Từ những năm được thành lập và đi vào hoạt động đến nay, BHTG Việt Nam có những hạn chế thể hiện trên những vấn đề như sau:
2.3.1.1.Về tính pháp lý:
Các quốc gia trên thế giới, khi tổ chức bảo hiểm tiền gửi được thành lập và đi vào hoạt động thì đã có luật điều chỉnh ngay, trong khi đó, văn bản pháp lý cao nhất điều chỉnh lĩnh vực hoạt động BHTG ở Việt Nam mới ở mức nghị định (Nghị định 89 và Nghị định 109 của Chính phủ). Vì thiếu một
khung pháp lý vững chắc điều chỉnh lĩnh vực hoạt động BHTG nên phần nào đã làm hạn chế BHTG Việt Nam thực hiện các chức năng, nhiệm vụ vốn có của một tổ chức BHTG theo thông lệ quốc tế. Như chúng ta đã biết, mục tiêu chính của BHTG là bảo vệ người gửi tiền và góp phần duy trì an toàn cho hoạt động kinh doanh của ngân hàng, nhằm thực hiện mục tiêu này BHTG Việt Nam cần có các cơ sở pháp lý được thể hiện ở ba vấn đề được qui định tại Nghị định của Chính phủ như sau:
- Tư cách là chủ nợ khi chi trả tiền gửi được bảo hiểm;
- Quy định phải tham gia thanh lý tài sản tại đơn vị được BHTG Việt Nam chi trả tiền gửi được bảo hiểm;
- Quy định được nhận lại tiền chi trả từ nguồn thanh lý tài sản của đơn vị được BHTG Việt Nam chi trả theo trật tự ưu tiên được qui định;
Trong thực tế ba vấn đề nói trên chưa được các văn bản pháp qui thể hiện một cách rõ ràng và thống nhất.
Vấn đề qui định tư cách chủ nợ khi BHTG Việt Nam chi trả tiền gửi: tại Nghị định 89/1999/NĐ-CP qui định “khi tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền có văn bản chấm dứt hoạt động và tổ chức đó mất khả năng thanh toán, tổ chức bảo hiểm tiền gửi có trách nhiệm chi trả tiền gửi được bảo hiểm của người gửi tiền tại tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi...”. Tại điều 20 của Nghị định này qui định “trường hợp tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi bị phá sản, thì tổ chức bảo hiểm tiền gửi trở thành chủ nợ đối với tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi đó với số tiền mà tổ chức bảo hiểm tiền gửi đã chi trả cho người gửi tiền”. Thực tế trong lĩnh vực ngân hàng có nhiều đơn vị bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền ra quyết định chấm dứt hoạt động, do mất khả năng thanh toán, thì không có nghĩa là tổ chức đó bị phá sản. Tính đến 30/01/2008, BHTG Việt Nam đã chi trả tiền gửi được bảo hiểm cho 35 đơn vị bị mất khả năng chi trả và bị chấm dứt hoạt động
nhưng việc xác định tư cách chủ nợ của BHTG Việt Nam thật sự không rõ ràng, mặt khác các đơn vị này vẫn không phải là tổ chức tuyên bố bị phá sản.
Vấn đề qui định vị trí của BHTG Việt Nam trong hội đồng thanh lý: Trong thời gian mới đi vào hoạt động, đến ngày 31/03/2003, BHTG Việt Nam đã chi trả tiền gửi được bảo hiểm cho 30 tổ chức tham gia BHTG, tuy nhiên ở giai đoạn này thì BHTG Việt Nam không hề tham gia vào quá trình thanh lý của những tổ chức này. Trong khi đó theo qui định tại Nghị định 89/1999/NĐ-CP và Thông tư số 03/2000/TT-NHNN5, khi BHTG Việt Nam chi trả tiền gửi cho tổ chức tham gia BHTG bị mất khả năng chi trả thì BHTG Việt Nam sẽ trở thành chủ nợ và được quyền tham gia quá trình thanh lý tài sản của tổ chức tham gia BHTG theo qui định của Luật phá sản, điều này trái với cách thức và thông lệ BHTG trên thế giới.
