II. Vận dụng các quan điểm chỉ đạo của Đảng để đẩy mạnh ngành nông nghiệp lúa nước ở
1. Đánh giá tình hình ngành nông nghiệp lúa nước ở ĐBSCL:
1.1. Thực trạng chung của ngành nông nghiệp lúa nước nước ta hiện nay:
Đồng bằng sông Cửu Long là đồng bằng rộng lớn nhất nước ta, có những điều kiện đặc biệt về tự nhiên, rất thuận lợi cho phát triển nông nghiệp toàn diện đặc biệt là trồng trọt lúa nước.
Cây lúa – sinh kế chính của người dân đồng bằng sông Cửu Long, cung cấp đến 90% sản lượng gạo xuất khẩu của cả nước, với lượng gạo xuất khẩu dao động từ 4,9 - 7,7 triệu tấn/năm, giá trị xuất khẩu luôn đạt trên 2 tỷ USD/năm và đạt mức kỷ lục 3,08 tỷ USD trong năm 2018. Đây cũng là sản phẩm xuất khẩu nòng cốt giữ vững thương hiệu quốc gia nông nghiệp trên thế giới.
Những thành quả liên tiếp đạt được về kim ngạch xuất khẩu gạo trong những năm gần đây tới các thị trường truyền thống, cũng như năng lực mở rộng tiếp cận tới các thị trường mới, có tính khắt khe về tiêu chuẩn chất lượng như Mỹ, EU, Hàn Quốc, Nhật Bản... đã tiếp tục khẳng định khả năng tăng trưởng và phát triển của hạt gạo Việt.
Tuy nhiên thực tiễn đang diễn ra trong những năm qua cho thấy ngành hàng lúa gạo đã và đang đối mặt với những thách thức to lớn, đe dọa tới sự phát triển bền vững, sự sống còn của một ngành hàng gắn bó với hàng chục triệu người dân.
Giá trị gạo xuất khẩu của Việt Nam vẫn còn thấp so với các nước lân cận như Campuchia hay Thái Lan. Hiện các giống lúa thơm, đặc sản chủ lực của Việt Nam cho xuất khẩu vẫn tập trung ở nhóm giống Jasmine 85, nhưng chất lượng gạo không ổn định cho chất lượng nguồn giống và đặc điểm mùa vụ nên khó cạnh tranh với các giống lúa mùa thơm, đặc sản của Thái Lan hay Campuchia. Ngoài ra, việc kiểm soát quy trình canh tác và truy xuất nguồn gốc cũng là một bất lợi cho việc gia tăng giá trị gạo xuất khẩu của Việt Nam…
Gạo Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc sụt giảm mạnh trong 8 tháng đầu năm 2019. Đây là một thách thức nhưng cũng là cơ hội để doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm, chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu.
Khó khăn lớn của cây lúa tại đồng bằng sông Cửu Long hiện nay chính là biến đổi khí hậu, khô hạn, nước biển dâng, xâm nhập mặn. Cùng với đó là sự thay đổi căn bản về nguồn nước ở thượng nguồn sông Mê Kông do hoạt động kinh tế của các quốc gia đầu nguồn. Người sản xuất được hưởng lợi nhuận thấp nhất trong chuỗi sản xuất lúa gạo khiến họ nản lòng và muốn chuyển sang hướng lao động khác.
1.2. Thành tựu đạt được khi áp dụng KH&CN vào ngành nông nghiệp lúa nước
Triển khai áp dụng vào sản xuất các giống lúa ngắn ngày như cần thơ 1, cần thơ 2, NN1A; các giống chịu úng: U14, U17, U20, U21, Masuri; các giống chịu hạn như CH1, CH3, CH4; các giống lúa thuần chọn tạo trong nước có năng suất cao, chất lượng bảo đảm: NN75-1, NN75-2, DT10, DT11, C70, C71, V4, CR203, NN75-6, NN75-10, VN10, Xi-21, Xi-23, CR01, Xi-12, BM9830...; các giống lúa OM6162, OM7347, OM7398… mang tính chịu hạn tốt. Các giống OM9921, OM9915, OM5464, OM 6677… chịu được mặn và phèn.
Tiền Giang đã xây dựng được 307 mô hình trình diễn “1 phải 5 giảm” trên diện tích 2.070 ha, xây dựng mô hình giảm lượng hạt giống gieo sạ trong sản xuất lúa trên diện tích 60 ha, mở 286 lớp huấn luyện nông dân sản xuất lúa theo quy trình “3 giảm 3 tăng” và “1 phải 5 giảm” trong khuôn khổ dự án VnSAT thu hút trên 9.500 lượt nông dân.
Theo khảo sát, tỉ lệ áp dụng các biện pháp “3 giảm 3 tăng”, “ 1 phải 5 giảm” chiếm gần 87% tổng diện tích canh tác; diện tích xuống giống đồng loạt theo lịch thời vụ tập trung né rầy đạt trên 90%; diện tích sử dụng công cụ sạ hàng chiếm gần 75%, sử dụng giống lúa nguyên chủng và cấp xác nhận đạt trên 83%; cơ giới hóa các khâu làm đất, bơm tát chiếm 100% diện tích, thu hoạch bằng cơ giới đạt 100%...
