Nhóm quyền kinh tế, xã hội, văn hóa

Một phần của tài liệu Bảo vệ quyền con người trong luật hình sự theo pháp luật nước ngoài và luật quốc tế (Trang 71 - 78)

Về quyền làm việc và được hưởng những điều kiện làm việc thích đáng.

Quyền này lần đầu tiên được đề cập trong khoản 1 Điều 25 UDHR, trong đó nêu rằng, mọi người đều có quyền được hưởng một mức sống thích đáng, đủ để đảm bảo sức khoẻ và phúc lợi của bản thân và gia đình, về các khía cạnh ăn, mặc, ở, chăm sóc y tế và các dịch vụ xã hội cần thiết, cũng như có quyền được bảo hiểm trong trường hợp thất nghiệp, đau ốm, tàn phế, góa bụa, già nua hoặc thiếu phương tiện sinh sống do những hoàn cảnh khách quan vượt quá khả năng đối phó của họ. Quy định kể trên sau đó được tái khẳng định và cụ thể hóa trong Điều 11 ICESCR.

Các luật: bộ luật lao động; bộ luật hình sự; luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; luật người khuyết tật; và luật bình đẳng giới đã quy định quyền về việc làm và cơ bản đã tuân thủ các cam kết quốc tế. Tuy vậy, một số quy định pháp luật chưa thể hiện đầy đủ và toàn diện tinh thần của các công ước quốc tế. Ví dụ như, luật người khuyết tật tiếp cận người khuyết tật ở mức độ khiếm khuyết về mặt sức khỏe mà không theo cách tiếp cận của Công ước về người khuyết tật là tiếp cận về mặt xã hội. Đồng thời, khái niệm về người khuyết tật trong luật không tương thích với Công ước.

Về quyền học tập và quyền được chăm sóc sức khỏe. Hiến pháp Việt

Nam đã có những quy định tương ứng với nội dung các Điều 13, 14 ICESCR và cụ thể hóa trong luật phổ cập giáo dục tiểu học 1991, luật giáo dục 2005, luật dạy nghề 2006. Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại, ví dụ như: luật trách

nhiệm bồi thường của Nhà nước chưa quy định thiệt hại được bồi thường do vi phạm quyền học tập của công dân; luật giáo dục chỉ mới quy định phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ năm tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở nhưng chưa có quy định ưu tiên phát triển giáo dục ở vùng hải đảo; luật giáo dục đại học chưa có quy định ưu tiên phát triển giáo dục ở vùng hải đảo.

Tương ứng với nội dung Điều 12 ICESCR, Điều 38 Hiến pháp năm 2013 đã quy định rằng mọi người có quyền được bảo vệ , chăm sóc sức khỏe, bình đẳng trong việc sử dụng các dịch vụ y tế và có nghĩa vụ thực hiện các quy định về phòng bệnh, khám bệnh, chữa bệnh và nghiêm cấm các hành vi đe dọa cuộc sống, sức khỏe của người khác và cộng đồng. Quy định này được cụ thể hóa trong nhiều văn bản pháp luật, đặc biệt là luật bảo vệ sức khỏe nhân dân, luật bảo hiểm y tế v.v... Tuy nhiên, trong luật dược không quy định rõ trường hợp nào được miễn thử lâm sàng và trường hợp nào được miễn một số giai đoạn thử lâm sàng. Bên cạnh đó, quy định miễn thử lâm sàng hoặc miễn một số giai đoạn thử lâm sàng chỉ áp dụng đối với thuốc đã được lưu hành hợp pháp ít nhất 5 năm tại nước xuất xứ đã ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận thuốc của mọi người.

