Thái độ hành động

Một phần của tài liệu Cuộc sống không giới hạn - Nick Vujicic pdf (Trang 28 - 29)

3. Thái độ đồng cảm 4. Thái độ khoan dung

1. Thái độ biết ơn

Đây là thái độ mà Linda đã chọn để đương đầu với những chấn thương từ vụ tai nạn xe hơi. Thay vì nuối tiếc và buồn rầu về những gì đã mất, cô biết ơn về những gì đã tìm lại được và biết ơn cuộc sống mà cô đã gây dựng lên. Tôi là một người có niềm tin sâu sắc vào sức mạnh của lòng biết ơn. Trong các buổi diễn thuyết, tôi thường nói đến bàn chân trái nhỏ xíu của mình. Tôi nói đến nó để khiến các khán thính giả cảm thấy thoải mái bởi họ có thể nhìn thấy cái bộ phận phụ không bình thường đó của tôi. Tôi nói về nó một cách hài hước, nhưng tôi rất biết ơn nó. Tôi sử dụng nó để điều khiển cần xe lăn, để gõ bàn phím máy tính với tốc độ bốn mươi từ một phút, để chơi piano và điều khiển máy chơi trống, để thực hiện những ứng dụng trên điện thoại di động.

Thái độ biết ơn cũng thu hút những người có thể chia sẻ nhiệt huyết với bạn, ủng hộ những ước mơ của bạn. Đôi khi những người đó có sức mạnh để khích lệ bạn và làm thay đổi cuộc sống của bạn bằng nhiều cách đáng kinh ngạc. Khi tôi còn bé, mẹ thường đọc sách cho tôi nghe, và một trong những cuốn sách mà tôi yêu thích hồi ấy là cuốn Con yêu Chúa.

Lần đầu tiên mẹ đọc cuốn sách đó cho tôi nghe là khi tôi sáu tuổi. Lúc đó tôi chưa biết bất cứ một người nào sinh ra trên đời này không có chân, không có tay như tôi. Tôi không có một hình mẫu nào để noi theo, không biết bất cứ một ai trông giống như tôi, phải đối mặt với những khó khăn và thách thức tương tự như tôi đang phải đối mặt. Cuốn sách đó, cuốn sách mà từ bấy đến giờ tôi vẫn thường nghĩ tới, đã khích lệ, giúp tôi xây dựng nền tảng cho thái độ biết ơn bởi vì nó được viết bởi Joni Eareckson Tada.

Joni là một tay bơi 17 tuổi rất thích thể thao và cưỡi ngựa ở Maryland. Chỉ vài tuần trước khi bắt đầu kỳ học đầu tiên ở trường đại học, Joni bất ngờ bị gãy cổ trong khi thực hiện một cú lộn người theo kiểu nhảy cầu xuống hồ. Sau khi tai nạn xảy ra vào năm 1967, bà bị liệt từ cổ xuống chân. Trong cuốn sách, bà đã viết về nỗi thất vọng và ý định tự tử trong những ngày đầu bà đối mặt với sự thật nghiệt ngã là bà bị liệt gần như toàn thân, nhưng cuối cùng bà ti n rằng “đó không phải là một cú tung đồng xu trong vũ trụ, không phải là điều ngẫu nhiên, không phải là một vòng quay của bánh xe vũ trụ. Đó là một phần kế hoạch của Chúa dành cho tôi”.

Tôi thích cuốn sách đó. Sau đó mẹ tôi mua một CD gồm những bài hát của Joni, những bài hát lần đầu tôi nghe với ca từ nói rằng “tất cả chúng ta đều có xe lăn”, rằng ngồi trên xe lăn thật là thú vị, và rằng “không ai trên đời này hoàn hảo”. Khi còn bé, ở Australia, tôi đã xem đi xem lại CD đó và cho đến bây giờ thỉnh thoảng vẫn ngâm nga những bài hát của Joni. Bạn có thể tưởng tượng được cảm giác kinh ngạc của tôi khi lần đầu tiên được mời đến gặp Joni.

Năm 2003, tôi sang Mỹ để diễn thuyết tại một nhà thờ ở California. Sau buổi diễn thuyết, một phụ nữ trẻ làm việc cho Joni tìm đến tự giới thiệu bản thân với tôi và mời tôi đến trụ sở của tổ chức từ thiện Joni và Những người bạn ở Agoura Hills.

Trong chuyến thăm đó tôi ngỡ ngàng khi thấy Joni vào phòng. Bà nghiêng người tới để ôm tôi, và tôi đã có một khoảnh khắc tuyệt vời. Joni không có nhiều sức bởi vì bà bị liệt tứ chi, vậy nên khi bà rướn người để ôm tôi, bà gặp khó khăn trong việc đưa cơ thể trở lại xe lăn. Theo bản năng, tôi sử dụng thân mình để khẽ đẩy bà trở lại vị trí cũ trên xe lăn.

