Nếu thái độ hành động dường như nằm ngoài khả năng của bạn, thì vẫn còn có sự lựa chọn khác, một thái độ bắt nguồn từ trái ti m. Khi trưởng thành hơn và khi trải nghiệm đã khá phong phú, tôi hiểu rằng một trong những yếu tố then chốt dẫn đến ý định tự tử ngày nhỏ chính là tôi nghĩ quá nhiều về bản thân. Tôi thực sự tin rằng không ai trên đời này phải chịu những nỗi đau về tinh thần và thể xác như tôi phải chịu đựng. Tôi cứ chăm chăm nghĩ về hoàn cảnh của mình, chẳng nhìn thấy gì khác ngoài bất hạnh của bản thân.
Thái độ đó đã được cải thiện đáng kể khi tôi lớn hơn một chút và đã hiểu ra rằng nhiều phận người sống trên cuộc đời này cũng gặp phải những thách thức tương tự, thậm chí còn tồi tệ hơn. Khi hiểu ra điều đó, tôi bắt đầu tìm đến với những người thiếu may mắn để chia sẻ với họ sự đồng cảm và lòng can đảm.
Trong chuyến đi đến Australia vào năm 2009, cô con gái nhỏ của gia đình một người bạn đã mang đến cho tôi một ví dụ rất cảm động về sự đồng cảm. Khi tôi gặp lần đầu, cô bé đó mới chỉ hai tuổi rưỡi. Gia đình đưa cô bé đến dự một bữa tiệc, và trong phần lớn thời gian ở đó cô giữ thái độ xa cách với mọi người, cứ nhìn tôi từ xa như những đứa trẻ khác thường làm. Sau đó, khi bố mẹ cô chuẩn bị ra về, tôi hỏi rằng liệu cô có muốn ôm tôi không.
Cô bé mỉm cười và chầm chậm bước về phía tôi. Khi cô tiến đến đủ gần, cô dừng lại, nhìn thẳng vào mắt tôi, và từ từ khoanh hai tay ra sau lưng như thể để biểu lộ sự đồng cảm trước tình trạng khuyết thiếu tay của tôi. Thế rồi cô bé bước từng bước ngắn lên phía trước, đến gần tôi hơn chút nữa và ngả đầu vào vai tôi, ôm tôi bằng cổ của cô giống như cái cách cô học được từ tôi khi cô để ý tôi ôm người khác.
Tất cả mọi người có mặt trong phòng đều kinh ngạc và xúc động trước cái cách biểu lộ sự đồng cảm của cô bé. Tôi từng được nhiều người ôm hôn với sự trìu mến, nhưng có thể nói một cách thực lòng rằng tôi sẽ không bao giờ quên cái ôm của cô bé đó, bởi vì cô bé rõ ràng có khả năng thấu hiểu cảm giác của người khác một cách đáng kinh ngạc. Sự đồng cảm là một món quà quý giá. Tôi khuyến khích bạn thực hành và chia sẻ nó qua mọi cơ hội bởi vì nó giúp xoa dịu cả nỗi đau của người cho cũng như người nhận.
Khi bạn phải đƣơng đầu với những khó khăn, bi kịch hoặc thách thức, thay vì chỉ chú ý đến những đau đớn, bất hạnh của bản thân, hãy nhìn ra những ngƣời sống xung quanh bạn và nhìn ra cuộc đời. Thay vì cảm thấy bị tổn thương và tìm kiếm sự thương hại, hãy tìm một người nào đó kém may mắn hơn, đang phải chịu đựng nhiều hơn mình và giúp họ chữa lành vết thương. Hãy hiểu rằng nỗi sầu khổ và đau buồn của bạn là chính đáng, nhưng chịu đựng đau khổ là một phần của cuộc sống con người và việc tìm đến để chia sẻ với người khác là cách để hàn gắn vết thương cho chính bản thân bạn cũng như cho người khác.
Bạn tôi, Gabe Murfitt, hiểu rõ điều này như bất cứ ai. Chúng tôi gặp nhau khi tôi đến diễn thuyết tại bữa tiệc tối gây quỹ từ thiện mang tên Gather4Him ở Richland ở Washington vào năm 2009. Gabe từ khi lọt lòng mẹ đã phải chịu cảnh chân tay dị dạng. Chân và tay cậu ấy chỉ dài khoảng bảy phân. Hai ngón tay cái không có xương, và cậu còn bị khuyết tật về thính lực. Bằng cách nào đó, cậu vẫn cố gắng để trở thành một người cực kỳ năng động, có thể chơi bóng chày, bóng rổ, khúc côn cầu, nhảy dây, chơi trống, và làm nhiều việc khác.
Gabe, cậu thanh niên lớn lên gần Seattle ấy, có một tinh thần bất khuất và khả năng đồng cảm đáng quý. Sáu tuổi, Gabe chơi trong Liên đoàn bóng chày nhi đồng. Bây giờ cậu đã trở thành sinh viên của trường Đại học bang Washington. Với sự trợ giúp của bạn bè và gia đình, cậu từng chinh phục đỉnh Rainier.
