5. Phát triể nở môi trƣờng mớ
NHỮNG NGƢỜI BẠN CẦN
Những người chăm sóc cho tôi trong mấy năm qua đều rất tuyệt vời, và tôi may mắn giữ được mối quan hệ bạn bè với họ sau khi họ chuyển sang làm công việc khác. Trước khi tới làm việc cho tôi, hầu như tất cả họ đều đã là bạn hoặc đã gặp tôi tại các buổi diễn thuyết. Luôn có một giai đoạn làm quen với công việc, và giai đoạn đó thường khá buồn cười.
Những người đã quen biết tôi được một thời gian thường nói rằng họ nhanh chóng quên rằng tôi không có chân tay và khuyết tật của tôi chẳng là vấn đề gì cả. Điều đó thật tuyệt! Tốt thôi, trừ khi người có suy nghĩ trên lại tình cờ trở thành người chăm sóc của tôi.
Tôi không thể nói cho bạn biết đã bao nhiêu lần tôi nhờ người chăm sóc lấy giúp chút nước và người đó cứ cố đưa cho tôi một chiếc ly như thể tôi có tay để cầm ly nước. Trong tình huống đó, người chăm sóc thường ngây người ra một lát, trong khi tay vẫn chìa ly nước ra và đợi tôi đón lấy. Sau đó người ấy sẽ đỏ mặt khi hiểu ra: Ôi! Lạy Chúa ! Mình cứ cố đưa ly nước cho anh chàng không có tay! Mình đang nghĩ gì thế này?
“Không sao đâu”, tôi nói. “Tôi quen với chuyện này rồi”.
Có khả năng bạn không cần một người thạo việc ở bên để trợ giúp bạn 24 giờ mỗi ngày, bảy ngày mỗi tuần. Nhưng tất cả chúng ta, dù ít hay nhiều, đều cần người chăm sóc, đều cần ai đó chia sẻ những suy nghĩ với mình, cần người cho chúng ta lời khuyên chân thành, người khích lệ, người cố vấn hoặc thần tượng để noi theo. Cần phải khiêm tốn và can đảm để thừa nhận rằng không phải cái gì bạn cũng biết hoặc bạn có thể tự làm được mọi việc. Trong những phần trước của cuốn sách, tôi đã khẳng định rằng khi có ý thức về mục đích sống, tận tâm theo đuổi những ước mơ, bạn sẽ luôn phải đối mặt với vài kẻ gièm pha.
May mắn thay những đối tượng khác cũng sẽ xuất hiện – đôi khi họ xuất hiện trong những tình huống ít ngờ tới nhất – để khích lệ bạn, hoặc để dẫn dắt bạn. Nên sẵn sàng đón nhận họ bởi việc kết giao với họ có thể làm thay đổi cuộc sống của bạn.
Có ba loại đối tượng dẫn dắt, những người có các mối quan hệ tác động đến cuộc sống của tôi: đó là người cố vấn, thần tượng, và bạn đồng hành.
Người cố vấn là những người đã và đang ở vị trí mà bạn muốn vươn tới, nhưng họ cũng là người giúp đỡ, hỗ trợ, chia sẻ ước mơ của bạn và thực sự muốn bạn đạt được thành công. Cha mẹ bạn hiển nhiên là người cố vấn, nhưng nếu may mắn bạn sẽ tìm được những người khác sẵn lòng giữ vai trò đó trong suốt cuộc đời bạn. Một trong những người cố vấn đầu tiên mà tôi có được là anh trai của mẹ tôi, bác Sam Radojevic, người hiện vẫn đang sống ở Australia cùng với người vợ tuyệt vời và những đứa con tuyệt vời. Bác có trái tim của một nhà doanh nghiệp, sự khôn khéo của một nhà đầu tư, tầm nhìn của một nhà thám hiểm. Bác Sam luôn sẵn sàng đón nhận trải nghiệm mới, và khi tôi còn nhỏ bác luôn khuyến khích tôi vươn lên. Bác nói với tôi rằng trở ngại thực sự trong cuộc sống là những trở ngại mà chính chúng ta tự tạo ra. Sự dẫn dắt và ủng hộ của bác đã mang đến cho tôi lòng can đảm để mở rộng tầm nhìn.
