Kết quả bảng 3.2 cho thấy tỷ lệ lý do đưa trẻ đến khám tại Viện Dinh Dưỡng quốc gia trong nghiên cứu của chúng tôi cao nhất là chậm lên cân (67,5%). Tiếp đến là biếng ăn (41,7%), chậm phát triển chiều cao (37,5%), ra mồ hôi trộm (36,7%), quấy khóc, ít ngủ (29,2%), táo bón (13,3%). So sánh với nghiên cứu tại Khoa khám trẻ em viện Dinh dưỡng quốc gia năm 2014 hầu như không thay đổi. Đối chiếu với nghiên cứu tại các thời điểm 5 năm trước tại khoa Khám Tư vấn cho thấy tỷ lệ lý do đến khám do chậm phát triển chiều cao giảm từ 42,3% xuống 37,5%. Lý do trẻ bị táo bón giảm từ 18,2% xuống 13,3% và lý do thừa cân/béo phì giảm từ 3,3% xuống còn 0,8%. Kết quả này tương đồng so với báo cáo của Viện Dinh Dưỡng năm 2014 [7].
Chiếm tỷ lệ cao nhất trong các bệnh thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi là hội chứng biếng ăn với 29,2%, tiếp đến là còi xương với 25,0%, thiếu máu 11,7%. Kết quả khá tương đồng với báo cáo năm 2014 của Viện Dinh Dưỡng và cho thấy rằng biếng ăn ở trẻ dưới 5 tuổi là một hiện tượng thường gặp [7]. Không kể đến các nguyên nhân về bệnh lý, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng biếng ăn cao có thể do hệ tiêu hóa của trẻ còn đang phát triển và hoàn thiện dần theo thời gian nhưng lại chưa có phương pháp dinh dưỡng hợp lý, đúng thời điểm để phù hợp với chức năng hiện có của đường tiêu hóa.
Đứng thứ hai trong các bệnh thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi là còi xương với 25,0%. Nếu không được điều trị, trẻ bị còi xương sẽ dẫn đến chán ăn, suy dinh dưỡng, da xanh thiếu máu, lách to. Tuy nước ta là nước nhiệt đới hầu
như quanh năm ánh nắng thừa thãi nhưng tỷ lệ còi xương trong nghiên cứu này vẫn ở mức cao. Điều này gợi ý rằng, việc đưa nội dung tư vấn bổ sung vitamin D và hướng dẫn tắm nắng cho trẻ cần được chú trọng hơn trong thời gian tới. Vì những bệnh như biếng ăn, còi xương, thiếu máu vẫn còn ở mức cao nên việc xây dựng thông điệp truyền thông giáo dục dinh dưỡng để nuôi dưỡng trẻ đúng cách là rất quan trọng.
Tỷ lệ nhiễm khuẩn hô hấp cấp chiếm 3,3%, kếu quả này khác so với nghiên cứu của Nguyễn Thu Nhạn và cộng sự cho thấy rằng các bệnh về hô hấp chiếm tỷ lệ hàng đầu [26]. Trong các bệnh về rối loạn tiêu hóa như táo bón, nôn trớ, tiêu chảy thì tiêu chảy chiếm tỷ lệ thấp nhất chỉ với 0,8%. Các bệnh như nhiễm khuẩn hô hấp, tiêu chảy cấp trong nghiên cứu này có tỉ lệ thấp, có thể do trẻ mắc các bệnh này thường được đưa đến khám tại các bệnh viện. Điều này cũng tương tự như báo cáo các năm của Viện Dinh Dưỡng [7].
Tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi thừa cân, béo phì là 1,7% thấp hơn kết quả trong nghiên cứu tại Viện Dinh Dưỡng 5 năm trước (3,2%) [7]. Tuy nhiên theo số liệu thống kê từ UNICEF (2018), tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi thừa cân, béo phì trên toàn thế giới là 5,9% [11]. Theo số liệu thống kê của Viện Dinh Dưỡng năm 2013 trên toàn quốc, tỷ lệ trẻ thừa cân là 4,9%, béo phì là 1,6% [3]. Điều này cho thấy tỷ lệ trẻ thừa cân, béo phì đến khám tại phòng khám tư vấn dinh dưỡng – Viện Dinh Dưỡng chưa đến mức đáng báo động.