B. NỘI DUNG
2.1. Khái quát về các trường Trung học cơ sở và đội ngũ giáo viên các trường
trường Trung học Cơ sở trên địa bàn huyện Hòn đất, tỉnh Kiên Giang hiện nay
2.1.1. Các trường Trung học Cơ sở trên địa bàn huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang
2.1.1.1. Khái quát đặc điểm huyện Hòn đất, tỉnh Kiên giang
Huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang nằm trong vùng tứ giác Long Xuyên, có diện tích tự nhiên gần 104.000 ha với 80% đất trồng lúa. Vị trí của huyện: phía Tây Nam giáp vịnh Thái Lan, phía Tây Bắc giáp huyện Kiên Lương, phía Đông Nam giáp thành phố Rạch giá, phía Đông giáp huyện Tân Hiệp, Đông Bắc giáp huyện Thoại Sơn (tỉnh An Giang). Trên địa bàn huyện, có Khu Di tích Lịch sử thắng cảnh Ba Hòn cấp quốc gia (gồm Hòn Đất, Hòn Me và Hòn Quéo), nơi có khu mộ nữ anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Phan Thị Ràng (Chị Sứ). Địa bàn của huyện rộng, có hệ thống sông ngòi chằng chịt, nhân dân sống chủ yếu bằng nghề nông, nuôi trồng và đánh bắt hải sản, khai thác đá, sản xuất lò đất và các dịch vụ khác.
Toàn huyện được chia thành 14 đơn vị hành chính (12 xã và 02 thị trấn) với 87 ấp, khu phố và 1.009 tổ nhân dân tự quản, dân số là 174.220 người, trong đó dân tộc kinh 150.602, dân tộc Khmer 22.309, dân tộc Hoa 1.111 người, còn lại là các dân tộc khác 198;
Tổng số biên chế hành chính là 101 người, biên chế các đơn vị sự nghiệp là: 68 người; biên chế sự nghiệp giáo dục là 1.996 người; công chức xã, thị trấn là 760 người; Đảng bộ huyện Hòn Đất có 52 chi, đảng bộ cơ sở với 3.600 đảng viên.
Từ những năm 1980, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang là một huyện có truyền thống lâu đời về sản xuất nông nghiệp, cả huyện chỉ có hơn 20.000ha lúa mùa, phát
triển chậm và gặp nhiều khó khăn. Cơ sở hạ tầng yếu kém, các tuyến đường giao thông nông thôn đều bị ngập từ 2-3 tháng vào mùa lũ, mỗi xã chỉ có 3 đến 5 phòng học, cả huyện chỉ có 1 trường Trung học phổ thông, đa số các xã không có trạm y tế. Cơ sở vật chất kỹ thuật của huyện còn yếu kém, chỉ có 40% hộ sử dụng điện lưới Quốc gia, 100% hộ sử dụng nước sông. Đời sống nhân dân gặp rất nhiều khó khăn, mặt bằng dân trí thấp; đa số lao động không có tay nghề, thiếu việc làm, thu nhập không ổn định.
Đến nay, huyện Hòn Đất đã không ngừng phát triển, cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, chuyển đổi cây trồng vật nuôi, thành lập vùng chuyên canh sản xuất lúa chất lượng cao với sản lượng rất lớn, năng suất bình quân năm 2015 đạt 6,31 tấn/ha. Sản xuất nông nghiệp phát triển khá toàn diện cả trồng trọt và chăn nuôi. Lương thực bình quân đầu người năm 2014 đạt 5.962 kg/người; Sản xuất công nghiệp liên tục tăng với tốc độ cao. Năm 2014, giá trị sản xuất công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp đạt 1.185 tỷ đồng; Thu ngân sách Nhà nước năm 2015ước đạt 80 tỷ đồng.
Với vị trí địa lý, kinh tế là vùng trọng điểm lúa gạo của vùng Tứ giác Long Xuyên, huyện Hòn Đất còn nằm trên trục giao thông huyết mạch của đường hành lang ven biển phía Nam đang được Chính phủ xây dựng, sẽ mở ra cơ hội giao thương toàn vùng và quốc tế. Hòn Đất là điểm trung tâm của “tam giác” phát triển Du lịch biển và thương mại dịch vụ Rạch Giá - Phú Quốc - Hà Tiên của tỉnh Kiên Giang.
Thời gian qua, huyện đã quan tâm thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, chăm lo cho các gia đình chính sách, người có công, đồng bào dân tộc Khmer, gia đình khó khăn, hộ nghèo… Tăng cường công tác tư vấn, giới thiệu việc làm, tăng cường liên kết đào tạo, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề 40% năm 2015.