“Cậu rất mạnh mẽ!”, bà nói.

Tất nhiên, tôi rất cảm động khi nghe bà nói thế. Người phụ nữ phi thường này, người đã mang đến cho tôi sức mạnh, niềm tin, và hy vọng khi tôi còn bé lại nói với tôi rằng tôi rất mạnh mẽ. Joni tâm sự rằng, cũng giống tôi, thoạt đầu bà phải vật lộn để sống với khuyết tật của mình. Bà đã từng nghĩ đến việc lăn xe từ một chiếc cầu cao xuống sông để chấm dứt cuộc đời, nhưng bà lo rằng làm vậy bà có thể chỉ bị chấn thương não thôi và như thế càng khiến cho cuộc đời thêm bi đát. Cuối cùng bà cầu nguyện, Lạy Chúa, nếu con không thể chết, thì xin người hãy chỉ cho con cách để tiếp tục sống.

Ít lâu sau vụ tai nạn đó, một người bạn đã tặng Joni bản sao một đoạn Kinh Thánh. Đoạn đó như sau: “Phàm việc gì cũng phải tạ ơn; vì đấy là ý muốn của Ðức Chúa Trời và Ðức Chúa Jesus Christ đối với anh em là như vậy” . Khi đó Joni chưa phải là người mộ đạo. Bà vẫn rất tức giận và buồn nản trước tình trạng liệt tứ chi và bà không tin thông điệp đó.

“Bạn nói chơi đấy thôi”, Joni bảo. “Tôi không cảm thấy biết ơn vì tất cả chuyện này. Không hề!”.

Bạn của Joni nói rằng bà không cần phải cảm thấy biết ơn Chúa vì tình trạng liệt tứ chi. Tất cả những gì bà phải làm là hãy tin tưởng ở Chúa và cảm ơn Người vì những diễm phúc, những quà tặng cuộc sống mà bà sẽ nhận được.

Lúc bấy giờ thật khó để Joni tin vào khái niệm đó. Khi ấy bà cảm thấy mình giống như một nạn nhân đáng thương. Quả thực, bà tự gọi mình là “nạn nhân của một vụ tai nạn khủng khiếp”. Thoạt đầu bà oán trách tất cả mọi người trừ bản thân bà về tình trạng liệt tứ chi của mình, và muốn mọi người phải bù đắp cho mình. Bà kiện tụng. Bà đòi hỏi. Thậm chí bà oán trách cha mẹ đã sinh ra bà trên đời này để bà phải chịu cảnh tàn tật.

Joni cảm thấy thế giới mắc nợ bà bởi vì bà đã mất khả năng sử dụng chân tay. Cuối cùng bà hiểu ra rằng tự cho mình là nạn nhân của bất hạnh là một cách dễ dàng để ẩn trốn, lẩn tránh cuộc đấu tranh vượt lên nghịch cảnh. Tất cả chúng ta đều có thể là những nạn nhân của một biến cố, một sự việc không may nào đó. Một số người cảm thấy mình giống như những nạn nhân bởi vì cha mẹ họ ly dị, hoặc bản thân họ ốm đau, hoặc không có được việc làm tốt, hoặc không có được thân hình thon thả, không đủ cao ráo hoặc không đẹp như họ mong muốn.

Khi chúng ta khăng khăng cho rằng mình luôn phải có một cuộc sống tốt đẹp, hẳn nhiên khi có điều không như ý xảy ra, chúng ta sẽ cảm thấy mình bị tước đoạt và bị xúc phạm. Khi đó chúng ta quay sang oán trách người khác và đòi hỏi họ phải bù đắp. Trong tâm thế chỉ nghĩ đến mình, chúng ta trở thành nạn nhân thực sự. Tuy nhiên, cảm giác tự thương hại bản thân là một cảm giác thiếu tích cực, không đáng khích lệ. Trong tâm trạng đó bạn chỉ có thể nghe thấy một giọng nói từ bên trong lặp đi lặp lại: “Khốn khổ, khốn khổ thân tôi” cho đến khi bạn trở nên vô cùng căng thẳng, kích động, và phải tìm một nơi để ẩn trốn.

