4.1.1.1. Vị trí địa lý
Phường Đề Thám ở phía Tây của thành phố Cao Bằng. Với tổng diện tích tự nhiên là 1102,51 ha. Vị trí giáp ranh các xã như sau:
- Phía Bắc giáp với xã Vĩnh Quang - Thành phố Cao Bằng.
- Phía Đông và Đông Nam giáp phường Sông Hiến - Thành phố Cao Bằng. - Phía Đông Bắc giáp phường Ngọc Xuân - Thành phố Cao Bằng. - Phía Tây và Nam giáp với xã Hưng Đạo - Thành phố Cao Bằng.
Phường Đề Thám có đường Quốc lộ 3, đường tránh Quốc lộ 3 và đường Hồ Chí Minh đi qua địa bàn nên tương đối thuận tiện cho việc giao lưu, phát triển kinh tế, văn hóa đời sống giữa các phường, xã trong và ngoài thành phố.
4.1.1.2. Địa hình, địa mạo
- Phường Đề Thám có địa hình bằng phẳng tuy nhiên lại được chia thành hai loại địa hình tương đối rõ rệt: vùng đồng tương đối bằng phẳng ở phía Bắc, còn phía Nam là đồi thấp có độ dốc trung bình. Các địa hình của phường nằm xen lẫn nhau, bề mặt tương đối bằng phẳng phù hợp với trồng cây lúa, cây ăn quả và hoa màu.
Địa hình phường Đề Thám bị chia cắt bởi 2 dạng địa hình:
+ Địa hình đồi núi thấp tập trung chủ yếu ở các xóm Khau Cút, Nà Toòng, Bản Lày, nay là thuộc tổ 12, tổ 20 và tổ 22. Độ cao trung bình từ 150 m đến 200m so với mực nước biển, có độ dốc trung bình từ 10 đến 30%, đất có màu đỏ hoặc vàng.
+ Địa hình đất bằng, thung lũng hẹp: Hầu hết các tổ dân phố, khu vực trung tâm của phường là khu vực có địa hình tương đối bằng phẳng [9].
4.1.1.3. Khí hậu. Nhiệt độ:
Phường Đề Thám có khí hậu nhiệt đới gió mùa với địa hình đón gió nên chịu ảnh hưởng trực tiếp từ các đợt không khí lạnh từ phương bắc. Tuy nhiên nhiệt độ của Phường chưa bao giờ xuống thấp quá 0°C, hầu như vào mùa đông trên địa bàn toàn tỉnh không có băng tuyết.
Mùa hè ở đây có đặc điểm nóng ẩm, nhiệt độ cao trung bình từ 30 - 35 °C và thấp trung bình từ 23 - 25 °C, nhiệt độ không lên đến 39 - 40 °C. Vào mùa đông, do địa hình Cao Bằng đón gió nên nó có kiểu khí hậu gần giống với ôn đới, nhiệt độ trung bình thấp từ 5 - 8 °C và trung bình cao từ 18 - 22 °C, đỉnh điểm vào những tháng 12, 1 và 2 nhiệt độ có thể xuống thấp hơn khoảng từ 2 - 3 °C, độ ẩm thấp, trời hanh khô. Mùa xuân và mùa thu không rõ rệt, thời tiết thất thường; mùa xuân thường có tiết trời nồm, mùa thu mát, dễ chịu.
Nhiệt độ trung bình năm từ 22 đến 26°C .
Nhiệt độ lớn nhất trung bình năm là 32,6°C (cao nhất tuyệt đối là 40,5 °C thường xảy ra vào tháng 6).
Nhiệt độ thấp nhất trung bình năm là 10,3°C (thấp nhất tuyệt đối là 1,3 °C) Biên độ dao động nhiệt trong ngày : 8,4 °C [9].
Mưa:
Phường Đề Thám nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa nóng ẩm hàng năm, có lượng mưa khá phong phú. Một năm bình quân có 198 ngày mưa. Mùa mưa kéo dài từ tháng 4 - 10 và chiếm 80 - 85% tổng lượng mưa hàng năm.
