Kỹ thuật chăm sóc và quản lý bể nuôi

Một phần của tài liệu Nghiên cứu kỹ thuật nuôi thành thục, cho đẻ và theo dõi quá trình phát triển phôi, ấu trùng của ốc đĩa (nerita balteata reeve, 1855) tại quảng ninh (Trang 28 - 31)

Do ốc đĩa là loài ưa cạn nên trong quá trình nuôi vỗ, các giá thể là đá tảng, vỏ hầu và khay nhựa được sử dụng để làm vật bám cho ốc. Kết quả nghiên cứu cho thấy, ốc đĩa thường bám vào vật bám hoặc thành bể ở ngay phía trên mép nước và thường tập trung thành từng cụm. Ốc thường nằm im trong khoảng thời gian ban ngày và chỉ di chuyển để bắt mồi hay kết cặp giao phối trong khoảng thời gian từ chập tối tới sáng sớm ngày hôm sau.

Hình 3.1: Bể nuôi vỗ ốc đĩa bố mẹ

Trong quá trình nuôi vỗ, 3 loại thức ăn là tảo bám loài Navicula sp., tảo khô dạng phiến và rong câu tươi được sử dụng kết hợp để làm thức ăn cho ốc. Tảo bám Navicula sp. được nuôi sinh khối trong thùng nhựa 220 lít và bể composite 2m3, vật bám sử dụng là các miếng nylon có kích thước 1,0 x 1,0 m. Rong câu tươi (Gracilaria sp) được mua về và nuôi giữ trong thùng nhựa để cho ốc ăn hàng ngày.

Hình 3.2: Rong câu tươi, tảo khô và tảo bám làm thức ăn cho ốc đĩa bố mẹ

Tảo bám được cho ốc ăn hàng ngày theo nhu cầu của ốc, các miếng tảo bám được cho thẳng vào bể nuôi vỗ ốc vào buổi sáng, ốc đĩa bò trực tiếp lên trên miếng vật bám để ăn tảo. Khi thấy mầu tảo trên miếng vật bám mờ đi, sẽ tiến hành thay miếng vật bám có cấy tảo mới. Trong khi đó, rong câu tươi và tảo khô dạng phiến được sử dụng để cho ốc ăn vào buổi chiều với khẩu phần khoảng 5% khối lượng thân.

Hình 3.3: Thức ăn tảo bám (Navicula sp.) trong quá trình nuôi thành thục ốc đĩa

Đối với 3 loại thức ăn sử dụng trong quá trình nuôi vỗ thì tảo bám là loại thức ăn mà ốc đĩa sử dụng nhiều nhất, sau đó đến thức ăn là rong câu tươi, còn tảo khô dạng phiến thì ít được ốc sử dụng. Điều này có thể được giải thích là do tảo bám là loại thức ăn chính của ốc đĩa ngoài tự nhiên, bên cạnh đó do tảo bám được nuôi cấy vào những miếng vật bám là túi nylon do đó rất thuận lợi cho ốc khi vừa sử dụng làm giá thể bám vừa có sẵn thức ăn trên đó. Đối với rong câu tươi và tảo khô dạng phiến, khi cho ăn phải thả hẳn vào trong bể do đó, cũng gây khó khăn cho ốc khi sử dụng, đặc biệt là tảo khô dạng phiến thường hay tan trong bể làm cho ốc khó có thể bắt mồi được.

Hình 3.4: Thức ăn rong câu tươi trong quá trình nuôi thành thục ốc đĩa

Trong quá trình nuôi thành thục, ốc đĩa có hiện tượng kết cặp giao phối. Hiện tượng này chỉ xảy ra vào buổi tối, khi đó ốc sẽ bám vào giá thể hoặc thành bể theo cặp chồng lên nhau. Hiện tượng kết cặp giao phối thường xẩy ra trước khi ốc sinh sản.

Hình 3.5: Ốc đĩa kết cặp giao phối trong quá trình nuôi vỗ

Một phần của tài liệu Nghiên cứu kỹ thuật nuôi thành thục, cho đẻ và theo dõi quá trình phát triển phôi, ấu trùng của ốc đĩa (nerita balteata reeve, 1855) tại quảng ninh (Trang 28 - 31)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(48 trang)