Giống như Joni, bạn nên loại bỏ cái vai nạn nhân bởi vì nó không mang lại bất kỳ tương lai nào. Joni nói rằng khổ đau tạo ra cho chúng ta một ngã rẽ, và chúng ta chọn hƣớng đi xuống dẫn tới vực thẳm của thất vọng hoặc chúng ta chọn con đƣờng đi lên bằng cách trang bị cho mình thái độ biết ơn vì những gì mình còn lại. Có thể ban đầu bạn sẽ thấy rất khó khăn để có thái độ biết ơn, nhưng nếu quyết tâm không để bản thân trở thành một nạn nhân và kiên cường đấu tranh vươn lên từng ngày, thì rồi sức mạnh sẽ đến với bạn. Nếu bạn không thể tìm được một khía cạnh nào trong tình huống của mình để cảm thấy biết ơn, thì bạn hãy hướng suy nghĩ vào những ngày tốt đẹp đang đợi ở phía trước và bộc lộ thái độ biết ơn trước khi những điều tốt đẹp thực sự đến với bạn. Thái độ này sẽ giúp bạn lạc quan và khiến tâm trí bạn thoát ra khỏi quá khứ đau buồn để nhìn về tương lai.

“Tôi đã hiểu ra rằng con đường đưa tôi tránh xa khỏi sự tự hủy hoại có thể được tìm thấy ở đâu đó trong những trang Kinh Thánh; và chúng ta không mất nhiều thời gian để phát hiện ra sự thật đã tồn tại từ lâu đó. Mỗi ngày một lần hãy sử dụng sức mạnh của Chúa và như vậy bạn sẽ trở thành người chiến thắng”, Joni nói với tôi. Joni đã phát hiện ra rằng cái vai diễn nạn nhân chỉ khiến cho bà đau khổ và chán nản hơn chính bản thân nỗi đau khổ và buồn chán mà tình trạng liệt tứ chi đã gây ra cho bà. Trang bị thái độ biết ơn về những gì còn lại và những quà tặng của cuộc sống mà bạn sẽ nhận được có thể giúp bạn vượt lên nghịch cảnh. Thái độ đó có thể làm thay đổi cuộc đời bạn như nó đã làm thay đổi cuộc đời của Joni và tôi. Thay vì tức giận và phẫn uất trước khuyết tật của mình, tôi và bà ấy đã tạo dựng cho mình cuộc sống vui vẻ.

Thái độ biết ơn đã thực sự thay đổi cuộc sống của Joni, để rồi sau đó câu chuyện cuộc đời bà lại giúp thay đổi cuộc sống của tôi và của rất nhiều người qua những cuốn sách bán chạy và những DVD của bà. Tổ chức phi lợi nhuận mang tên Joni và Những người bạnđã thực hiện chương trình Xe lăn cho thế giới, một chương trình cung cấp hơn 60.000 xe lăn miễn phí cho người khuyết tật ở 102 quốc gia, ấy là chưa kể đến hàng nghìn đôi nạng và các thiết bị trợ giúp việc đi lại cho người khuyết tật. Joni bị liệt tứ chi. Tôi thì lọt lòng mẹ đã không có chân tay. Tuy nhiên, mỗi người chúng tôi đều đã tìm được mục đích sống và cố gắng hết sức mình để theo đuổi mục đích đó. Chúng tôi nuôi niềm hy vọng trong tim để chiến thắng thất vọng. Chúng tôi tin ở Chúa và tin vào tương lai. Chúng tôi chấp nhận rằng mình là những con người không hoàn hảo được ban tặng những món quà quý giá của cuộc sống. Chúng tôi lựa chọn sống với thái độ tích cực, thái độ được nuôi dưỡng bằng lòng biết ơn, và chúng tôi biến thái độ tích cực đó thành hành động để làm thay đổi cuộc sống của mình và của người khác.

Đó không phải là khẩu hiệu giáo điều – đó là sự thật. Bằng cách lựa chọn thái độ biết ơn để chiến thắng cảm giác tự coi mình là nạn nhân, hoặc cảm giác cay đắng, thất vọng, không chỉ Joni và tôi, mà chính bạn cũng có thể vượt lên các thách thức mà bạn đang phải đối mặt. Tuy nhiên, nếu bạn thấy khó tìm được thái độ biết ơn, thì vẫn còn có những cách tiếp cận khác có thể giúp ích cho bạn.

2. Thái độ hành động

Tabitha cũng bị khuyết tật giống tôi, tuy vậy cô ấy viết: “Tôi luôn cảm thấy mình may mắn và vì thế tôi cần trả ơn cuộc đời”. Thái độ hành động của cô đã khiến cô và gia đình bắt đầu sứ mệnh tạo những túi quà cho trẻ em đang bị bệnh hoặc bị khuyết tật và cho người vô gia cư.