Tôi quen biết không ít người luôn mang trong mình gánh nặng nuối tiếc trong suốt cuộc đời, nhưng bác Sam thì chẳng có gánh nặng nuối tiếc nào khi bác nhìn lại những gì đã trải qua. Ngay cả khi mắc sai lầm, bác luôn hướng về phía trước, đến với cơ hội tiếp theo với tinh thần háo hức của một đứa trẻ yêu đời.
Bác thích thiết kế và lắp ráp xe máy, xe đạp, nhưng bác không làm việc đó vì bản thân. Bác giúp chính quyền bang Victoria triển khai một chương trình giúp người tù sửa chữa và đại tu xe đạp cũ để tặng trẻ em nghèo kém may mắn và cả người trưởng thành không có tiền mua xe đạp. Nhờ chương trình này, hàng nghìn chiếc xe đạp đã đến được với những người đang cần phương tiện đi lại.
Bác Sam đã khuyến khích tôi luôn nhìn về phía trước giống như bác, và luôn tin tưởng ở tôi, ngay cả khi tôi không tin vào chính bản thân mình. Khi tôi 13 tuổi, bác nói với tôi: “Nicholas, một ngày nào đó cháu sẽ bắt tay các tổng thống, các hoàng đế, nữ hoàng”. Thậm chí ngay từ hồi đó bác đã tin rằng Chúa Trời có một kế hoạch dành cho tôi. Đúng là một người cố vấn tuyệt vời!
Tôi khuyến khích bạn tìm kiếm những người cố vấn cho mình. Tuy nhiên, bạn nên hiểu rằng người cố vấn thực sự không chỉ là người lúc nào cũng khen ngợi, cổ vũ bạn – họ sẽ nói cho bạn biết bạn đang đi chệch đường, nếu sự thật đúng là như vậy. Bạn phải sẵn sàng lắng nghe những lời góp ý, cũng như lời khen ngợi của họ, và nên biết rằng họ làm thế vì lợi ích của bạn.
Tôi cũng kính trọng người anh họ Duncan Jurisic. Khi còn nhỏ, tôi thường sợ phải phiền ai đó đưa mình vào nhà vệ sinh, và anh ấy đã giúp tôi khám phá ra một quy tắc cần ghi nhớ. Anh ấy nói: “Bất cứ khi nào cần sự giúp đỡ, em hãy nói cho người khác biết”. Không chỉ anh ấy mà cả những người anh em họ khác của tôi đều luôn yêu
thương và giúp đỡ tôi, như Duncan và mẹ anh ấy, bác Danilka, đã giúp tôi chiến thắng nỗi sợ hãi trong những ngày đầu bước vào sự nghiệp diễn thuyết. Gia đình họ, những người điều hành tập đoàn Australian Hospitality ở Melbourne, đã dành cho tôi sự dẫn dắt sáng suốt và quý giá.
Thần tượng là người đã đạt tới vị trí mà bạn mong muốn vươn tới, nhưng thường thì họ không gần gũi với bạn như người dẫn dắt. Thường thì bạn chiêm ngưỡng họ từ xa, theo dõi bước tiến của họ, đọc cuốn sách của họ, và nối gót họ trong sự nghiệp, coi họ là thần tượng của bạn. Thường những người đó nổi tiếng trong lĩnh vực mà bạn theo đuổi, là những người nổi danh với thành công và được kính trọng. Một trong những thần tượng của tôi trong một thời gian dài, người mà tôi luôn muốn gặp, là mục sư Billy Graham. Ông sống theo lời dạy của câu Kinh Mark 16:15, và cũng là câu Kinh đã khích lệ tôi rất nhiều: “Hãy đi khắp thế gian, giảng Tin Lành cho tất cả mọi người”.
