Từ ngàn xưa, Trung Quốc đã là một nước nông nghiệp, nghề nông được coi là một nghề gốc nên cơ cấu giai cấp và phương thức bóc lột ở đây về đại thể cũng tương tự như các nước phương Đông cổ đại khác.
1.4.1. Giai cấp nông dân
Ruộng đất ở Trung Quốc cổ đại thuộc quyền sở hữu của nhà nước. Ở các địa phương, ruộng đất được giao cho các làng xã quản lý. Thời Ân Chu,
tổ chức công xã nông thôn vẫn tồn tại, nông dân công xã đều là thần dân của nhà nước.Vì vậy, trong bài “Bắc Sơn”, phần Tiểu Nhã của Kinh thi có câu:
“Ở dưới gầm trời, đâu cũng đất vua Khắp trên mặt đất, ai cũng dân vua”
Để đem “đất vua” chia cho “dân vua”, các làng chia lại ruộng đất cho các hộ nông dân. Ví dụ, một đôi vợ chồng nông dân được chia 100 mẫu (khoảng 2ha).Độ tuổi được nhận ruộng là từ 20 đến 60 tuổi. Việc sản xuất của nông dân công xã được tiến hành theo đơn vị gia đình. Nhưng đồng thời, việc sản xuất ấy là do các chức dịch trong làng lãnh đạo và giám sát: “Mùa xuân khi sắp cho dân ra đồng, sáng sớm, Lý Tư ngồi ở điếm bên phải, Lân trưởng ngồi ở điếm bên trái, sau khi ra hết thì trở về, đến chiều cũng vậy”. (Hán thư – Thực hóa chí)
Canh tác ruộng đất cho nhà nước, nhân dân phải nộp phú thuế cho nhà nước. Hán thư – thực hóa chí viết: “có phú, có thuế. Thuế là phần thu 1/10 của ruộng công và thu nhập của công thương và những sản phẩm của rùng núi, sông hồ. Phú để cung cấp xe ngựa, vũ khí, binh lính, nộp vào kho nhà nước dùng cho việc ban cấp. Thuế dùng cho việc cúng tế trời đất, tôn miếu, trăm thần và để phụng dưỡng thiên tử, ban câp lộc bổng cho các quan và để chi phí cho mọi việc”.
Đến thời Xuân Thu, chế độ “Tỉnh điền” có dấu hiệu bắt đầu bước vào thời kỳ tan rã, đồng thời một số quý tộc, quan lại (do tranh giành và khai khẩn), ngoài ruộng đất được ban cấp, đã có một phần ruộng tư. Do vậy, trong xã hội bắt đầu xuất hiện một số nông dân lệ thuộc, được gọi bằng cái tên như “ẩn dân”, “tư thuộc đồ”, “tộc thuộc”, “tân manh”…”Ẩn dân, “tư thuộc đồ”’ là những người được các quý tộc quan lại bao che, không có nghĩa vụ gì đối với nhà nước. “Tộc thuộc” là những người có quan hệ họ hàng. “Tân manh” là những người ở nơi khác đến. Có lẽ họ chính là những
đại biểu đầu tiên của tầng lớp tá điền sau này. Sự xuất hiện những người nông dân phụ thuộc đã khiến cho tầng lớp nông dân Trung Quốc, đến thời Xuân Thu, thêm đa dạng, nhưng chưa có gì thay đổi lớn.
1.4.2. Giai cấp nô lệ
Số lượng nô lệ ở Trung Quốc cổ đại cũng khá đông. Nguồn nô lệ chủ yếu ở Trung Quốc cổ đại là tù binh và những người phạm tội. Sự thành lập các triều đại Thương, Chu đều gắn liền với chiến tranh. Hơn nữa, sau khi lập nước, các vường triều đó thường ching phục các dân tộc lân cận để mở rộng lãnh thổ, vì vậy, sô tù binh bắt được tương đối nhiều. Ví dụ, trong các cuộc chiến tranh với các bộ lạc phía Đông, vua Trụ đã bắt được hàng vạn tù binh; thời Chu, Khang, Vương, trong cuộc chiến tranh với bọ tộc Quỷ Phương ở phia Tây Bắc (tộc Hung Nô sau này), đã bắt được hơn 13.000 tù binh.
Tuy nhiên công việc của nô lệ thì không có một tư liệu nào nói rõ ràng. Có thể phán đoán rằng, nô lệ chủ yếu được sử dụng vào các công việc hầu hạ, một bộ phận làm trong các xưởng thủ công, còn trong nông nghiệp, nếu có tham gia thì chỉ là nghề phụ, bởi lẽ toàn bộ ruộng đất trong nước đã giao vào tay nông dân và toàn bộ việc đồng ruộng đã có các gia đình nông dân đảm nhiệm. Hiện tượng hàng loạt nô lệ chôn theo chủ, một mặt, để sau khi chết, ông chủ vẫn có người hầu hạ, mặt khác lại chứng tỏ rằng, việc mất đi một loạt nô lệ cũng không ảnh hưởng gì đến kinh tế gia đình của người thừa kế, vì nô lệ không phải là lực lượng sản xuất chính.