Về quyền được bảo trợ xã hội. Những tiến bộ trong việc đảm bảo an

sinh xã hội được thể hiện rõ qua việc xây dựng và thực hiện tốt các chính sách bảo hiểm, góp phần giảm bớt khó khăn, ổn định cuộc sống cho người dân. Việt Nam đã thiết kế các nhóm chính sách ngày càng đồng bộ hơn về phát triển thị trường lao động, thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế, giảm nghèo và hỗ trợ người dân tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản. Năm 2011 đã có trên 10,2 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội dưới các hình thức bắt buộc và tự nguyện; 52,4 triệu người tham gia bảo hiểm y tế, chiếm 63% dân số cả nước; 8,1 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Tính riêng năm 2012, cả nước có 432.356 người được hưởng trợ cấp thất nghiệp hàng tháng [45].

Đối với những nhóm xã hội cần sự trợ giúp như người nghèo hoặc cận nghèo, người dân tộc thiểu số, trẻ em dưới 6 tuổi, trong giai đoạn 2011-2012, Nhà nước đã chi 22.303 tỷ đồng (hơn 1 tỷ đô la Mỹ) để hỗ trợ mua bảo hiểm y tế. Nhờ đó, trong hai năm qua, 29 triệu lượt người nghèo, người dân tộc thiểu số được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí, người dân thuộc diện cận nghèo tham gia mua bảo hiểm y tế được hỗ trợ bằng 70% mệnh giá. Nhà nước cũng chi 11.844 tỷ đồng (trên 500 triệu đô la Mỹ) để thực hiện chính sách giảm nghèo trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo như miễn giảm học phí cho con hộ nghèo, hộ chính sách, trợ cấp học bổng, hỗ trợ tiền ăn trưa cho trẻ đến 5 tuổi. Nhờ đó, trong giai đoạn 2011-2012, đã có trên bốn triệu lượt học sinh nghèo được miễn giảm học phí, hỗ trợ điều kiện học tập và trợ cấp tiền ăn, góp phần làm giảm tỷ lệ học sinh bỏ học và tăng tỷ lệ trẻ em đến trường đúng độ tuổi [45].

Tuy nhiên, bộ luật hình sự chưa có quy định xử lý đối với hành vi vi phạm quyền được bảo đảm an sinh xã hội như hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động, đóng không đúng hạn, không đầy đủ hoặc gian lận bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của người lao động.

Về quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở và bí mật thư tín. Công ước

ICCPR quy định quyền riêng tư tại Điều 17, theo đó: i) không ai bị can thiệp một cách tuỳ tiện hoặc bất hợp pháp vào đời sống riêng tư, gia đình, nhà ở, thư tín, hoặc bị xâm phạm bất hợp pháp đến danh dự và uy tín; ii) mọi người đều có quyền được pháp luật bảo vệ chống lại những can thiệp hoặc xâm phạm như vậy.

Các quy định của pháp luật Việt Nam không chỉ ghi nhận và thể hiện sự tôn trọng các quyền bí mật thư tín, bí mật đời tư, quyền được bảo vệ danh dự, uy tín và quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở như đã trình bày ở trên mà còn đề ra các biện pháp để bảo vệ những quyền này. Các biện pháp xử phạt vi

phạm hành chính thậm chí xử lý hình sự đã được đặt ra để bảo vệ các quyền nói trên khỏi sự xâm phạm. Bộ luật hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) đã có các quy định: tội xâm phạm chỗ ở của công dân (điều 124); tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác (điều 125); tội phát tán vi rút, chương trình tin học có tính năng gây hại cho hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet, thiết bị số (điều 224); tội cản trở hoặc gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet, thiết bị số (điều 225); tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet (điều 226) … Pháp luật Việt Nam cũng đã dự liệu các quy định về phạm vi, căn cứ, trình tự, thủ tục chặt chẽ đối với những trường hợp được phép tiến hành những hành vi có khả năng ảnh hưởng đến nhóm quyền này. Việc khám người, chỗ ở, nơi làm việc, địa điểm hoặc việc thu giữ thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm tại bưu điện chỉ được tiến hành trong trường hợp luật định và tuân thủ các quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục.