Mùa mưa từ tháng 4 đến tháng 10, tập trung chủ yếu vào các tháng 6, 7, 8 chiếm 70% lượng mưa cả năm, mưa ít nhất trong các tháng 1, 2, 3.
Lượng mưa trung bình năm 1.600 ml chủ yếu tập trung vào các tháng 6, 7, 8 và 9.
Một số trận mưa lịch sử gây ra lũ đặc biệt lớn trên sông Bằng và gây ra ngập úng [5].
Chế độ gió:
Chế độ gió: Hướng gió có sự khác biệt rõ ràng giữa hai thời kì, từ tháng 9 đến tháng 12 có gió mùa đông bắc, từ tháng 3 đến tháng 8 có gió tây nam.
Đông nam và Nam là hai hướng chủ đạo, tốc độ gió mạnh nhất trong các cơn lốc lên 40 m/s [9].
Độẩm:
Độ ẩm tuyệt đối nhỏ nhất 2 - 2,5 milibar Độ ẩm tuyệt đối cao nhất 30 - 32,5 milibar Độ ẩm tương đối trung bình ~ 80%
Số giờ nắng trong năm 1.690 giờ. Số ngày có mây ~ 200 ngày trong năm. Độ ẩm tương đối trung: 80%.
Độ ẩm cao nhất: 86%. Độ ẩm thấp nhất: 36%.
Tóm lại : phường Đề Thám có khí hậu nhiệt độ gió mùa nóng ẩm, lượng mưa khá phong phú tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển nông, lâm nghiệp. Tuy nhiên, Phường cần cải tạo hệ thống thuỷ lợi để tránh úng ngập khi có mưa lớn. Mặt khác, do khí hậu chia theo mùa rõ rệt thuận lợi cho việc đa dạng hóa cây trồng vật nuôi, xây dựng các công trình.
4.1.1.4. Thủy văn
Phường Đề Thám có sông lớn chảy qua là sông Bằng Giang (sông Mãng) ở phía bắc, sông nằm trên đường địa giới giáp với xã Vĩnh Quang - thành phố Cao Bằng. Ngoài ra trên địa bàn phường còn có các khe, suối chảy từ vùng đồi phía nam theo hướng bắc ra sông Bằng Giang.
Chế độ thủy văn của Phường chủ yếu phụ thuộc vào lượng mưa và khả năng điều tiết của hệ thống sông Bằng Giang (sông Mãng). Có thể chia làm hai mùa rõ rệt là mùa lũ và mùa cạn.
Mùa lũ: Xuất hiện vào đầu tháng 5 và kết thúc vào cuối tháng 10. Mùa cạn: Xuất hiện vào đầu tháng 2 và kết thúc vào cuối tháng 3.
4.1.1.5. Tài nguyên thiên nhiên * Tài nguyên đất.
Phường Đề Thám có diện tích tự nhiên 1.102,51 ha, chiếm 25,03% diện tích tự nhiên của thành phố.
- Căn cứ nguồn gốc phát sinh, đất đai Phường được chia thành những nhóm đất chính sau:
+ Đất phù sa được bồi hàng năm : Khu vực ven sông là đất trầm tích, lũ tích bồi tụ, có thành phần đất thịt nhẹ pha cát, thịt vừa và nặng.
+ Đất phù sa không được bồi hàng năm: thành phần chủ yếu là đất thịt nhẹ và đất thịt vừa.
- Căn cứ theo tính chất có thể phân chia đất đai của phường thành những nhóm đất sau:
+ Đất phù sa sông suối: Phân bố dọc theo các triền sông đất có thành phần cơ giới nhẹ, cấp hạt lớn, hạt thô, chịu ảnh hưởng trực tiếp của địa hình, đá mẹ và độ che phủ thực vật xung quanh. Về thành phần hoá học, tỷ lệ mùn trong đất trung bình, đạm tổng số và đạm dễ tiêu khá, đất có phản ứng chua, chất dinh dưỡng trung bình.Loại đất này thích hợp cho trồng lúa màu và cây công nghiệp hàng năm.
