính phủ vận dụng kết hợp linh hoạt các biện pháp tài khóa, tiền tệ và chính sách giá cả, dù hiệu quả phối hợp được nhìn nhận là còn nhiều bất cập.

Dù vậy, nền kinh tế Việt Nam đã có mức tăng trưởng khá trong năm 2010 và tăng dần qua từng quý nhờ việc thực hiện các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phát triển và những chính sách hỗ trợ sản xuất kinh doanh (Hình 7). Tốc độ tăng GDP của quý I là 5,84%, quý II - 6,44%, quý II - 7,16%, quý IV - 7,34%. Tính chung, GDP tăng 6,78% trong năm 2010. Khu vực công nghiệp - xây dựng đã phần nào phục hồi được xu thế tăng trưởng tuy chưa bằng những năm trước khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Tuy nhiên, cùng với xu hướng phục hồi tăng trưởng kinh tế và tác động của gói kích cầu kinh tế (hiện hữu từ năm 2010), áp lực lạm phát từ những năm 2007-2008 (chưa được giải quyết triệt để) đã bùng phát trở lại (Hình 8). Lạm phát có xu hướng tăng, nhất là từ tháng 9/2010. Xu hướng tăng trong các tháng cuối năm 2010 đã

Một phần của tài liệu Nghiên cứu chính sách tiền tệ (Trang 109 - 154)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(159 trang)