Đến ngày 21/10/2003, Ngân hàng nhà nước Việt Nam ra chỉ thị số 06/2003/CT-NHNN, theo tinh thần chỉ thị này thì BHTG Việt Nam được tham gia vào Hội đồng thanh lý của các tổ chức tham gia BHTG, tuy nhiên trên thực tế vai trò là thành viên Hội đồng thanh lý của BHTG Việt Nam chỉ mang tính hình thức, bởi vì mọi hoạt động của hội đồng này do tổ giám sát của Ngân hàng nhà nước trên địa bàn có tổ chức tín dụng bị phá sản trực tiếp điều hành, điều này cũng làm cho hiệu quả hoạt động của các hội đồng thanh lý rất kém, thời gian kéo dài.
Sự không tách bạch rõ ràng giữa công cụ tài chính và công cụ quản lý Nhà nước nên hoạt động bảo hiểm tiền gửi chưa đáp ứng được nhu cầu của các tổ chức tín dụng và người gửi tiền, vì lẽ đó đã làm cho tính chất của Bảo hiểm tiền gửi là làm giảm thiểu rủi ro cho các TCTD chỉ mang tính hình thức, chưa đáp ứng được yêu cầu bảo vệ của người gửi tiền một cách tích cực, bảo đảm sự phát triển bền vững của các tổ chức nhận tiền gửi.
Vấn đề quy định cho phép BHTG Việt Nam có quyền nhận lại số tiền đã chi trả cho tổ chức tham gia BHTG, từ nguồn thanh lý tài sản: BHTG
Việt Nam đã thực hiện trách nhiệm chi trả tiền gửi được bảo hiểm tại các tổ chức tham gia BHTG bị chấm dứt hoạt động và mất khả năng thanh toán. Tuy nhiên theo trật tự ưu tiên được qui định bởi văn bản pháp lý chưa hề nhắc đến tổ chức BHTG, điều này được thể hiện trong nội dung quy chế thu hồi giấy phép và hoạt động của QTDND và việc thanh lý QTDND dưới sự giám sát của Ngân hàng nhà nước ban hành kèm theo quyết định số 101/2000/QĐ- NHNN17, ngày 23/03/2000 qui định thanh toán cho các chủ nợ theo trật tự ưu tiên như sau:
1). Các khoản lệ phí, chi phí cho việc giải thể QTDND;
2). Các khoản tiền của Nhà nước và các TCTD khác cho vay đặc biệt dưới các hình thức cho vay, gửi tiền có mục đích nhằm hỗ trợ chi trả tiền gửi dân chúng (nếu có).
3). Các khoản tiền gửi của khách hàng;
4). Các khoản vay của QTDND khu vực, QTDND trung ương và vay của các tổ chức và cá nhân khác;
5). Các khoản nợ thuế (nếu có);
6). Trả vốn góp cho thành viên theo khả năng tài chính hiện có trên tinh thần ưu tiên trả vốn xác lập trước và bảo đảm công bằng giữa các thành viên.
Như vậy, theo những qui định trên, việc qui định chủ nợ của BHTG Việt Nam tại những qui định này là phủ định vai trò chủ nợ của BHTG Việt Nam được qui định theo Nghị định 89/1999 của Chính phủ, trong thanh toán tiền thanh lý tài sản không có qui định vị trí của BHTG Việt Nam, điều này cũng gây nên khó khăn cho BHTG Việt Nam trong việc thu hồi sau thanh lý, số tiền mà BHTG Việt Nam đã chi trả (xem hình 2.2)
Hình 2.2 - Đồ thị minh hoạ thu hồi tiền gửi được bảo hiểm tại khu vực ĐBSCL
ĐVT: nghìn đồng
Nguồn: BHTG Việt Nam CN khu vực ĐBSCL (năm 2008)
Qua số liệu trên chúng ta nhận thấy BHTG Việt Nam chi trả tiền gửi được bảo hiểm tại tỉnh Kiên Giang từ những năm 2000 số tiền là 8.703.989.000 đồng, đến tháng 06/2008 chỉ thu hồi được 1.947.074.000 đồng, việc thu hồi tiền gửi được bảo hiểm hoàn toàn không được chủ động, việc thu hồi chậm làm ảnh hưởng đến việc chi trả tiền gửi cho người gửi tiền sau thanh lý, làm cho người dân mất lòng tin vào tổ chức BHTG.