Được sang tác trong công cuộc chiến đấu chống Mỹ cứu nước dù được miêu tả ở nhiều góc độ khác nhau, nhưng cả hai tác phẩm nói trên đều làm nổi bật những đặc điểm của con người Việt Nam anh hùng.
- Có lòng yêu nước nồng nàn:
#
Trong tác phẩm “Rừng xà nu” lòng yêu nước được thể hiện tập trung ở nhân vật Tnú, Mai, Dít, cụ Mết.
Cụ Mết:♣
Là người chỉ huy tinh thần dân làng Xô Man. Cụ đã giáo dục dân làng “Cán bộ là Đảng, Đảng còn, núi nước này còn”. Tấm lòng tin yêu đối với Đảng, đối với Cách mạng đó đã truyền thêm sức mạnh cho dân làng, khiến họ không nề gian khổ, hiểm nguy thay nhau vào rừng nuôi cán bộ, người này ngã xuống có người khác tiếp theo: Anh Xút bị treo cổ thì có bà Nhan nối tiếp, bà Nhan bị chặt đầu thì có Tnú và Mai thay thế. Nhờ có cụ Mết, ánh sáng của Đảng vẫn soi rọi đến vùng đất hẻo lánh của dân làng Xô Man. Bị kẻ thù áp bức, cụ kêu gọi dân làng mài giáo mài rựa đấu tranh vì “Chúng nó cầm súng, mình phải cầm giáo”. Lời nói ngắn gọn nhưng chứa đựng cả một phương châm chiến lược: “Phải dùng bạo lực cách mạng chống lại bạo lực phản cách mạng”.
Lòng yêu nước của cụ còn thể hiện ở việc kể chuyện Tnú cho cả làng nghe như là viết những trang sử sống cho nhân dân mình “Người Strá ai có cái tai, ai có cái bụng thương núi thương nước, hãy lắng mà nghe mà nhớ, sau này tau chết rồi, chúng mày phải kể lại cho con cháu nghe”.
Tnú:♣
Ngay từ lúc nhỏ đã tham gia công tác nuôi giấu cán bộ và hoàn thành xuất sắc công việc giao liên. Nhiều đêm Tnú phải ngủ lại trong rừng với cán bộ vì một ý nghĩ rất đơn giản và cũng rất tình thương đối với cán bộ “lỡ giặc lùng, ai dẫn cán bộ chạy”.
Vì yêu nước, yêu Đảng, nên Tnú rất nghe lời dạy của cán bộ. Anh Quyết dạy học chữ, Tnú cố gắng khắc phục gian khổ làm theo, lấy tre nứa làm bảng, đi lên núi Ngọc Linh lấy đá làm phấn. Và khi Tnú tỏ ra chán nản vì sự tối dạ của mình, thì chỉ một lời động viên của anh Quyết “Không học chữ sao làm được cán bộ giỏi” cũng đã truyền thêm sức mạnh khiến cho Tnú tiếp tục thực hiện công việc học tập đầy khó khăn, không hứng thú đó.
Khi làm giao liên, Tnú tỏ ra rất gan dạ: băng rừng, anh không bao giờ chịu đi đường mòn mà chỉ thích “xé rừng mà đi”. Qua sông, anh không thích lội chỗ nước êm mà cứ “lựa chỗ thác mạnh” để bơi ngang vì Tnú biết rằng “qua chỗ nước êm thằng Mỹ Diệm hay phục, chỗ nước mạnh nó không ngờ”.
Mai, Dít, Heng ngay từ nhỏ đã thay người lớn đi làm liên lạc.♣ #
Ở tác phẩm “Mảnh trăng cuối rừng” dù chưa đến độ tuổi đi bộ đội, Lãm đã trốn gia đình để đi bộ đội. Nguyệt sau khi học xong cấp ba, cô đã gia nhập thanh niên xung phong đến công tác ở ngầm Đá xanh. Nguyệt là cô gái sống có lý tưởng và nhiều khát vọng đẹp: cô muốn được sống có ích, được phục vụ và cống hiến mình cho Tổ quốc. Lý tưởng và khát vọng đó bắt nguồn từ tình yêu đất nước, vì thế cuộc sống ở công trường xây dựng đầy gian khổ nhưng Nguyệt vẫn lao động hăng say với tất cả nhiệt tình tuổi trẻ, khiến chị em trong đội giao thông ở Ngầm đá xanh ai cũng yêu mến, Nhưng rồi giặc Mỹ dùng không quân bắn phá ra miền Bắc hòng phá hủy các công trình xây dựng, ngăn chặn những con đường huyết mạch của ta. Chiếc cầu đá “xanh biếc và đẹp như một giấc mộng” mà Nguyệt và đồng đội mất gần hai năm mới xây dựng xong đã bị bom giặc phá sập. Thế là cô công nhân giao thông đi xây dựng cuộc sống mới hôm qua lại trờ thành cô gái mở đường cùng đồng đội của mình ngày đêm rãi đá vá đường, quyết bảo vệ những con đường cho xe ra trận.