+ Đất đồi, phân bố dọc theo các triền suối, đất có thành phần cơ giới nhẹ, cấp hạt lớn, hạt thô, chịu ảnh hưởng trực tiếp của địa hình, độ che phủ thực vật xung quanh. Về thành phần hoá học, tỷ lệ mùn trong đất trung bình, đạm tổng số và đạm dễ tiêu khá, đất có phản ứng chua, chất dinh dưỡng trung bình. Loại đất này thích hợp cho trồng lúa màu và cây công nghiệp hàng năm.
+ Đất dốc tụ trồng lúa nước, phân bố xen kẽ, rải rác, luồn lỏi ở khắp các đồi núi, chứa nhiều cát, thành phần cơ giới thịt nhẹ, đến trung bình. Đất có phản ứng chua, thiếu lân nghèo chất dinh dưỡng.
+ Đất Feralít biến đổi do trồng lúa, đây là loại đất để trồng lúa nước. Tầng đất mỏng, các chất đạm, mùn tổng số khá, lân, kali tổng số bình thường, các chất dễ tiêu nghèo, đất dễ chua. Do địa hình có chỗ trũng, chỗ cao nên khả năng giữ nước, giữ màu giảm. Hiện nay loại đất này đang được cấy hai vụ lúa hoặc một lúa một màu, nhưng bị hạn hán do không chủ động nước nên thường xuyên bỏ hoá vụ đông xuân.
+ Đất Feralít nâu vàng phát triển trên phù sa cổ: phân bố rải rác ở các ven sông suối của địa hình đồi núi thoải..
+ Đất Feralít phát triển trên phiến thạch sét: Có thành phần cơ giới nặng, đất phân bố tập trung, tầng đất dày hay mỏng và tỷ lệ mùn trong đất phụ thuộc vào mức độ che phủ của cây rừng, ở những vùng còn nhiều rừng phần lớn đất có tầng dày, tỷ lệ mùn khá và ngược lại. Phần lớn loại đất này nằm trên địa hình hiểm trở, giao thông đi lại khó khăn. Loại đất này thích hợp cho phát triển lâm - nông nghiệp, trồng rừng ở những nơi tầng đất mỏng, trồng cây công nghiệp, cây ăn quả.
* Tài nguyên nước
Tài nguyên nước của Phường bao gồm nguồn nước mặt và nguồn nước ngầm:
- Nguồn nước mặt: Do đặc tính đặc biệt của hệ thống thuỷ văn mà mà nguồn nước mặt của Phường rất dồi dào đặc biệt vào mùa mưa. Nguồn nước mặt chủ yếu được cung cấp được cung cấp bởi sông Bằng (diện tích lưu vực F= 951km2 có độ dốc bình quân i=1,03%) và các khe, suối trên địa bàn Phường. Bên cạnh đó phường Đề Thám còn được cung cấp nước sinh hoạt và sản xuất nhờ hệ thống hồ chứa nước Khuổi Lái thuộc địa bàn xã Vĩnh Quang.
Tuy nhiên nguồn nước mặt có nhược điểm: đục cao về mùa mưa, mực nước biến động lớn theo mùa, bờ sông bị xói lở và nguy cơ ô nhiễm cao từ các hoạt động khác nhau.
- Nguồn nước ngầm: Nguồn nước ngầm của Phường khá phong phú, có chất lượng đảm bảo cho sinh hoạt. Điều kiện khai thác dễ dàng đáp ứng yêu cầu cả khai thác đơn giản trong sinh hoạt của nhân dân và khai thác quy mô công nghiệp.
* Tài nguyên khoáng sản
Đến nay trên địa bàn Phường chưa phát hiện được loại tài nguyên khoáng sản nào quan trọng ngoài cát, sỏi… với trữ lượng hạn chế. Nhìn chung tài nguyên khoáng sản của Phường nghèo cả về chủng loại và số lượng.
* Tài nguyên nhân văn.
