* Xây dựng cơ sở pháp lý hoàn thiện:
Ở Việt Nam, hoạt động ngân hàng nói chung, hoạt động tín dụng nói riêng được quy định bởi văn bản cao nhất là “Luật các tổ chức tín dụng”. Ngoài ra còn có các văn bản hướng dẫn của Chính phủ, của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các văn bản liên quan đến hoạt động tín dụng. Các quy định về hoạt động tín dụng tại Việt Nam được đánh giá là tương đối đầy đủ và theo thông lệ chung với các hướng dẫn rõ ràng, quyền tự chủ dành cho bên cấp tín dụng trên cơ sở bảo đảm những quy định về an toàn.
- Quy định về điều kiện cấp tín dụng. - Quy định về điều kiện đảm bảo tiền vay.
- Quy định về việc thẩm định, xét duyệt cho vay và thẩm định thu hồi vốn vay.
Với các quy định pháp lý nêu trên, tổ chức tín dụng được tự chủ và phải chịu trách nhiệm về hoạt động tín dụng của mình, đồng thời đảm bảo điều kiện để ngân hàng có thể tìm đúng khách hàng, đúng dự án để cấp tín dụng, và giám sát để khách hàng thực hiện những hành vi đúng sau khi được cấp tín dụng để hoàn trả cho ngân hàng khoản tín dụng được cấp.
* Hệ thống thông tin phục vụ đánh giá xếp loại khách hàng:
Một hệ thống thông tin đầy đủ về khách hàng như: lịch sử hình thành và quá trình phát triển, năng lực tài chính, mức độ tín nhiệm, đội ngũ điều hành là cơ sở hết sức quan trọng giúp cho việc thẩm định,xếp loại, lựa chọn khách hàng trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Nếu hệ thống này không đầy đủ sẽ ảnh hưởng rất lớn đến khả năng đánh giá, thẩm định khách hàng của các ngân hàng.
Hiện nay, Trung tâm tín dụng thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (CIC) là tổ chức duy nhất thực hiện công tác thu thập thông tin của các khách hàng có quan hệ tín dụng với tất cả các tổ chức tín dụng. Cơ chế thu thâp thông tin của CIC theo quy chế hoạt động thông tin tín dụng do Ngân hàng Nhà nước ban hành. Trong đó quy định các tổ chức tín dụng theo định kỳ có trách nhiệm báo cáo các thông tin liên quan đến khách hàng cho CIC và các tổ chức tín dụng được quyền khai thác thông tin của CIC.
Chia sẻ thông tin về khách hàng vay thông qua các trung tâm thông tin tín dụng không chỉ mang lại lợi ích cho các ngân hàng mà còn tốt cho chính các khách hàng. Dựa trên lý thuyết về thông tin không cân xứng, chia sẻ thông tin về người vay thông qua các trung tâm thông tin tín dụng có bốn lợi ích chính sau đây:
Một là, các trung tâm thông tin tín dụng giúp các ngân hàng hiểu rõ hơn về khách hàng và có thể dự đoán về khả năng trả nợ của khách hàng. Do vậy, ngân hàng có thể quyết định cho vay hoặc không cho vay; định giá được khoản cho vay chính xác hơn, từ đó làm giảm khả năng gây ra "sự lựa chọn đối nghịch".
Hai là, trung tâm thông tin tín dụng giúp ngân hàng tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường. Nếu ngân hàng nhận thông tin từ trung tâm thông tin tín dụng về một khách hàng, ngân hàng đó sẽ có đánh giá đúng hơn về khách hàng và có thể sẽ áp dụng một mức lãi suất thấp hơn so với mức lãi suất của ngân hàng không có thông tin. Lãi suất thấp hơn làm tăng khả năng cạnh tranh của ngân hàng trên thị trường. Lãi suất thấp hơn cũng làm giảm chi phí cho doanh nghiệp, tạo động cơ cho doanh nghiệp trong hoat động kinh doanh.
Ba là, các khách hàng biết rằng nếu họ có quan hệ không tốt với một ngân hàng thì tiếng tăm của họ với các ngân hàng khác cũng sẽ không tốt, như vậy sẽ không ngân hàng nào tiếp tục cho những khách hàng này vay hoặc nếu cho vay thì với lãi suất rất cao. Có thể nói sự tồn tại của các trung tâm thông tin tín dụng làm tăng động cơ trả nợ của khách hàng và giảm rủi ro về đạo đức.
Bốn là, Trung tâm thông tin tín dụng giúp các ngân hàng nhận biết được tình trạng vay nợ của khách hàng đồng thời tại nhiều ngân hàng, từ đó không tiếp tục cho vay quá nhiều vào những khách hàng đó, từ đó giảm thiếu rủi ro của ngân hàng.
Tăng trưởng kho dữ liệu CIC
Cung cấp thông tin của CIC