Việc kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của đội ngũ CBQL giáo dục cũng được thực hiện dựa trên quan điểm phát triển đội ngũ CBQL, coi trọng tính thống nhất giữa các khâu trong phát triển đội ngũ CBQL. Trước hết việc kiểm tra, đánh giá dựa trên các chuẩn mực yêu cầu đối với đội CBQL giáo dục như Chuẩn hiệu trưởng đối với các cấp học và bậc học do Bộ GD&ĐT ban hành và các quy định về đánh giá và phân loại cán bộ, công chức, viên chức của Chính phủ.
Để xác định từng CBQL có đạt được đúng yêu cầu các kĩ năng theo chuẩn không, người ta sẽ thu thập các minh chứng về đối tượng đánh giá để đối chiếu với các chỉ số và tổng hợp lại theo từng tiêu chí và đánh giá mức độ đạt được của từng tiêu chuẩn như thế nào. Quá trình thực hiện các khâu đánh giá này cũng diễn ra theo 4 bước: (a) Xác lập các chuẩn mực, tiêu chí và các chỉ số liên quan đến chuẩn nhà giáo hay chuẩn hiệu trưởng...; (b) Thu thập các minh chứng về kiến thức, kĩ năng, năng lực, tính cách... của đối tượng mà chuẩn hướng tới; (c) Đối chiếu sự phù hợp của các minh chứng trong các lĩnh vực hoạt động so với chuẩn đã xác định, để phát hiện các mức độ phù hợp với chuẩn hay chưa phù hợp, trên cơ sở đó tiến hành bước tiếp theo; (d) Ra quyết
định điều chỉnh: Phát huy thành tích, tuyên dương, khen thưởng... hay hỗ trợ, chia sẻ giúp đối tượng hoàn thành nhiệm vụ đạt chuẩn đã đặt ra.
Trong đánh giá có hình thức đánh giá chính thức và đánh giá không chính thức:
- Đánh giá không chính thức là quá trình chuyển thông tin ngược một cách liên tục cho đối tượng được biết về thành tựu công tác của họ.
Quá trình đánh giá không chính thức được thực hiện hàng ngày. Người quản lý có thể nhận xét tức thời về một phần việc đã được hoàn thành tốt hay không, hoặc người quản lý yêu cầu đối tượng dừng công việc lại để giải thích phải giải quyết phần việc đó như thế nào cho tốt. Do có mối quan hệ chặt chẽ giữa hoạt động và thông tin ngược, cho nên sự đánh giá không chính thức sẽ nhanh chóng tạo ra những thành tựu đáng mong muốn cũng như phòng ngừa những kết quả yếu, kém trước khi nó trở thành xảy ra. Thành viên của một tổ chức phải chấp nhận sự đánh giá không chính thức này như một hoạt động quan trọng, một bộ phận cấu thành văn hoá tổ chức.
- Đánh giá chính thức có hệ thống là quá trình đánh giá theo chu kì nửa năm học hoặc cuối năm học. Quá trình đánh giá chính thức là quá trình phân loại thành tựu tại thời điểm đánh giá của từng đối tượng, xác định họ đạt được mức độ nào so với các chuẩn mực, họ xứng đáng được cất nhắc hoặc được đề bạt, hay họ cần phải đi đào tạo lại…. Nói rõ hơn, đánh giá chính thức có 4 mục đích sau đây: Cho người được đánh giá biết một cách chính thức thành tựu của họ được xếp loại như thế nào; xác định cho những người thuộc cấp biết: Ai trong số họ xứng đáng được khen thưởng hay cất nhắc; chỉ ra cho những người thuộc cấp biết rằng ai cần được bồi dưỡng, huấn luyện thêm nữa; xác định những ứng cử viên được đề bạt.