Việc khám xét chỗ ở, khám xét, tạm giữ và thu giữ thư tín, điện tín, khi tiến hành tố tụng hình sự phải theo đúng quy định của bộ luật tố tụng hình sự năm 2003. (Chương XII về khám xét, thu giữ, tạm giữ và kê biên tài sản). Khi thực hiện các biện pháp bảo đảm và cưỡng chế thi hành án dân sự, những biện pháp như kê biên tài sản, nhà ở phải được thực hiện theo đúng trình tự thủ tục pháp luật quy định khi đã có bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của tòa án (Luật thi hành án dân sự năm 2008). Trường hợp kê biên nhà ở mà có người đang thuê, đang ở nhờ thì người này được thông báo và có thể được tiếp tục thuê hoặc lưu cư theo quy định của bộ luật dân sự (Điều 95 Luật thi hành án dân sự).

Như vậy, pháp luật Việt Nam về cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu của Công ước. Thậm chí có một số quy định còn có khái niệm có phạm vi rộng

hơn khái niệm được sử dụng trong công ước (khái niệm “nhân phẩm” tại Điều 71 Hiến pháp rộng hơn khái niệm “uy tín” nêu trong Công ước). Tuy nhiên, hiện nay, các quy định pháp luật chủ yếu mới dừng lại ở mức độ nguyên tắc và rải rác ở nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau.

Bộ luật hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) chỉ quy định về hành vi xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác nhưng chưa quy định hành vi xâm phạm đời sống riêng tư, gia đình, nhà ở. Điều 121 bộ luật hình sự chỉ quy định hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm ở mức độ nghiêm trọng. Bộ luật hình sự cần được tiếp tục bổ sung hoàn thiện.

Bộ luật tố tụng hình sự quy định về quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở, an toàn và bí mật thư tín, điện thoại, điện tín của công dân nhưng cũng chưa quy định về quyền không bị can thiệp đến đời sống riêng tư, gia đình. Bộ luật cũng cần làm rõ trường hợp “không thể trì hoãn” khi việc khám xét chỗ ở không có sự phê chuẩn của Viện Kiểm sát. Các quy định của bộ luật tố tụng hình sự liên quan đến việc thực hiện các lệnh khám chỗ ở, hoặc thu giữ thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm tại bưu điện cần phải được cụ thể hóa bằng các văn bản hướng dẫn làm căn cứ để các cơ quan, người có thẩm quyền áp dụng thống nhất.

Luật thi hành án dân sự cần làm rõ hơn thủ tục kê biên nhà ở trong thi hành án dân sự như thời gian thông báo trước việc kê biên nhà cho người đang cư trú, yêu cầu người đang cư trú di dời. Luật báo chí và các văn bản có liên quan cần được sửa đổi, bổ sung để đảm bảo hơn các quyền con người, đảm bảo đối với tổ chức cá nhân không bị can thiệp, xâm phạm đến đời sống riêng tư, thư tín, không bị xúc phạm đến danh dự và uy tín; sửa đổi, bổ sung quy định về cải chính trên báo chí; về những điều không được thông tin trên báo chí.

Đối với các luật chuyên ngành khác. Một là, cần hoàn thiện hơn nữa các quy định về quản lý thuê bao viễn thông cũng như chế tài xử phạt cụ thể để đảm bảo an toàn thông tin cá nhân người dùng khi đăng ký dịch vụ, không để thông tin bị rò rỉ cho các công ty phát tán tin nhắn rác để ngăn chặn tình trạng can thiệp bất hợp pháp vào đời sống riêng tư của cá nhân; Hai là, ban hành văn bản quy phạm pháp luật về quyền riêng tư của công dân, quy định rõ các hành vi can thiệp hay xâm phạm một cách bất hợp pháp đối với đời sống riêng tư, gia đình, nhà ở, thư tín của công dân; xác định rõ các trường hợp, các chủ thể có quyền khai thác thông tin về bí mật đời tư, bí mật thư tín của người khác, phạm vi khai thác, sử dụng thông tin, các chủ thể có nghĩa vụ phải cung cấp các thông tin đó. Văn bản quy phạm này có thể dẫn chiếu đến các văn bản hiện hành để tạo sự liên kết thống nhất; Ba là, ngoài ra, quyền được bảo vệ về danh dự uy tín cần được bảo vệ ở mức độ cao hơn, cần có các văn bản quy định về biện pháp bảo vệ các quyền này trong môi trường thông tin điện tử phát triển như hiện nay.

