Tỷ lệ nợ xấu của Hàn Quốc năm 1997 là 35%. Mặc dù tỷ lệ nợ xấu cao nhưng Hàn Quốc đã khá thành công trong việc xử lý nợ xấu. Điều góp phần quan trọng vào thành công này là Hàn Quốc đã xử lý đúng đắn bài toán khuyến khích. Nghĩa là, xây dựng một cơ chế khuyến khích đúng để cho các ngân hàng có động cơ loại bỏ nhanh chóng các tài sản xấu ra khỏi bảng cân đối tài sản của mình trên cơ sở các chính sách hỗ trợ của Chính phủ và sự tham gia của các công ty mua bán nợ tư nhân.
Hàn Quốc đã mua lại các khoản nợ xấu theo giá chiết khấu với mức bình quân 36% giá trị sổ sách của các khoản nợ. Chính phủ Hàn Quốc đã thành lập Công ty quản lý tài sản Hàn Quốc (KAMCO) và công ty này đã giúp làm giảm được nợ xấu trong hệ thống ngân hàng Hàn Quốc xuống chỉ còn 2,3% vào cuối năm 2012. Nhiệm vụ của KAMCO bao gồm định giá các
tài sản xấu, mua lại tài sản và xử lý tài sản. Tuy nhiên, điều có ý nghĩa nhất là nhờ vào hoạt động của KAMCO mà một thị trường mua bán nợ thứ cấp đã được phát triển ở Hàn Quốc. KAMCO thực sự đã đóng vai trò như một nhà tạo lập thị trường vừa như mà nhà buôn làm cầu nối giữa những nhà đầu tư có nhu cầu mua và bán các khoản nợ xấu. KAMCO cũng đã giúp giải quyết được vấn đề điều phối tình trạng bất cân xứng thông tin vốn dĩ rất phổ biến ở các nền kinh tế đang phát triển. Ngoài ra, KAMCO cũng đã rất thành công trong việc thu hút các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào các giao dịch tái cơ cấu nợ xấu của hệ thống ngân hàng Hàn Quốc.
Song song với giải pháp này, Chính phủ Hàn Quốc cũng thực hiện biện pháp tái cấu trúc nợ của các con nợ chủ yếu trong đó là các Cheabols. Vào cuối năm 1998, Chính phủ Hàn Quốc đã đánh giá lại năng lực tài chính của 5 Cheabols lớn và phát triển một chương trình cải thiện cấu trúc vốn theo hướng giảm tỷ lệ nợ trên vốn tự có của các Cheabols xuống còn 200% hoặc thấp hơn trong vòng hai năm.