Sự nghiệp giáo dục tiếp tục phát triển, đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục được tăng cường cả về số lượng và chất lượng. Chất lượng, hiệu quả giáo dục có nâng lên, tỷ lệ học sinh lên lớp, tốt nghiệp các cấp học, trúng tuyển đại học, cao đẳng hàng năm đều tăng, học sinh bỏ học giảm. Huy động trẻ 6-14 tuổi đến trường đạt 98,14%. Đẩy mạnh giáo dục định hướng nghề nghiệp, phân luồng học sinh sau trung học cơ sở và trung học phổ thông. Công tác chống mù chữ cho người lớn tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở tiếp tục được duy trì, chất lượng nâng lên, triển khai thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, phong trào khuyến học, khuyến tài được đẩy mạnh và đạt nhiều kết quả tích cực.
Cơ sở vật chất được tăng cường đầu tư, mạng lưới trường lớp phát triển đến vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc đáp ứng được sự huy động học sinh trong độ tuổi đến. Đặc biệt, phong trào xã hội hóa giáo dục tiếp tục được đẩy mạnh và ngày càng phát huy hiệu quả. Điều kiện cơ sở vật chất được trang bị khá đầy đủ, các trường trong huyện tập trung thực hiện đổi mới phương pháp giảng dạy, tăng cường kiểm tra, thanh tra nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục. Các hoạt động phong trào trong nhà trường như Đoàn-Đội, thể dục thể thao, văn hóa văn nghệ được đáp ứng từ đó thúc đẩy phong trào thi đua dạy và học. Các hoạt động đều phải gắn liền với công tác giảng dạy, từ đó nhằm phát huy truyền thống tốt đẹp, cao quý của ngành giáo dục, “Mỗi thầy cô giáo là tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” cho các em học sinh noi theo, rèn luyện cho các em học sinh có ý thức tự học trong học tập và tu dưỡng đạo đức.
Với những năm tháng chiến tranh trường kỳ và gian khổ, Đảng bộ và quân dân Hòn Đất đã ghi nên những trang sử vàng chói lọi. Không ít người con của Hòn Đất đã hy sinh xương máu cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Toàn huyện có 89 bà mẹ Việt Nam anh hùng, 04 anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, 852 liệt sĩ, 402 thương binh trong kháng chiến. Mỗi địa danh Hòn Đất còn in dấu nhiều chiến công để các thế hệ sau ghi nhớ. Để ghi nhận những thành tích của quân và dân Hòn Đất
trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, Đảng và nhà nước đã phong tặng cho địa phương danh hiệu cao quý – Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
2.1.1.2. Đặc điểm các trường Trung học Cơ sở ở huyện Hòn đất, tỉnh Kiên Giang
Huyện Hòn Đất có 70 trường (06 trường Trung học phổ thông, 17 trường Trung học cơ sở, 28 trường Tiểu học, 14 trường Mẫu giáo, 05 trường Mầm non tư dân lập); các trường THCS trong huyện đang tập trung thực hiện đổi mới phương pháp dạy học, tăng cường kiểm tra, thanh tra nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục. Làm tốt công tác quản lý học sinh, đẩy mạnh công tác giáo dục tư tưởng, giáo dục thể chất. Thực hiện đồng bộ các giải pháp để khắc phục hiện tượng học sinh ngồi nhầm lớp, giảm tỷ lệ học sinh yếu kém và học sinh bỏ học, tăng dần tỷ lệ học sinh khá, giỏi. Nâng cao chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, giáo viên và học sinh. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để đổi mới phương pháp dạy và học.
Những năm gần đây, các trường THCS trong huyện Hòn Đất tiếp tục triển khai có hiệu quả, sáng tạo các cuộc vận động và các phong trào thi đua do ngành giáo dục phát động như tập trung làm tốt việc duy trì tỷ lệ và nâng dần chất lượng chuẩn phổ cập THCS hàng năm, tham gia thực hiện tốt cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, thực hiện cuộc vận động chống bệnh thành tích và bệnh tiêu cực trong giáo dục, thực hiện “mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo” và tổ chức “xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, xây dựng Trường học đạt chuẩn quốc gia ..., từ đó đã tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức trong toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên nâng cao tinh thần trách nhiệm, phát huy ý chí tự lực, tự cường, đoàn kết nhất trí, tạo thành sức mạnh tổng hợp hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Các trường THCS đều có Chi bộ Đảng riêng, có 348/718 đảng viên, hàng năm hầu hết chi bộ các trường đều đạt danh hiệu trong sạch vững mạnh, xứng đáng là vai trò là hạt nhân lãnh đạo trong toàn bộ hoạt động của các nhà trường. Các tổ chức trong nhà trường như Công đoàn, đoàn thanh niên, Đội thiếu niên, Hội cha mẹ học sinh đều hoạt động tích cực, góp phần cùng nhà trường hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Trong những năm qua, các trường THCS đã quan tâm xây dựng được đội ngũ giáo viên tương đối đồng đều về chuyên môn, nghiệp vụ. Hàng năm, các trường đều tổ chức Hội thi giáo viên giỏi cấp trường, tham gia cấp huyện, tỉnh đạt thành tích cao.