Theo số liệu thống kê năm 2014 phường Đề Thám có 24 tổ dân phố với trên 10 nghìn dân, gồm các dân tộc Tày, Nùng, Kinh, Dao…cùng nhau sinh sống trên địa bàn, dân tộc Tày chiếm 86% dân số. Người dân nơi đây luôn đề cao truyền thống đoàn kết, cần cù lao động xây dựng cuộc sống văn minh.
Tổng số hộ trong phường tính đến cuối năm 2014 là 1.976 hộ với 10.283 khẩu, số người trong độ tuổi lao động là 6.170, lao động nam 3.127 người, lao động nữ 3.043 người.
Cơ cấu lao động
- Lao động trong độ tuổi là 6.170 người: chiếm 60%
Trong đó:
- Lao động nông nghiệp chiếm 45%, - Các nghành khác chiếm 17%
Nhân dân phường Đề Thám với truyền thống đấu tranh cách mạng kiên cường, ngày nay họ đã phấn đấu vươn lên trong lao động và sản xuất.
Đảng bộ và nhân dân Phường đã đoàn kết nhất trí, tập trung thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển KTXH, an ninh quốc phòng trong thời kỳ đổi mới. Đây được đánh giá là nguồn lực quan trọng thúc đẩy sự công nghiệp hoá, hiện đại hoá của Thành phố nói chung và phường Đề Thám nói riêng trong những năm tới để xây dựng phường Đề Thám thành khu vực đô thị năng động và phát triển.
Với lịch sử văn hiến, truyền thống cách mạng, người dân trong phường cần cù, sáng tạo, có ý chí tự lực tự cường, khắc phục khó khăn, kế thừa và phát huy những kinh nghiệm, thành quả đạt được trong lao động sản xuất. Đội ngũ cán bộ, lãnh đạo trẻ có trình độ, đủ năng lực để lãnh đạo các mặt chính trị, kinh tế xã hội của Phường vững bước trên con đường công nghiệp hóa - hiện đại hóa.
Người dân hiện nay đã và đang thực hiện nếp sống văn minh, tiết kiệm xóa bỏ những thủ tục lạc hậu nhằm vươn tới một xã hội văn minh, lành mạnh.
4.1.1.6. Cảnh quan môi trường
Trên địa bàn Phường đã được phân chia thành 2 khu vực chính: Khu đô thị Km5 nơi tập trung đông dân cư và khu vực thưa dân.
- Khu đô thị mới Km5: Từ khi thị xã Cao Bằng trở thành Đô thị loại III đã xác định khu trung tâm hành chính được xây dựng tại địa bàn phường Đề Thám, với khu đô thị mới Km5. Đây là nơi có trụ sở làm việc của các cơ quan tỉnh, thành phố (như: ngân hàng tỉnh, cục thống kê tỉnh, cục thi hành án tỉnh, chi cục thuế…), đại diện của một số cơ quan Trung ương, văn phòng đại diện của các doanh nghiệp, nhiều cơ sở công nghiệp, dịch vụ, các công trình văn hoá phúc lợi xã hội của tỉnh. Hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật của Phường được đầu tư phát triển như: giao thông, điện lực, cấp thoát nước, thương mại, bưu chính viễn thông, nhà hàng khách sạn,… với những kiến trúc đa dạng.
- Khu vực thưa dân: là làng, xóm phân bố theo các tuyến mang sắc thái của miền núi trung du phía Bắc, từ hình thái quần cư đến kiến trúc nhà ở và sinh thái trong cộng đồng đời sống của nhân dân. Trong những năm gần đây có sự thay đổi nhiều mặt, hệ thống giao thông (bê tông hóa đường liên thôn, liên xóm), cơ sở hạ tầng phục vụ đời sống người dân đang dần được hoàn thiện.
Trong những năm gần đây do phát triển công nghiệp, dịch vụ và xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, xã hội,… chất thải công nghiệp, chất thải sinh hoạt chưa được quản lý chặt chẽ, việc sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, phân bón trong nông nghiệp không đúng quy trình, quy phạm đã gây ô nhiễm môi trường cục bộ trong từng khu vực. Tuy nhiên, về cơ bản môi trường sinh thái của phường Đề Thám chưa bị ô nhiễm, còn giữ được sắc thái tự nhiên.