Quan hệ giữa mồi và tập tính cá

Một phần của tài liệu Giáo trình kỹ thuật khai thác thủy sản tập 1 hà phước hùng (Trang 51 - 53)

4. Đâm, chĩa 5 Chụp 6 Câu

6.4.3 Quan hệ giữa mồi và tập tính cá

Thực tế nghề câu người ta thấy rằng cá tiếp xúc với mồi thông qua đủ cả 5 giác quan: Thính giác, thị giác, khứu giác, vị giác và xúc giác. Ta sẽ lần lượt tìm hiểu mối quan hệ này qua việc bắt mồi của cá.

Cá có thể phát hiện ra mồi thông qua thính giác của nó. Khi nghe tiếng động, các loại cá tham ăn, phàm ăn sẽ lao nhanh đến khu vực có tiếng động để tìm mồi. Người ta thấy rằng đa số các loài cá sống tầng mặt ở sông đều có đặc tính này, do vậy khi câu các đối tượng này người ta thường đập cần câu xuống nước để gây sự chú ý đối với cá, khi đó các loài cá tham ăn này sẽ nghĩ rằng có thức ăn rơi xuống nước, chúng sẽ lao đến để bắt mồi.

Tuy nhiên, có một số loài cá lại rất sợ tiếng động, khi đó chúng sẽ lánh xa vùng có tiếng động. Do vậy khi câu đối tượng này ta không nên gây ồn, có thể làm cá sợ mà không dám bắt mồi.

Thị giác

Đa số các loài cá đều có thị giác kém phát triển. Đặc điểm này do bởi cá sống trong môi trường nước có độ trong không cao và ánh sáng bị giảm dần theo độ sâu. Người ta phát hiện rằng nhiều cá sống tầng sâu có thị giác rất kém, gần như không thấy gì. Tuy vậy cũng có một số loài cá có khả năng nhìn thấy mục tiêu cũng tương đối xa, khoảng 50 m. Trong thực hành nghề câu, để có thể giúp cho cá phát hiện ra mồi ta thường đưa mồi đến gần khu vực có cá xuất hiện và di chuyển mồi tới lui, lên xuống nhằm gây sự chú ý và kích thích sự bắt mồi của cá.

Mặt khác trong thực hành câu ta cũng nên chú ý vị trí của chúng ta khi ngồi câu cá, người câu không nhìn thấy cá dưới nước nhưng ngược lại cá có thể phát hiện ra người câu, khi đó cá không dám bắt mồi (H 6.5). Điều này được giải thích do bởi có sự khác nhau về chiết suất môi trường nước và không khí, ánh ánh đi khi truyền qua lớp bề mặt tiếp xúc sẽ bị khúc xạ, chính sự khúc xạ này sẽ làm cho cá phát hiện ra người câu. Do vậy ta cũng nên chú ý trường hợp này khi ngồi câu cá, cố gắng tránh không cho cá phát hiện chúng ta đang câu.

Khứu giác

Một số loài cá có khứu gác khá phát triển, chúng có thể đánh hơi và phân biệt mồi ở khoảng cách xa. Mỗi loài cá khác nhau có sự ưa thích mùi vị khác nhau, thường các loài cá sống tầng đáy, ăn tạp, rất thích các mồi nặng mùi (hôi, thối,

tanh,...) hoặc có mùi đặc biệt, chẳng hạn: Con dán, con mắm, trùng lá,... Do vậy tùy theo đối tượng câu mà ta chọn mồi thích hợp. Trong quá trình câu nếu thấy mùi của mồi bị biến chất ta phải thay mồi mới.

Vị giác

Người ta nhận thấy rằng các loài cá thận trọng, có tính kén chọn mồi, thường có vị giác khá phát triển. Chúng có khả năng phân biệt các vị của mồi khác nhau. Một sự thay đổi nhỏ về vị của mồi cũng làm cho chúng kén ăn, chẳng hạn khi mồi bị ngâm lâu trong nước thường vị của mồi sẽ nhạt đi cá sẽ không còn hứng thú bắt mồi nữa. Do vậy tùy theo đối tượng câu ta nên chọn vị của mồi cho thích hợp, thông thường nên cố gắng tránh các vị quá chua, quá chát, quá đắng hoặc quá mặn.

Xúc giác

Người ta còn nhận thấy ở một số loài cá có xúc giác tương đối phát triển, nhất là các loài cá họ xương sụn: cá nhám, cá đuối, ... chúng thường đánh giá mồi qua độ cứng của mồi. Mồi để lâu trong nước sẽ trở nên mềm nhão, các loài cá này sẽ không thích ăn. Do vậy người câu thường thay đổi mồi nếu quá mềm nhão.

Tóm lại, cá khi phát hiện ra mồi và tiếp xúc với mồi không chỉ dựa vào một vài giác quan mà gần như tổng hợp tất cả các giác quan của nó để đánh giá mồi và chất lượng mồi, sau đó mới bắt mồi. Ta cần tìm hiểu kỹ từng đối tượng câu cụ thể mà chọn mồi cho thích hợp.

Một phần của tài liệu Giáo trình kỹ thuật khai thác thủy sản tập 1 hà phước hùng (Trang 51 - 53)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(97 trang)