Bên cạnh đó các trường luôn tạo điều kiện cho CBGV đi học tập để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và nâng cao lý luận chính trị, đến nay đã có 100% CBGV có trình độ chuyên môn đạt chuẩn và trên chuẩn.
Nhìn chung, các trường THCS ở huyện Hòn đất, tỉnh Kiên Giang có khuôn viên khá khang trang sạch đẹp, cơ sở vật chất đầy đủ trang thiết bị dạy học được đầu tư đáp ứng được với việc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông. Đặc biệt là sự nghiệp giáo dục của nhà trường luôn có được sự quan tâm sâu sắc của toàn xã hội và cha mẹ học sinh; đa số người dân có nhận thức đúng đắn về giáo dục, đã quan tâm đến giáo dục con em.
Đội ngũ giáo viên đoàn kết, có ý thức quyết tâm phấn đấu vươn lên. Học sinh ngoan, có nề nếp, có ý thức tốt trong rèn luyện và học tập.
Tuy nhiên, trong thời gian qua các trường THCS ở huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang cũng còn một số hạn chế yếu kém cần phải khắc phục như: tỉ lệ học sinh bỏ học còn cao so với yêu cầu, chất lượng học tập của học sinh tuy có được nâng lên nhưng vẫn còn thấp. Một số trường là chưa có nhiều giáo viên lành nghề trong giảng dạy, chưa có kinh nghiệm trong công tác ôn thi học sinh giỏi; một bộ phận học sinh chưa có động lực cho việc học, một số phụ huynh còn phó thác hoàn toàn
việc giáo dục con em cho nhà trường. Là địa phương có mặt bằng dân trí thấp, một số trường thuộc vùng có đông đồng bào dân tộc Khmer, đại đa số là học sinh con em nông dân nghèo sống chủ yếu bằng nghề nông và làm mướn nên ý thức về việc học tập hạn chế.
2.1.2. Đội ngũ giáo viên các trường Trung học Cơ sở trên địa bàn huyện Hòn đất, tỉnh Kiên Giang
Về số lượng và chất lượng
Đến tháng 4/2015, đội ngũ giáo viên THCS ở huyện Hòn Đất có : 718 người, chia ra:
Cán bộ quản lý:
Tổng số : 42, trong đó nữ : 16, tỷ lệ : 38,1% Trình độ chuyên môn trên chuẩn 42 (100%)
Đảng viên 41, tỷ lệ 96,7%; trong đó nữ 16, tỷ lệ 38,1% Trình độ lý luận chính trị: Trung cấp 25 Tỷ lệ 59,5% Sơ cấp 06 Tỷ lệ 14% Giáo viên: Tổng số : 616, trong đó nữ : 395, tỷ lệ : 64,12%
Trình độ chuyên môn: Đạt chuẩn 69 (11,2%), trên chuẩn 535 (86,9%) Đảng viên 307, tỷ lệ 49,8%
Trình độ lý luận chính trị:
Trung cấp 04 Tỷ lệ 0,64% Sơ cấp 157 Tỷ lệ 25,5% Trong đó:
Tổng phụ trách Đội: Tổng số : 17 (nữ 06, tỷ lệ 35,3%), trong đó chuyên trách 17% (100%); trình độ chuyên môn: đạt chuẩn 05 (29,5%) trên chuẩn 12 (70,5%).
Giáo viên dạy môn giáo dục công dân: Tổng số: 17 (nữ 12, tỷ lệ 70,6%),; trình độ chuyên môn: đạt chuẩn 05 (29,5%) trên chuẩn 12 (70,5%).