Chắc hẳn phải có người cố vấn và thần tượng giống như Vic và Elsie Schlatter, hai nhân vật mà gần như cứ mỗi năm tôi lại đến thăm một lần. Họ luôn khuyến khích tôi trở thành một người Cơ Đốc tốt hơn, hoàn thiện hơn. Họ sống ở Australia, nhưng đã xây dựng được 65 nhà thờ và hội truyền giáo ở những vùng xa xôi hẻo lánh của Nam Thái Bình Dương. Họ là thần tượng của tôi trong việc tạo ra sự thay đổi tích cực cho thế giới trong vai trò của người truyền giáo. Họ làm việc thầm lặng, không phô trương, và không bao giờ tự thổi phồng mình lên, nhưng họ đã tạo ra một thế giới tốt đẹp hơn cho rất nhiều mảnh đời.
Khi còn là một cô bé mới lớn, Elsie đã hình dung thấy Chúa Jesus đứng trước mặt bà, bảo bà hãy “đi”. Elsie hiểu rằng Chúa muốn bà thực hiện sứ mệnh của người truyền giáo. Vic làm việc cho hãng General Electric tại một nhà máy điện hạt nhân sau khi họ kết hôn, nhưng khi đó ông và Elsie cũng lập lên một nhà thờ, bắt đầu sứ mệnh truyền giáo - truyền giáo cho những người dân Papua New Guinea, một quốc gia nhỏ gồm nhiều bộ tộc ở Nam Thái Bình Dương và là một xứ hầu như chưa biết tới đạo Cơ Đốc. Mặc dù đó là một nước nhỏ, ba triệu người dân của nước đó lại thuộc nhiều dân tộc khác nhau, nói hơn 700 thứ tiếng.
Vic và Elsie đã yêu mến xứ xở đó và giờ đây đang sống ở bờ biển Bắc của Australia. Từ căn cứ của mình, họ chỉ đạo công việc truyền giáo khắp các vùng thuộc Nam Thái Bình Dương. Ngoài việc viết một số sách về tôn giáo, Vic đã dịch Kinh Thánh sang tiếng Anh đơn giản và một số ngôn ngữ địa phương để phục vụ các bộ lạc mà ông và Elsie truyền giáo.
Định nghĩa thế nào là một người đồng hành là việc khá khó khăn đối với tôi bởi vì cuộc sống của tôi diễn ra theo một hành trình khá đặc biệt. Những người đồng hành thường là bạn bè, đồng nghiệp và người có mục đích giống mục đích của bạn, song hành với bạn trên đường đời. Họ thậm chí có thể là đối thủ của bạn, nhưng là đối thủ thân thiện. Bạn và những người đồng hành khuyến khích, động viên và giúp đỡ lẫn nhau bằng cách làm phong phú đời sống tinh thần của nhau chứ không làm nó nghèo đi.
Khi tin vào sự phong phú, bạn tin rằng trên đời này có đủ những món quà của Chúa – đủ sự mãn nguyện, đủ cơ hội, đủ hạnh phúc, và đủ tình yêu – dành cho tất cả mọi người. Tôi khuyến khích bạn tiếp nhận quan điểm này bởi vì nó khiến bạn cởi mở với mọi người hơn. Nếu bạn nghĩ thế giới là một nơi khan hiếm nguồn vui, nơi các cơ hội là có hạn thì bạn sẽ coi người đồng hành của mình là mối đe dọa, người sẽ chiếm mất những gì tồn tại và chẳng để lại gì cho bạn hết. Cạnh tranh có thể là một điều lành mạnh bởi vì nó thúc đẩy bạn, và ở trên đời này bạn sẽ luôn tìm thấy những người khác muốn những gì bạn muốn. Với ý thức về sự phong phú, bạn tin rằng có đủ phần thưởng cho tất cả mọi người, vậy nên sự cạnh có ý nghĩa thúc đẩy bạn cố gắng hết sức và khuyến khích người khác cũng cố gắng như thế.
