Pháp luật về quan hệ hôn nhân và gia đình: 1.Kết hôn

Một phần của tài liệu Đề cương ôn môn Lịch sử nhà nước và pháp luật (Trang 32 - 34)

1. Kết hôn

Theo pháp luật nhà Lê, quan hệ hôn nhân phát sinh bằng sự kiện kết hôn. Một cuộc hôn nhân hợp pháp đảm bảo các điều kiện sau đây:

(1) Phải có sự đồng ý của hai bên cha mẹ. Trong trường hợp cha, mẹ mất thì phải có sự đồng ý của người tộc trưởng (Điều 314 BLHĐ).

(2) Độ tuổi: nam từ 18 trở lên và nữ từ 16 tuổi trở lên (Lệ giá thú trong Thiên nam dư hạ tập).

(3) Không phạm vào những trường hợp cấm kết hôn:

o Không có nghĩa vụ để tang nhau, tức giữa họ không có mối quan hệ huyết thống hoặc bị ràng buộc bởi quan hệ hôn nhân khác đã tồn tại trước đó (Điều 319 BLHĐ và Lệ giá thú phi loại trong Thiên nam dư hạ tập).

o Khi đang có tang cha, mẹ hay tang chồng; khi cha mẹ đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự (Điều 317, 318 BLHĐ)

o Quan lại ở địa phương không được kết hôn với người trong địa hạt cai quản hay kết hôn với người làm nghề hát xướng (Điều 316, 323 BLHĐ)

o Một số trường hợp cấm khác: anh lấy vợ góa của em, trò lấy vợ góa của thầy, phụ nữ đang bị truy nã…

2. Thủ tục kết hôn:

Thiên nam dư hạ tập quy định việc kết hôn trải qua bốn bước như sau:

(1) Lễ nghị hôn (tức lễ dạm ngõ hay thăm nhà), theo đó nhà bên nam sang nhà bên nữ thể hiện sự đồng ý của hai bên gia đình. Nếu bên nữ chấp nhận thì chuẩn bị lễ vật để tổ chức lễ định thân.

(2) Lễ định thân (vấn danh và ra mắt), theo đó, nhà trai đem lễ vật sang nhà gái để cúng bái tổ tiên và tổ chức chiêu đãi nhà trai; đồng thời định ngày tổ chức lễ đính hôn.

(3) Lễ đính hôn (lễ hỏi), nhà trai đem đầy đủ lễ vật theo thoả thuận trong lễ định thân sang nhà gái và tổ chức đãi tiệc. Sau khi nhà gái đã nhận đầy đủ đồ sính lễ thì xem như đã chấp nhận gả con gái.

(4) Lễ thành hôn (lễ cưới): nhà trai sang nhà gái làm lễ đón dâu và nhà gái cử người theo tiễn người con gái đi lấy chồng. Nhà trai tổ chức tiệc tùng mời bà con nội ngoại và người thân thuộc khác cùng tham dự lễ cưới. Sau lễ thành hôn, hai bên nam nữ chính thức trở thành dâu rể của hai bên gia đình.

3. Ly hôn:

Tức kết thúc quan hệ hôn nhân khi một trong hai bên có lỗi, cụ thể như sau:

(1) Ly hôn khi người vợ có lỗi: Theo Điều 310 BLHĐ, khi người vợ rơi vào một trong bảy trường hợp sau đây (gọi là thất xuất - thất là bảy, xuất là rời bỏ) bị xem là có lỗi nên người chồng buộc phải ly hôn vợ: không có con, ghen tuông, bị ác tật, không thủy chung, không kính cha mẹ chồng, nói nhiều gây mất hoà khí trong gia đình và trộm cắp.

(2) Ly hôn khi người chồng có lỗi: khi người chồng rơi vào một trong hai trường hợp sau thì người vợ có quyền yêu cầu xin ly hôn chồng: vi phạm nghĩa vụ đồng cư (cùng nhau chung sống) trong thời gian 5 tháng liên tục, nếu đã có con là một năm (Điều 308 BLHĐ) hoặc có hành vi vô lễ với cha mẹ vợ (Điều 333 BLHĐ).

Pháp luật về hôn nhân – gia đình nhà Lê không quy định về hậu quả pháp lý sau khi ly hôn, như vấn đề con chung và tài sản chung.

Một phần của tài liệu Đề cương ôn môn Lịch sử nhà nước và pháp luật (Trang 32 - 34)