Nhân viên : Tổng số 60, chia ra:
Văn phòng: 09 (trong đó trình độ Đại học 02, Cao đẳng 05, Trung cấp 02) Kế toán: 17(trong đó trình độ Đại học 03, Cao đẳng 08, Trung cấp 06) Thiết bị: 15 (trong đó trình độ Đại học 10, Cao đẳng 05)
Thư viện: 12 (trong đó trình độ Đại học 08, Cao đẳng 04) Y Tế: 07 (trong đó trình độ Trung cấp 07)
Độ tuổi của cán bộ, giáo viên THCS:
Dưới 30 tuổi 216 Tỷ lệ 31,5% Từ 30 đến dưới 50 473 Tỷ lệ 65,9% Từ 50 đến dưới 60 29 Tỷ lệ 4,03%
Nhận xét chung về đội ngũ giáo viên Trung học Cơ sở ở huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang
Mặt mạnh:
Nhìn chung các trường THCS ở huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang đều có đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy nội lực, ý thức tự lực tự cường, đoàn kết nhất trí, tạo thành sức mạnh tổng hợp hoàn thành nhiệm vụ được giao. Phần đông, đội ngũ giáo viên THCS ở huyện Hòn Đất có trình độ chuyên môn đạt chuẩn theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo; cán bộ quản lý đang được từng bước chuẩn hóa về trình độ lý luận chính trị (25/42 có trình độ trung cấp lý luận chính trị), nghiệp vụ quản lý. Các trường THCS trong huyện đã có quan tâm và tạo điều kiện để giáo viên học tập nâng cao trình độ chuyên môn, tất cả các giáo viên chủ động học tập thông qua bồi dưỡng, tự bồi dưỡng, tự nghiên cứu, dự giờ thăm lớp lẫn nhau để nâng cao tay nghề, phục vụ tốt cho công tác giảng dạy trong tình hình mới.
Trong những năm qua, thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, cuộc vận động “Hai không” trong giáo dục với bốn nội dung là “Nói không với tiêu cực trong thi cử, bệnh thành tích trong giáo dục, vi phạm đạo đức nhà giáo và học sinh ngồi nhầm lớp”, cuộc vận động “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo”, phong trào xây dựng “trường học thân thiện, học sinh tích cực”…đặc biệt là thực hiện Nghị quyết TW 4 (khóa XI) “Một số vấn đề về xây dựng Đảng hiện nay”, đội ngũ cán bộ giáo viên toàn huyện Hòn Đất nói chung và giáo viên THCS của huyện nói riêng luôn chấp hành nghiêm túc đường lối của Đảng và chính sách pháp luật của nhà nước, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, tận tụy, sáng tạo, có ý thức tổ chức kỷ luật, có đạo đức, lối sống lành mạnh, tích cực học tập, rèn luyện, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, kiên định trước khó khăn, thách thức, không ngừng tham gia học tập nâng cao năng lực chuyên môn, nhận thức chính trị, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của xã hội. Giữ gìn tư cách đạo đức, nhân cách và hình mẫu mô phạm của người thầy; nghiêm túc chấp hành quy chuẩn đạo đức nghề nghiệp. Điều này đã tạo nên sức mạng tổng hợp trong việc giáo dục chính trị tư tưởng, xây dựng đội ngũ giáo viên thực sự là tấm gương sáng về nhân cách đạo đức cho học sinh học tập và noi theo, góp phần giáo dục nhân cách toàn diện cho học sinh.
Nhìn chung, đội ngũ giáo viên THCS huyện Hòn đất, tỉnh Kiên Giang về cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu giảng dạy trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước hiện nay. Đa số giáo viên đã nhận thức được vai trò quan trọng của mình đối với việc nâng cao chất lượng đào tạo và đổi mới phương pháp giảng dạy, Đa phần giáo viên ở độ tuổi từ 30 đến dưới 50 tuổi (473/718 chiếm tỷ lệ 65,9%) để có thể cống hiến cho nghề và có ý thức tự học, tự bồi dưỡng trau dồi chuyên môn nghiệp vụ. Hàng năm, đội ngũ giáo viên các trường THCS ở huyện Hòn Đất đều tham gia và đạt nhiều thành tích khích lệ trong phong trào thi đua của ngành.
Bên cạnh những ưu điểm mà đội ngũ giáo viên THCS ở huyện Hòn đất, tỉnh Kiên Giang đạt được vẫn còn một số hạn chế khuyết điểm như: Do xuất phát điểm của giáo dục huyện Hòn Đất chậm so với các vùng lân cận, giáo viên trước đây chủ yếu là do tăng cường của các tỉnh bạn, đào tạo cấp tốc, chủ yếu là vừa dạy vừa học, từ đó vẫn còn một bộ phận nhỏ giáo viên vẫn còn hạn chế về năng lực, không tự giác học tập để nâng cao năng lực sư phạm đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ giáo dục.