Ốc sau khi kích thích sinh sản sẽ được cho vào bể đẻ có bổ sung giá thể làm vật bám cho ốc đẻ. Kết quả kích thích sinh sản ốc đĩa được trình bày trong bảng sau:
Bảng 3.3: Kết quả kích thích sinh sản ốc đĩa Phương pháp kích thích Số bọc trứng Số phôi/bọc SSS thực tế (bọc trứng/ốc cái) Tỷ lệ thụ tinh (%) Tỷ lệ nở (%) Sốc nhiệt + thay nước 210 ± 7,1a 98,6 ± 4,1a 4,2 ± 0,14a 94,0 ± 3,6a 80 ± 2,5a
Sốc nhiệt + Tia cực tím 235 ± 5,5b 92,3 ± 2,5a 4,7 ± 0,11b 90,6 ± 2,1a 80 ± 0,5a
Sốc nhiệt + H2O2 239 ± 2,6b 93,7 ± 2,5a 4,8 ± 0,05b 93,6 ± 1,5a 81 ± 2,0a
Trung bình 228 ± 15,7 94,9 ± 3,3 4,6 ± 0,3 92,7 ± 1,9 80 ± 0,7
Bảng 3.3 cho thấy, đối với cả 3 phương pháp kích thích ốc đều sinh sản với số lượng bọc trứng trung bình là 228 ± 15,7 (bọc trứng/đợt); Tuy nhiên, có sự sai khác có ý nghĩa thống kê về số lượng bọc trứng và sức sinh sản thực tế của ốc đĩa trong từng nghiệm thức thí nghiệm (p<0,05). Số lượng bọc trứng của ốc đĩa trong thí nghiệm kích thích sinh sản bằng sốc nhiệt kết hợp thay nước là thấp nhất (trung bình 210 ± 7,1 bọc trứng/đợt) so với phương pháp kích thích sinh sản bằng sốc nhiệt kết hợp chiếu tia cực tím (235 ± 5,5 bọc trứng/đợt) và sốc nhiệt kết hợp với ngâm trong dung dịch ôxy già (239 ± 2,6 bọc trứng/đợt).
Đối với phương pháp kích thích sinh sản bằng sốc nhiệt kết hợp ngâm trong dung dịch ôxy già thì số lượng bọc trứng thu được là lớn nhất (trung bình 239 ± 2,6 bọc trứng/đợt), tuy nhiên kết quả này không có sự sai khác có ý nghĩa thống kê so với phương pháp kích thích bằng sốc nhiệt kết hợp với chiếu tia cực tím (trung bình 235 ± 5,5 bọc trứng/đợt). Tương tự, sức sinh sản thực tế của ốc đĩa đạt giá trị lớn nhất là 4,8 ± 0,05 bọc trứng/ốc cái/đợt khi kích thích sinh sản bằng phương pháp sốc nhiệt kết hợp ngâm trong dung dịch H2O2 và thấp nhất là 4,2 ± 0,14 bọc trứng/ốc cái/đợt khi kích thích sinh sản bằng phương pháp sốc nhiệt.
Hình 3.6: Vệ sinh ốc đĩa bố mẹ trước khi kích thích sinh sản
Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy, số lượng phôi của ốc đĩa đạt trung bình 94,9 ± 3,3 phôi/bọc trứng và có giá trị lớn nhất ở nghiệm thức kích thích bằng sốc nhiệt kết hợp thay nước (98,6 ± 4,1 phôi/bọc trứng) và thấp nhất khi sử dụng phương pháp kích thích sốc nhiệt kết hợp chiếu tia cực tím (92,3 ± 2,5 phôi/bọc trứng). Tuy nhiên, không có sự sai khác có ý nghĩa thống kê về các giá trị này trong cả 3 nghiệm thức thí nghiệm trên (p>0,05).
Hình 3.7: Hệ thống đèn tia cực tím dùng để kích thích sinh sản ốc đĩa
Do ốc đĩa là loài thụ tinh trong nên khi ốc đẻ trứng ra ngoài môi trường thì trứng đã được thụ tinh, do đó, tỷ lệ thụ tinh của trứng ốc đĩa là rất cao, trung bình là 92,7 ± 1,9% (Bảng 3.3). Mặc dù có sự khác nhau về tỷ lệ thụ tinh của trứng trong các nghiệm thức thí nghiệm, tuy nhiên sự sai khác này là rất nhỏ và không có ý nghĩa thống kê (p>0,05). Tương tự, do phôi ốc đĩa phát triển và trải qua các giai đoạn phân cắt trong bọc trứng, tách biệt với môi trường bên ngoài nên tỷ lệ nở là rất cao (trung bình 80 ± 0,7 %). Tuy nhiên, việc xác định tỷ lệ nở của trứng ốc đĩa trong quá trình thực hiện nội dung nghiên này gặp nhiều khó khăn do thời gian phân cắt trứng, phát triển phôi của ốc đĩa rất dài và không cùng thời điểm mặc dù những bọc trứng đẻ trong cùng một đợt kích thích sinh sản.
Mặc dù cùng có hình thức sinh sản tương tự nhau (thụ tinh trong, đẻ trứng trong bọc) nhưng sức sinh sản thực tế của ốc đĩa khi so sánh với ốc hương là nhỏ hơn nhiều lần (sức sinh sản thực tế của ốc hương là 38 bọc trứng/ốc cái/lần đẻ) và số lượng trứng/bọc trứng của ốc hương (743 trứng/bọc) cũng lớn hơn nhiều lần so với ốc đĩa trong nghiên cứu này (Nguyễn Thị Xuân Thu và cộng sự, 2000). Điều này có thể được giải thích là do có sự khác nhau về kích thước và khối lượng của đàn bố mẹ giữa 2 loài ốc này.
Quan sát hình dạng và vị trí của bọc trứng ốc đĩa sau khi ốc đẻ cho thấy, ốc đĩa là loài động vật chân bụng có tập tính sinh sản có nhiều điểm khác biệt so với các loài động vật chân bụng khác đã được nghiên cứu như ốc hương, ốc nhảy. Ốc đĩa chỉ đẻ trứng vào ban đêm, trứng đẻ ra được nằm trong bọc bám dính trên giá thể ở những vị trí có bề mặt thô giáp và tối màu, đặc biệt ốc có xu hướng ưa đẻ trứng bám dính vào các vị trí góc, cạnh hoặc các vị trí gồ ghề của giá thể. Bọc trứng của ốc đĩa khi mới đẻ mặt trên có màu trắng, dạng hình cầu lồi, mặt dưới phẳng bám vào giá thể và trong suốt. Kết quả quan sát trên kính hiển vi cho thấy, vỏ bọc trứng của ốc đĩa có cấu tạo gồm nhiều tinh thể hình cầu có kích thước khác nhau, bao bọc bên trong gồm có phôi bào và dung dịch chất dinh dưỡng. Theo thời gian, cùng với sự phát triển của phôi thì mặt trên của bọc trứng của ốc đĩa căng phồng lên và đạt kích thước tối đa ở giai đoạn ấu trùng quay Trochophora (ấu trùng điểm mắt), lúc này ấu trùng di chuyển quay tròn trong bọc trứng và chuẩn bị thoát ra ngoài môi trường.
Hình 3. 10: Hình dạng bọc trứng ốc đĩa (độ phóng đại x40) (A: Mặt dưới; B: Mặt trên)