Tóm lại, có thể nhận thấy kể từ khi thực hiện chính sách đổi mới, bằng những điều chỉnh vĩ mô và các chương trình kinh tế xã hội, Việt Nam đã đảm bảo ngày càng tốt hơn đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Những kết quả này đã tạo tiền đề cần thiết cho việc thực hiện các quyền của người dân trên mọi lĩnh vực. Việt Nam được cộng đồng quốc tế ghi nhận là một trong những quốc gia đi đầu về xóa đói giảm nghèo. Đây là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ trong việc thúc đẩy các quyền con người, phù hợp với hoàn cảnh của đất nước và các Mục tiêu Thiên niên kỷ của LHQ. Việc thực hiện “Chiến lược toàn diện về tăng trưởng và xoá đói giảm nghèo” được Chính phủ thông qua vào tháng 5/2002 trên cơ sở Chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2001-2010 đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo quốc gia) trên toàn quốc từ 58,1% năm 1993 xuống còn 14,82% năm 2007 và

giúp Việt Nam trở thành một trong những quốc gia đầu tiên đạt Mục tiêu Thiên niên kỷ về xóa đói giảm nghèo. Việt Nam cũng tập trung thực hiện mạnh mẽ và đồng bộ các Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đến năm 2010 (định hướng đến 2020) và Chiến lược phát triển kinh tế xã hội đến năm 2010 (lồng ghép các Mục tiêu Thiên niên kỷ) kết hợp với cải cách hành chính sâu rộng, tăng cường triển khai quy chế dân chủ, thúc đẩy công bằng và an sinh xã hội... nhằm thúc đẩy đồng thời và hài hòa các quyền dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa của mọi người dân, phù hợp với lợi ích chung của dân tộc, của cộng đồng và những điều kiện đặc thù của đất nước. Bên cạnh đó, Việt Nam đặc biệt quan tâm đến các nhóm dễ bị tổn thương như phụ nữ, trẻ em, người dân tộc thiểu số, người khuyết tật (trong đó có các nạn nhân chiến tranh) và người nhiễm HIV/AIDS. Với mỗi nhóm đối tượng, Nhà nước đều có cơ chế, chính sách và ưu tiên cụ thể nhằm bảo vệ, hỗ trợ, tạo cơ hội cho từng nhóm phát triển và hòa nhập với đời sống xã hội. Luật phòng chống HIV/AIDS 2006, Luật bình đẳng giới 2006 và Luật phòng chống bạo lực gia đình 2007.. là những điển hình về nỗ lực của Việt Nam trong lĩnh vực này.

Ngoài ra, Việt Nam cũng đã tham gia ủng hộ hoạt động của Hội đồng Nhân quyền LHQ và hợp tác đầy đủ với các cơ chế nhân quyền LHQ. Việt Nam đã hoàn thành báo cáo định kỳ toàn thể (UPR) chu kỳ 1 và chu kỳ 2. Nhà nước đã đón nhiều Báo cáo viên đặc biệt về nhân quyền của LHQ, trong đó có Báo cáo viên đặc biệt về giam giữ độc đoán và về tự do tôn giáo hoặc tín ngưỡng (1998), về quyền giáo dục, về quyền được chăm sóc sức khoẻ và về đói nghèo cùng cực... Việt Nam cũng tham gia tích cực vào quá trình thảo luận và thành lập cơ chế nhân quyền khu vực ASEAN. Việt Nam đã thiết lập cơ chế đối thoại với nhiều nước và đối tác như Mỹ, EU, Úc, Na Uy, Thuỵ Sỹ... trong những năm qua.

Một phần của tài liệu Bảo vệ quyền con người trong luật hình sự theo pháp luật nước ngoài và luật quốc tế (Trang 71 - 78)