Kết quả biểu đồ 3.2 cho thấy tỷ lệ SDD ở các nhóm tuổi không đồng đều. Một phần do phân bố trẻ trong nghiên cứu không đồng đều theo các nhóm tuổi. Tuy nhiên kết quả nghiên cứu của chúng tôi lại khá tương tự với kết quả của một số nghiên cứu của những tác giả khác là tỷ lệ SDD ở cả ba thể theo nhóm tuổi chủ yếu gặp ở nhóm tuổi 37-48 tháng tuổi [21]. Các nghiên cứu này chỉ ra rằng trong lứa tuổi từ 37 – 48 tháng, trẻ phát triển
nhanh, đòi hỏi nhu cầu năng lượng lớn cho quá trình phát triển mà chế độ ăn của trẻ như người lớn, không hợp lý, tỷ lệ nhiễm trùng tăng cao dẫn đến tăng tỷ lệ suy dinh dưỡng.
Trẻ SDD thấp còi ở độ tuổi từ 0 – 12 tháng có tỷ lệ thấp nhất là 7,7%. Giống với kết quả này, nghiên cứu của Đinh Đạo chỉ ra rằng SDD thể thấp còi có xu hướng tăng lên theo nhóm tuổi, nhưng sự khác nhau này không có ý nghĩa thống kê (p>0,05) [22].
Trong nghiên cứu của chúng tôi không có một trẻ nào trong độ tuổi từ 49 – 60 tháng mắc SDD thể gầy còm. Kết quả này tương tự so với tỷ lệ SDD gầy còm phân theo nhóm tuổi của trẻ tại 2 xã Thào Chư Phìn và Bản Phố tỉnh Lào Cai (2014) [23] và nghiên cứu của Hà Minh Hải (2017) [18] cũng là 0%. Trẻ em SDD gầy còm phần lớn nằm trong độ tuổi từ 37 – 48 tháng (18,2%), tiếp đến là trong độ tuổi 25 – 36 tháng (12,9%) và giảm trong độ tuổi từ 0 – 12 tháng (7,7%). Từ kết quả trên cho thấy SDD có xu hướng tăng dần theo độ tuổi, đặc biệt là sau 12 tháng tuổi. Trong lứa tuổi này trẻ từ 6 tháng trở đi thì miễn dịch thụ động nhận từ mẹ giảm dần, trẻ bắt đầu tập ăn bổ sung nên dễ mắc phải các bệnh đường tiêu hóa, hô hấp như tiêu chảy, nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính. Vì vậy cha mẹ cần phải có chế độ ăn bổ sung hợp lý cho trẻ.