Đây là những thủ tục kiếm soát do doanh nghiệp thiết lập nhằm ngăn chặn những gian lận và sai sót xảy ra đối với doanh thu. DTBH&CCDV gắn liền với chu trình bán hàng-thu tiền nên công việc kiểm soát nội bộ với doanh thu cũng chính là công việc kiểm soát nội bộ với chu trình bán hàng-thu tiền. Quá trình bán hàng - thu tiền là quá trình chuyển quyền sở hữu hàng-tiền, là quá trình gắn liền với lợi ích kinh tế và trách nhiệm pháp lý của mỗi bên. Chính vì thế, công việc kiểm soát nội bộ càng cần được thực hiện chặt chẽ hơn với chu trình này. Những công việc kiểm soát nội bộ chủ yếu
đối với doanh thu thường là:
Sự đồng bộ của sổ sách: Đòi hỏi hệ thống kế toán từ chứng từ đến sổ sách kế toán có tác dụng kiểm soát tối đa các nghiệp vụ. Chính vì thế, các trình tự kế toán phải có trước khi đặt ra các mục tiêu kiểm soát nội bộ. Tất nhiên, với mọi đơn vị, khung pháp lý về kế toán là như nhau và được quy định trước. Tuy nhiên, mỗi đơn vị lại có thể lựa chọn các hình thức kế toán, phương thức kế toán khác nhau dẫn đến trình tự kế toán cũng khác nhau.Hơn nữa, mọi văn bản pháp lý vẫn chỉ là khung tối thiểu còn thực tế của mỗi đơn vị lại rất đa dạng, phong phú. Chính vì vậy, mỗi doanh nghiệp cần có những trình tự kế toán cụ thể với hệ thống sổ sách nhất định để tạo thành yếu tố kiểm soát có hiệu quả.
Đánh số thứ tự liên tục các chứng từ: Sử dụng chứng từ có đánh số trước theo thức tự liên tục có tác dụng ngăn chặn bỏ sót, giấu giếm, tránh trùng lặp các khoản ghi sổ bán hàng, khoản phải thu. Vì vậy, việc đánh số trước phải có mục đích rõ ràng kèm theo việc tổ chức hợp lý theo hướng tích cực để đạt mục đích đó.
Lập bảng cân đối thanh toán tiền hàng và gửi cho người mua: Lập và xác nhận các bảng cân đối hàng, tiền và phải thu là công việc kiểm soát nội bộ hữu hiệu. Bảng cân đối được lập hàng tháng và được phân công cho người không có liên quan đến thu tiền hàng, ghi sổ bán hàng và thu tiền lập ra và gửi qua bưu điện để người mua dễ dàng trả lời ngay cả khi có sai sót.
Xét duyệt nghiệp vụ bán hàng: Là công việc kiểm soát nội bộ hữu hiệu trong việc phát hiện và ngăn ngừa các gian lận, sai sót. Nó thường tập trung vào ba điểm chính sau:
• Xét duyệt bán chịu phải được duyệt thận trọng.
• Hàng bán chỉ được vận chuyển sau khi duyệt với đầy đủ chức cứ như tài khoản, con dấu, chữ ký hợp pháp của người mua…
• Giá bán được duyệt cẩn trọng bao gồm cả phí vận chuyển, giảm giá hàng bán, chiết khấu thương mại và điều kiện thanh toán.
Hai việc kiểm soát đầu tiên nhằm ngăn ngừa tổn thất do vận chuyển hay người mua không có điều kiện thanh toán hoặc người mua dây dưa không chịu thanh toán. Việc kiểm soát thứ ba nhằm tránh giảm các khoản nợ khó đòi, kích thích việc tăng thu và hiệu quả các quan hệ lợi ích giữa các bên trong quan hệ mua – bán.
Phân cách nhiệm vụ đầy đủ trong tổ chức công tác tài chính kế toán: Là công việc trọng yếu trong kiểm soát nội bộ nhằm ngăn ngừa những sai sót và gian lận trong kế toán.
Người kiểm tra, kiểm soát cần độc lập: Đây là yếu tố chủ yếu trong việc phát huy hiệu lực, hiệu quả của kiểm soát nội bộ. Thông thường, người kiểm tra, kiểm soát ở đây thường là các KTV nội bộ. KTV sẽ kiểm tra các dấu hiệu của kiểm toán nội bộ như chữ ký tắt, nháy, quy ước đã kiểm tra của kiểm toán nội bộ…