Tác phẩm Tam quốc diễn nghĩa (TQDN) được La Quán
Trung xây dựng khoảng thế kỷ 14 về thời kỳ chiến tranh giữa 3 nước Thục – Ngụy – Ngô (228 - 280) ở Trung Quốc với ba
phần thực, bảy phần hư cấu.
La Quán Trung đem những câu chuyện được lan truyền trong dân gian, qua lời các nghệ nhân kể chuyện.. rồi từ đó sáng tác, nâng cao lên thành một tác phẩm văn học lớn và nổi tiếng ở Trung Quốc cũng như trên thế giới, được đánh giá là một trong tứ đại danh tác của Trung Quốc.
Năm 1958, Nhân dân văn học xuất bản xã Bắc Kinh đã chỉnh lý và sửa chữa tác phẩm này và sau đó các bản in hoặc tái bản đều dựa vào đây làm bản chuẩn.
TQDN phản ánh cái nhìn của tác giả về thời nội chiến này, nêu rõ sự ủng hộ của LQT đứng về phía Thục Hán, lên án Tào Ngụy, còn Tôn Ngô chỉ là lực lượng trung gian. Tác phẩm phản ánh nguyện vọng của nhân dân về “một ông vua tốt” theo ước vọng phải xuất thân từ hàn vi, yêu thương dân chúng, hiền lành đức độ… Đặc biệt trong bối cảnh tác phẩm ra đời khi nhà Nguyên bị Mông Cổ thống trị, tư tưởng thể
hiện khát vọng của đại đa số người dân ủng hộ vị vua có dòng máu hoàng thất người Hán, đánh đuổi ngoại tộc, trấn hưng lại triều Hán.
TQDN là tiểu thuyết sử thi, ca ngợi chữ tín, chữ dũng, châm biếm phê phán kẻ nịnh thần, đả kích kẻ phản vong... phóng đại các thành tích chiến công để ca ngợi các vị tướng với tài năng và trí dũng.
Ngôn ngữ trong TQDN kết hợp giữa Văn ngôn và Bạch thoại, sử dụng ngôn từ thông dụng của nhân dân vì cấu trúc của tác phẩm là từ các giai thoại, câu chuyện dân gian, truyền khẩu… ngôn ngữ Kể lấn át ngôn ngữ Miêu tả, vì thế trong chuyện rất ít sử dụng định ngữ và tính từ. Qua đó lối tả trong chuyện được gọi là Bạch miêu. Lối miêu tả khéo léo, đối thoại sinh động, sử dụng rộng rãi khẩu ngữ qua đó tạo cho tác phẩm một vẻ đẹp hấp dẫn, vừa bác học lại vừa dân dã.
TQDN vào Việt Nam từ đầu thế kỷ 20 khi chữ quốc ngữ hình thành và phát triển. Năm 1902, đánh dấu cột mốc đầu tiên tác phẩm TQDN đến với độc giả Việt Nam qua bản dịch của Lương Khắc Ninh. Tác phẩm được in trên Nông Cổ Mín Đàm, một trong những tờ báo sớm nhất của báo chí quốc ngữ Việt Nam do Canavagio sáng lập từ tháng 8.1901. Vì vậy quá trình xuất bản và giới thiệu TQDN ở Việt Nam dường như
cũng song hành với sự phát triển chữ quốc ngữ ở VN.
Ngay từ đầu TQDN đã hấp dẫn người đọc Việt Nam vì nội dung và cách kể chuyện cuốn hút của La Quán Trung. Kể từ lần dịch đầu tiên đến nay hơn một thế kỷ, TQDN đã được giới thiệu rộng rãi ở Việt Nam rất đa dạng, với nhiều bản dịch, nhiều khổ in, nhiều bản hiệu đính kỹ lưỡng… Đây là một tác phẩm có được đông đảo quần chúng nhân dân Việt Nam yêu thích. Tác phẩm còn đi vào đời sống văn hóa tinh thần bằng nhiều con đường khác như trong các tích trò của nghệ thuật sân khấu, hội họa, thơ ca, văn học…
Quan Vũ một trong những nhân vật nổi tiếng được ca ngợi trong tác phẩm TQDN, là một trong Ngũ hổ tướng của nhà Thục, là anh em kết nghĩa của Lưu Bị - vua Thục. Được dân gian cũng như Tam Quốc diễn nghĩa mô tả như một vị tướng có tài, biểu tượng của lòng hào hiệp, trượng nghĩa nhưng cũng kiêu căng, ngạo mạn.
Hoàng đế nhà Minh - Vạn Lịch đã chính thức nâng Quan Vũ thành thánh để nhấn mạnh đức tính quả cảm trung thành của ông. Trong TQDN La Quán Trung đã xây dựng một nhân vật Quan Vũ với nhiều đức tính tốt đẹp, chết vì trượng nghĩa, nhưng cả tin.
Là một nhân vật lịch sử của Trung Quốc được biết đến nhiều nhất ở khu vực Đông Á, hình tượng Quan Vũ đã được tiểu thuyết hóa trong TQDN của La Quán Trung và sau này được khắc họa trong các dạng hình nghệ thuật như kịch, tuồng, chèo, phim ảnh,… với những chiến tích và phẩm chất đạo đức được đề cao nâng lên thần thánh hóa trong các câu chuyện dân gian. Quan Vũ được thờ cúng ở nhiều nơi với bức tượng mặt đỏ, râu dài, tay cầm thanh long đao, cưỡi ngựa xích thố.