Mặc dù hồi học trung học cậu gặp những thách thức riêng, cậu đã bắt đầu tìm đến những học sinh khác để khích lệ họ bằng cách thực hiện các bài nói chuyện mang tên “CLEAR” về lòng dũng cảm, khả năng lãnh đạo, sự ưu tú, thái độ và sự tôn trọng. Cậu và gia đình đã thành lập một tổ chức phi lợi nhuận để giúp đỡ người khuyết tật. Tổ chức mang tên HOPE (www.GabesHope.org) của Gabriel cấp học bổng và các khoản hỗ trợ cũng như sự khuyến khích động viên xuất phát từ sự đồng cảm phi thường của Gabe với người khuyết tật.
Bạn có thấy được sức mạnh trong thái độ đồng cảm của Gabe không? Cậu ấy không chăm chăm nghĩ đến khó khăn của bản thân mà tìm đến với những người cùng cảnh ngộ. Cậu đã biến thách thức nảy sinh từ những khuyết tật của mình thành sứ mệnh chia sẻ sự đồng cảm, làm cho cuộc sống của cậu và của vô số người khác trở nên phong phú hơn.
Tôi thường kinh ngạc trước các cách ứng xử mà mọi người dành cho khi tôi tới thăm các khu dân cư đói nghèo, nơi ở của những phận người đang chịu đựng đau khổ. Tôi luôn tìm thấy những người đàn ông, phụ nữ, những trẻ em có lòng trắc ẩn vô bờ. Cách đây không lâu, trong chuyến đi đến Campuchia, tôi vội vã quay về khách sạn sau một buổi diễn thuyết kéo dài ở một nơi rất nóng bức và ẩm thấp khiến tôi cảm thấy muốn ngất xỉu. Tôi chỉ muốn tắm một cái và ngủ một hoặc hai ngày trong phòng có điều hòa nhiệt độ.
“Nick, trước khi đi, cậu làm ơn nói chuyện với đứa trẻ này, được không?”, người tổ chức buổi gặp gỡ nói. “Đứa trẻ này đã đợi cậu ở bên ngoài cả ngày nay”.
Cậu bé đó, ít tuổi hơn tôi, đang đứng một mình trong bụi đất. Ruồi bay vo ve xung quanh cậu như một đám mây. Cậu có một vết thương sâu, sưng tấy ở trên đầu. Một bên mắt của cậu dường như lồi ra. Người cậu tỏa ra mùi hôi hám cùng với mùi của vết thương. Tuy nhiên, đôi mắt cậu tràn ngập lòng trắc ẩn, tràn ngập tình yêu mến và sự cảm thông – dành cho tôi – đến mức tôi chẳng cảm thấy ngần ngại mà ngược lại, hoàn toàn thoải mái khi tiếp xúc.
Cậu bước tới gần tôi và khẽ đặt đầu cậu sát má tôi, cố vuốt ve, an ủi tôi. Vẻ ngoài của cậu cho thấy dường như nhiều ngày rồi cậu không ăn gì. Cậu có vẻ như là một đứa trẻ mồ côi phải chịu đựng rất nhiều đớn đau. Tuy nhiên, cậu muốn bày tỏ sự đồng cảm đối với những gì cậu hình dung rằng tôi đã và đang phải chịu đựng. Cậu làm tôi cảm động đến rớt nước mắt.
Tôi hỏi những người tổ chức rằng liệu chúng tôi có thể làm gì cho cậu bé đó, và họ hứa sẽ lo liệu để cậu được ăn uống, được chăm sóc và sẽ thu xếp chỗ ngủ cho cậu, nhưng sau khi cảm ơn cậu bé để ra xe, tôi quả thực không cầm được nước mắt. Suốt thời gian còn lại của ngày hôm đó, tôi không thể nào suy nghĩ mạch lạc được. Tôi không thể không suy nghĩ về thực tế rằng cậu bé ấy, người mà tôi cảm thấy thương xót, lại không nghĩ đến những gì bản thân cậu đang phải chịu đựng mà lại dành lòng trắc ẩn cho tôi.
Tôi không biết cậu đã phải trải qua những gì, cũng không biết cậu phải đối mặt với khó khăn nào trong cuộc sống. Nhưng tôi có thể nói với bạn điều này: thái độ của cậu thật phi thường bởi vì, bất chấp mọi rắc rối của mình trong cuộc sống, cậu vẫn có khả năng tìm đến để sẻ chia và an ủi người khác. Thật là một món quà tuyệt vời khi có được sự đồng cảm và lòng trắc ẩn lớn lao như thế!
Khi bạn cảm thấy mình là nạn nhân của những điều không may mắn hoặc cảm thấy thương hại bản thân, tôi khuyến khích bạn điều chỉnh thái độ để đạt được sự đồng cảm. Hãy tìm đến với những người đang gặp khó khăn. Hãy chìa tay ra giúp đỡ họ. Hãy làm một người tình nguyện tại một nơi tạm trú dành cho người vô gia cư. Hãy làm một người hướng dẫn hoặc một cố vấn cho những ai cần bạn. Hãy để cho sự tức giận, đau đớn, buồn khổ của bản thân giúp bạn thấu hiểu nỗi đau của người khác để rồi chia sẻ và xoa dịu nỗi đau cho chính bản thân bạn và cho họ.