Đôi khi phương pháp tốt nhất cho việc lái cuộc sống của bạn ra khỏi lối mòn hoặc vượt qua một trở ngại là làm cho cuộc sống của bạn và của người khác trở nên tốt đẹp hơn. Socrates đã nói: “Nếu anh muốn thay đổi thế giới thì trước hết hãy thay đổi chính bản thân anh”. Khi bạn không thể gặp may mắn trong lúc khó khăn, hãy cố

gắng tự tạo ra may mắn cho chính mình. Khi bạn gặp một bi kịch hoặc phải chịu một mất mát to lớn, bạn hãy cho phép mình đau buồn, nhƣng rồi sau đó hãy cố gắng đứng dậy, tự tạo ra cái may trong cái rủi.

Tự trang bị thái độ hành động giúp bạn tạo ra động lực tích cực để vượt qua nghịch cảnh. Những bước đầu tiên là những bước khó khăn nhất, chắc chắn rồi. Trước tiên bạn có thể không cần làm gì nhiều, chỉ cần đứng dậy, nhấc mình ra khỏi giường, nhưng một khi đã đứng dậy được, bạn có thể tiến về phía trước, và chừng nào còn có thể tiến về phía trước thì chừng đó bạn còn có thể dứt ra khỏi quá khứ và tiến về tương lai. Hãy bắt đầu như vậy. Hãy tiến về phía trước, từng bước một. Nếu bị mất người thân hoặc mất một điều gì đó, bạn hãy giúp đỡ người khác, hoặc tạo dựng một thứ gì đó khác như một việc làm để tưởng niệm về điều đã mất.

Một trong những trải nghiệm buồn nhất trong cuộc đời là nỗi đau mất người thân. Việc mất một thành viên trong gia đình hoặc một người bạn gây ra nỗi đau buồn sâu sắc đến mức có thể khiến bạn tê liệt. Ngoài việc bạn đã hạnh phúc vì hiểu người đó, yêu quý người đó, đã ở bên người đó, có rất ít lý do để chúng ta hàm ơn trong những tình huống như thế.

Không gì có thể chuẩn bị cho chúng ta trong việc đương đầu với loại mất mát có thể làm chúng ta suy sụp ấy. Tuy nhiên, một số người rơi vào hoàn cảnh đó đã biến đau thương thành hành động, khiến cho sự mất mát khủng khiếp trở thành một động lực giúp họ thực hiện những điều tốt đẹp.

Một ví dụ điển hình được nhiều người biết đến là Candy Lightner, người đã biến sự tức giận và đau khổ thành hành động sau khi đứa con gái 13 tuổi của cô bị một tay lái xe say xỉn cướp mất tính mạng. Trong niềm đau thương vô hạn, cô đã thành lập tổ chức Những người mẹ chống lại tệ nạn lái xe trong khi say xỉn (viết tắt là MADD), một tổ chức đã cứu được nhiều mạng sống thông qua các hoạt động và chương trình giáo dục thiết thực và hữu ích.

Khi bi kịch thương tâm ập đến với bản thân hoặc với người chúng ta yêu thương, xu hướng chung của chúng ta là trốn đến một nơi nào đó và khóc, hy vọng rằng một ngày nào đó đau thương sẽ nguôi ngoai. Tuy nhiên, nhiều người như Tabitha, Joni Eareckson Tada và Candy Lighter đã chọn thái độ hành động. Họ tin rằng ngay cả những bi kịch khủng khiếp nhất trong cuộc sống cũng có thể mang đến cơ hội để thực hiện những việc tốt đẹp.

Một ví dụ phi thường của người chọn thái độ hành động chính là Carson Leslie ở Dallas. Khi tôi gặp Carson Leslie, cậu mới 16 tuổi, nhưng đã đấu tranh với căn bệnh ung thư được hai năm. Người thiếu niên mê thể thao có nụ cười rạng rỡ ấy, người có ước mơ được chơi ở vị trí phòng ngự của đội bóng chày New York Yankees, mới 14 tuổi đã được chẩn đoán mắc bệnh u não và khi đó khối u trong người cậu đã di căn tới cột sống. Cậu đã trải qua các cuộc phẫu thuật cắt bỏ khối u, đã được điều trị bằng tia phóng xạ và hóa chất. Bệnh của cậu đã thuyên giảm. Nhưng rồi lại tái phát. (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Dù trải qua đau đớn khủng khiếp, Carson đã cố gắng hết sức để làm một thiếu niên bình thường, sống một cuộc sống bình thường. Cậu thường nói về đoạn Kinh Thánh mà cậu thích do một người quen đã mang đến cho cậu ngay sau khi cậu được chẩn đoán mắc bệnh ung thư. Đó là đoạn Joshua 1:9, “Ta há không có phán dặn ngươi sao? Hãy vững lòng bền chí, chớ run sợ; vì Ðức Chúa Trời vẫn ở cùng ngươi trong mọi bước đường”.

Một phần của tài liệu Cuộc sống không giới hạn - Nick Vujicic pdf (Trang 28 - 29)