Để đảm bảo hạt gạo đạt chất lượng cao, nhiều nông dân đã chọn biện pháp sấy lúa thay thế dần tập quán trước đây là phơi dưới ánh nắng mặt trời. Việc phơi lúa rất tốn công sức đảo, cào, trải lúa,...lại phụ thuộc nhiều vào thời tiết, diện tích sân phơi, tốn thời gian, lúa khô không đồng đều, lẫn tạp chất. Ngoài việc khắc phục được các nhược điểm trên, sấy lúa cũng giúp kiểm soát được độ ẩm của hạt, tránh ẩm mốc, nảy mầm, cho năng suất cao hơn so với việc phơi lúa truyền thống.
Mô hình trồng lúa thông minh: gieo mạ và cấy bằng máy có các chức năng phun thuốc diệt cỏ, diệt ốc và bón phân thông minh chỉ một lần vào gốc lúa từ khi cấy đến khi thu hoạch. Phân bón thông minh được tráng phủ một lớp polymer công nghệ cao thân thiện môi trường, giảm lượng khí thải nhà kính hơn 60%. Sau khi nước thẩm thấu qua màng phủ vào bên trong, các khoáng chất như: N, P, K, Cu, Mn, Fe, Zn... hòa tan từ từ. Sau một thời gian (1-2 năm), lớp bọc này sẽ tự phân hủy hữu cơ và không ảnh hưởng đến môi trường… Phân bón thông minh chỉ cần bón một lần, với lượng phân ít hơn các phân thông dụng từ 40-60% nhưng năng suất cây trồng tăng hơn 10%.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, việc ứng dụng công nghệ tiên tiến trong bảo quản, chế biến hiện đang là khâu xung yếu nhất trong chuỗi giá trị lúa gạo Việt Nam. Khi công nghệ chế biến ngày càng phát triển đã góp phần đáng kể vào việc tiêu thụ
gạo trên thị trường. Hiện trên thị trường có hơn 150 mặt hàng ăn liền sản xuất từ nguyên liệu gạo được bày bán tại các hệ thống siêu thị đã đưa ngành hàng này luôn đứng trong top có tỷ lệ tăng trưởng cao với mức 20-40%.
1.3. Hạn chế trong việc ứng dụng KH&CN vào ngành nông nghiệp lúa nước
Sản xuất nông sản hàng hóa một cách tự phát, thiếu quy hoạch dẫn đến lúc dư thừa, lúc thiếu; ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản suất, chế biến và bảo quản lúa gạo vẫn còn rất hạn chế đối với các doanh nghiệp sản xuất gạo trong nước. Điều này ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng và giá thành của gạo Việt Nam so với giống gạo cùng loại của các quốc gia xuất khẩu gạo lớn như Thái Lan và Ấn Độ.
Ô nhiễm môi trường gia tăng do phế thải không được xử lý, sử dụng nhiều phân bón vô cơ và hóa chất BVTV làm mất cân bằng hệ sinh thái nông nghiệp, sâu bệnh phát sinh phát triển nhiều, an toàn vệ sinh thực phẩm kém.
Diện tích lúa sản xuất theo quy trình canh tác hữu cơ còn quá ít và chưa có quy hoạch vùng nguyên liệu cho từng nhóm giống theo tiểu vùng sinh thái.
Phân bón là vật tư đầu vào quan trọng nhất và chiếm tới 37% tổng chi phí sản xuất. Hàng năm, nông dân Việt Nam chi khoảng 110 nghìn tỷ đồng (tương đương 5 tỷ USD) cho phân bón, trong đó khoảng 65% tổng lượng phân hóa học đa lượng (N,P,K) được sử dụng trong sản xuất lúa. Tuy nhiên, hiệu suất sử dụng phân bón cho cây lúa đang rất thấp. Lượng phân bón sử dụng trung bình mỗi năm là 1.000kg/ha nhưng với hiệu quả sử dụng chỉ đạt 45-50%. Sự mất cân đối trong sử dụng phân hữu cơ và vô cơ dẫn tới những hệ lụy xấu về môi trường, giảm độ phì của đất (đất bị thoái hóa) và giảm chất lượng nông sản.
Theo Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam Nguyễn Văn Bộ, hiện có một thực tế là hầu như mọi chủ trương, chính sách đầu tư đều hướng vào sản xuất càng nhiều lương thực càng tốt. Chính vì tư duy như vậy cho nên hướng đầu tư chủ yếu là mở rộng diện tích đất trồng lúa, tập trung nghiên cứu tạo giống lúa mà ít nghiên cứu về kỹ thuật. Trong giống lại phần lớn là lúa năng suất, chưa chú trọng đúng mức yêu cầu về chất
lượng, nhất là chất lượng đáp ứng yêu cầu của những thị trường khó tính. Chính vì vậy, dù sản xuất nhiều lúa gạo thì người nông dân vẫn không thể sống tốt, sống khỏe và giá gạo Việt Nam luôn ở mức thấp so với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Theo Tổng cục Thống kê, tổng mức đầu tư vào nông nghiệp của Việt Nam chỉ đạt từ 5 đến 6% tổng chi ngân sách Nhà nước. Với mức đầu tư khiêm tốn như vậy, các chuyên gia nông nghiệp khẳng định rất khó ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất trong thời gian ngắn. Điều này cũng đồng nghĩa với việc, người nông dân vẫn phải tự chủ trong quá trình sản xuất của mình.
Một số mô hình công tác thử nghiệm những giống lúa mới, phân bón mới, kỹ thuật canh tác mới…đã đạt những kết quả tốt nhưng hiện nay chưa được nhân rộng, chỉ mới dừng lại ở quy mô địa phương nơi thử nghiệm.