Ý thức về sự phong phú cho phép bạn và người đồng hành cùng tiến lên phía trước với cảm giác rõ ràng về sự giúp đỡ lẫn nhau và tình bằng hữu. Tôi hiểu được điều đó qua tình bạn của tôi với Joni Eareckson Tada, người cũng đi trên một con đường giống như con đường tôi đã chọn. Như tôi đã miêu tả ở những phần trước, Joni đã là thần tượng của tôi trong một thời gian dài trước khi tôi quen biết bà; bà trở thành một người cố vấn, giúp tôi tạo dựng sự nghiệp ở Mỹ; và bây giờ bà là bạn đồng hành của tôi, luôn đưa ra lời khuyên sáng suốt và luôn dành cho tôi sự lắng nghe đầy cảm thông.
Một người khác luôn sát cánh bên tôi trên mọi bước đường là Jackie Davison, người sống gần nhà chúng tôi khi tôi còn là một cậu bé mới lớn. Ngày đó Jackie đã kết hôn và có hai con nhỏ, nhưng chị luôn dành thời gian để nghe tôi tâm sự về bất cứ chuyện gì ám ảnh tâm trí tôi, cả chuyện tốt lẫn chuyện xấu. Chị và tôi đủ gần gũi về tuổi tác nên chị đối với tôi giống như một người bạn sáng suốt hơn là một người trưởng thành có óc xét đoán. Tôi yêu quý gia đình chị, và tôi trở thành một người anh cả không chính thức đối với những đứa con của chị, thường giúp chúng làm bài tập hoặc chơi đùa với chúng.
Vào năm 2002, tôi trải qua một giai đoạn khó khăn cả về việc học ở trường đại học lẫn trong cuộc sống, và cảm thấy mình xao nhãng. Khi đó tôi vừa mới chia tay người bạn gái đã gắn bó trong một thời gian dài và đang rất buồn. Vậy nên tôi tìm đến Jackie, nhờ chị ấy giúp tôi hiểu chuyện gì đã xảy ra. Tôi dốc bầu tâm sự, còn chị chỉ ngồi yên lặng nghe tôi nói mà không hề phản ứng gì. Bỗng nhiên tôi chợt hiểu ra rằng tôi đang chất gánh nặng cảm xúc đó lên chị mà chị không hề phản ứng. Cuối cùng tôi ngừng kể, và nói: “Em nên làm gì đây? Hãy nói cho em biết đi!”. Chị mỉm cười, đôi mắt ánh lên sự ấm áp rồi nói một cách đơn giản: “Hãy tạ ơn Chúa”.
Thất vọng và chẳng hiểu gì, tôi hỏi: “Tạ ơn Chúa vì điều gì?”. “Cứ tạ ơn Chúa đi, Nick ạ.”
Tôi nhìn đăm đăm xuống sàn nhà và nghĩ: Đó là tất cả những gì chị ấy phải nói ư? Người phụ nữ này đã thay đổi rồi!
Thế rồi tôi chợt hiểu ra rằng Jackie bảo tôi hãy tin tưởng ở Chúa và rằng Chúa không quên tôi. Chị nói thế nghĩa là chị muốn bảo rằng tôi nên đặt niềm tin không phải vào sự khôn ngoan của con người mà vào sức mạnh của Chúa. Chị bảo tôi hãy quy thuận trước Chúa và tạ ơn Người, mặc dù trong hoàn cảnh đó tôi cảm thấy Người không đáng nhận những lời tạ ơn. Chị đã bảo tôi hãy tạ ơn Chúa trước vì những món quà sẽ đến với tôi qua nỗi đau này. Chị có đức tin mạnh mẽ, và mỗi khi tôi bối rối hoặc bị tổn thương, chị đều nhắc nhở hãy quy thuận trước Chúa, bởi vì Chúa có một kế hoạch dành cho tất cả chúng ta.