Thị trường tài chính: Khi thị trường tài chính phát triển và hoàn thiện, các doanh nghiệp sẽ có nhiều phương thức huy động vốn để lựa chon ra phương thức phù hợp nhất với doanh nghiệp mình. Ngược lại, doanh nghiệp sẽ rất khó tìm được nguồn vốn huy động khi thị trường tài chính còn sơ khai và kém phát triển.
Muốn huy động được vốn hiệu quả, doanh nghiệp cần phải hiểu rõ về thực trạng thị trường tài chính của đất nước mình. Bên cạnh đó, doanh nghiệp phải tìm hiểu về ưu nhược điểm và hoàn cảnh sử dụng các công cụ huy động phù hợp nhất mà doanh nghiệp có thể sử dụng để huy động vốn trên thị trường tài chính.
Trạng thái nền kinh tế: Trạng thái nền kinh tế (ở quy mô toàn cầu, khu vực hoặc quốc gia) tác động tới cơ cấu vốn của doanh nghiệp. Khi nền kinh tế đang phát triển, các doanh nghiệp có xu hướng sử dụng nợ nhiều hơn vì nợ thường có chi phí thấp hơn, và do đó, khả năng sinh lời cũng cao hơn. Do tác động của đòn bẩy tài chính, việc sử dụng nhiều nợ trong thời kỳ nền kinh tế phát triển ổn định sẽ mang lại lợi ích rất lớn cho doanh nghiệp. Nền kinh tế phát triển với mức lạm phát vừa phải, thu nhập bình quân đầu người cao cũng
giúp các doanh nghiệp huy động vốn dễ dàng hơn, do khi đó, người dân có nhiều tiền tạm thời nhàn rỗi hơn.
Ngược lại, khi nền kinh tế chuyển sang giai đoạn suy thoái, các doanh nghiệp có xu hướng chuyển sang sử dụng vốn chủ sở hữu nhiều hơn. Trong thời kỳ kinh tế ảm đạm, việc sử dụng nợ là rất rủi ro, dễ dẫn đến nguy cơ mất khả năng thanh toán và phá sản doanh nghiệp. Trong khi đó, việc tạm thời sử dụng vốn chủ sở hữu tuy có chi phí cao nhưng lại đảm bảo khả năng thanh toán của doanh nghiệp, tránh nguy cơ phá sản của doanh nghiệp.
Môi trường pháp lý: Môi trường pháp lý ở đây được hiểu là những quy định của pháp luật có liên quan đến các mặt hoạt động của doanh nghiệp.
Một môi trường pháp lý thuận lợi, chi tiết và đồng bộ sẽ là điều kiện tốt cho hoạt động của doanh nghiệp nói chung và công tác huy động vốn nói riêng. Khi có một hành lang pháp lý chặt chẽ, các doanh nghiệp sẽ chuyeen tâm vào mục tiêu hoạt động sao cho đạt hiệu quả cao nhất về mặt kinh tế. Từ đó, doanh nghiệp có điều kiện hoạt động tự chủ, năng động, có khả năng huy động được tối đa các nguồn vốn trong nền kinh tế, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho các hoạt động của doanh nghiệp.
Ngoài ra, khi các quy điịnh của pháp luật thay đổi, các doanh nghiệp sẽ có những thay đổi tương ứng trong huy động vốn. Ví dụ, khi thuế suất thuế thu nhập cao, các doanh nghiệp có xu hướng sử dụng nợ nhiều hơn do họ có thể giảm được một khoản chi phí lớn thông qua tiết kiệm nhờ thuế. Ngược lại, khi thuế suất thuế thu nhập thấp thì các doanh nghiệp sẽ giảm tỷ lệ nợ.
Sự phát triển của thị trường chứng khoán: Tại những nền kinh tế phát triển, thị trường chứng khoán (TTCK) luôn là một kênh huy động vốn rất quan trọng đối với các doanh nghiệp. Thông qua TTCK, các công ty cổ phần có thể phát hành cổ phiếu để đáp ứng nhu cầu huy động vốn của mình. Cũng thông qua TTCK, các nhà đầu tư có được thông tin khá đầy đủ và đáng tin
cậy về doanh nghiệp họ quan tâm, giúp cho nhà đầu tư đưa ra quyết định đúng đắn, theo đó, các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả sẽ dễ dàng hơn trong việc tìm kiếm nguồn huy động vốn.
Ngoài ra, một TTCK phát triển còn là nơi cung cấp một dự báo tuyệt vời về chu kỳ kinh doanh trong tương lai, tạo điều kiện cho doanh nghiệp chủ động trong việc đề ra các chính sách nói chung và chính sách huy động vốn nói riêng.
Có thể nói, để lựa chọn được phương thức huy động vốn phù hợp cho mình, các doanh nghiệp cần có sự phân tích, đánh giá toàn diện về mục đích huy động vốn, tình hình tài chính doanh nghiệp, mức độ tín nhiệm của doanh nghiệp, mối quan hệ giữa lợi ích và chi phí của việc huy động vốn… Các công ty có thể áp dụng một hoặc kết hợp một vài phương thức nêu trên để huy động vốn sao cho hiệu quả đạt được là cao nhất.
Chương 2