Theo Hồ Thị Việt Thu (2012), Bệnh nhiễm trùng huyết vịt hay còn được gọi với nhiều tên là bệnh viêm màng thanh mạc truyền nhiễm, bệnh viêm màng thanh dịch có tơ huyết, bệnh nhiễm trùng huyết anatipestifer, hội chứng anatipestifer, hoặc bệnh cúm ngỗng. Đây là một trong những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhất của vịt, bệnh gây tổn thất lớn do tỷ lệ chết cao, đặc trưng bởi triệu chứng nhiễm trùng huyết cấp và mãn tính, bệnh tích viêm tơ huyết màng bao tim, màng gan, túi khí, ống dẫn trứng và màng não.
Bệnh lần đầu tiên được phát hiện trên ngỗng bởi Riemer năm 1904, nên mầm bệnh được đặc tên là Riemerella anatipestifer. Bệnh phổ biến ở những nơi chăn nuôi vịt thương phẩm. Ở nước ta bệnh cũng được chú ý trên vịt con.
Nguyên nhân:
Nguyên nhân gây bệnh là vi khuẩn Riemerella anatipestifer, thuộc chi Riemerella họ Flavopacterriaceae. Riemerella anatipestifer là trực khuẩn, Gram âm, không hình thành bào tử, không di động, kích thước 0,2-0,4µm x 1- 5 µm.
Vi khuẩn có sức đề kháng yếu, ở 37o vi khuẩn sống không quá 3-4 ngày, ở 55o vi khuẩn chết sau 12-16 giờ. Ánh sáng, nhiệt độ và các chất sát trùng có thể diệt vi khuẩn dễ dàng. Vi khuẩn nhạy cảm với các chất sát trùng thông dụng như formol, phenol, sud và các muối ammonium hàm lượng 1%. Vi khuẩn ít đề kháng ở môi trường ngoài.
Khi bệnh xảy ra thường hay có sự nhiễm trùng kết hợp với vi khuẩn
E.coli , Sallmonella, virus gây viêm gan vịt.
Triệu chứng:
Trong tự nhiên, thời gian gây bệnh trung bình từ 2-5 ngày. Trong thực nghiệm khi gây nhiễm cho vịt qua các đường dưới da, tĩnh mạch, hốc mắt hoặc xoang mũi có thể gây chết vịt con sau 24 giờ.
Triệu chứng thường thấy là mệt mỏi, chảy nước mắt và nước mũi, ho, chảy mũi, âm ran khí quản, tiêu chảy phân màu xanh. Con vật có triệu chứng run run đầu và cổ, mất điều hòa vận động không thể đi bằng chân, lết trên thân sau và không thể theo kịp vịt khỏe khác trong đàn. Gia cầm bệnh suy yếu, cuối cùng hôn mê và chết trong vài ngày, tỷ lệ chết từ 5-75%, những con khỏi bệnh thường chậm lớn.
Bệnh tích:
Bệnh tích nổi bậc nhất là dịch viêm có tơ huyết trên các màng thanh mạc như ở màng bao tim. Bao tim dày và trắng đục, trên màng gan có phủ một lớp trắng đục, túi khí viêm dày và đục, bệnh tích này có thể thấy ở túi khí vùng ngực và vùng bụng. Viêm màng não, lách sưng lốm đốm nhạt màu. Trong xoang mũi có nhiều dịch nhày lẫn mủ. Ống dẫn trứng viêm, trong lòng ống dẫn trứng có chất bã đậu.
Trong trường hợp bệnh mãn tính có thể thấy bệnh tích ở da và khớp, viêm da hoại tử ở vùng chậu và xung quanh hậu môn, có dịch tiết màu vàng dưới da và mỡ. Viêm khớp mãn tính, đôi khi có thể thấy sụn khớp đầu gối loét (Hồ Thị Việt Thu, 2012).