- Có lòng căm thù giặc sâu sắc:
Tnú căm thù giặc vì giặc đã tàn phá quê hương anh, đã giết chết bao nhiêu người dân Xô man, lòng căm thù giặc càng sôi nổi hơn khi Tnú chứng kiến cảnh vợ con bị giặc tra tấn dã man. Tnú không kìm được “Hai con mắt anh bây giờ là hai cục lửa”. Anh đã nhảy xổ vào giữa bọn lính.
-Có tinh thần chiến đấu dũng cảm ngoan cường:
o Ngay từ khi còn làm liên lạc cho anh Quyết, Tnú đã tỏ ra là đứa bé ngoan cường bất khuất. Bọn giặc bắt được Tnú, chúng đánh anh rất dã man và hỏi cộng sản đâu, Tnú đã chỉ vào bụng mà nói: “Cộng sản ở đây”. Khi Tnú xông ra cứu vợ con, bọn địch bắt anh, chúng dùng “giẻ tẩm nhựa xà nu quấn lên mười đầu ngón tay” rồi đốt. Không có gì đượm bằng nhựa xà nu, lửa cháy rất nhanh, mười đầu ngón tay trở thành mười ngọn đuốc nhưng Tnú vẫn không kêu một tiếng.
Cũng trong tác phẩm “Rừng xà nu”, cô bé Dít đã làm liên lạc. Bị giặc bắt, lúc đầu cô bé còn sợ, chúng bắn đến viên đạn thứ mười để uy hiếp, Dít không còn sợ mà chùi nước
mắt, im bặt nhìn bọn giặc bình thản, lạnh lùng.
o Nguyệt, Lãm trong “Mảnh trăng cuối rừng” cũng vậy. Đi trên đoạn đường đầy khó khăn, giặc bắn và thả bomb bi liên tục, Nguyệt vẫn bình tĩnh, nhanh chóng giúp Lãm đưa xe vượt qua đoạn đường, khi bị thương Nguyệt vẫn không thấy sợ “Nguyệt nhìn vết thương cười, khuôn mặt hơi tái nhưng vẫn tươi tỉnh và xinh đẹp”.
Từ khi bước lên xe ngồi trong cabin cạnh Lãm suốt đoạn đường nguy hiểm đến ngầm Đá xanh, Nguyệt vẫn với dáng ngồi “chống khuỷu tay lên thành cửa nhỉn ra ngoài” thật bình thản. Cái bình thản của người giàu kinh nghiệm luôn đối diện với gian nguy nên luôn tỉnh táo, tự tin phán đoán đúng tình thế.
Khi xe rẽ sang con đường xế về phía ngầm, Nguyệt phải xuống “xi nhan” giúp Lãm kéo xe lên khỏi những hố sâu nhão nhoét do con đường đầy những hố bom cũ và mới. Lúc xe qua ngầm Đá xanh, do “hôm trước mưa lũ, nước dâng cao trên mặt đá đến hơn một thước” nên đã tràn vào ống xã hơi ùng ục, “chiếc xe lắc điên đảo” ngoi lên, hụp xuống đến quá nửa ngầm thì không đi được nữa. Trước tình hình đó, Nguyệt đã linh hoạt
“đứng bám trên cánh cửa” hướng dẫn cho Lam “đi đúng giữa hai hàng cọc tiêu”. Đúng lúc ấy, có dấu hiệu máy bay giặc đến. Rất nhanh “cô vội nhảy ùm xuống nước” bảo Lãm tắt đèn để tránh phát hiện của máy bay, rồi giữa đêm lạnh “cô để nguyên quần áo, nhanh nhẹn lội phăng sang bên kia bờ giúp Lãm cột dây tời kéo xe qua ngầm”. Nhưng không kịp nữa, địch đã thả bom tọa độ. Dũng cảm hết sức, từ chỗ ẩn nấp, Nguyệt lao ra cùng Lãm và quyết định cho xe chạy đi giữa lúc “máy bay địch quay tròn trên đầu như xay lúa, rất thấp, thả pháo sáng, bắn đạn hai mươi ly đỏ lừ nghe rát cả mặt”. Một loạt bom rất gần, sức hơi bom xô Nguyệt ngã chúi và làm cô bị thương. Mặc! Giọng nói Nguyệt cứ rành rọt như người đếm, như không hề có bom rơi đạn nổ “… ngoặc sang trái… Trước mặt có hố bom đấy… Chuẩn bị sắp lên một cái dốc có “cua”…”. Cứ thế, Nguyệt biến thành cọc tiêu sống dò đường giúp Lãm đưa xe vượt qua khỏi vùng lửa đạn. Cảm phục hơn, cô vẫn cười tươi, vẫn đùa “từ giờ đến sáng, em có thể đi lên đến tận trời được” khi vết thương “máu chảy loang đỏ cả cánh tay”.
Tuyệt vời dũng cảm, tuyệt vời gan dạ anh hùng! Vẻ đẹp đó được thể hiện một cách hết sức tự nhiên và được đẩy lên đến tuyệt đỉnh trong tình huống căng thẳng nhất của chiến tranh.
- Có tình cảm đẹp đẽ trong trắng:
o Dù chiến tranh xảy ra ác liệt, dù thời gian trôi qua, Nguyệt vẫn giữ trong tim mình hình ảnh Lãm, một chàng trai dám trốn gia đình để đi bộ đội. Tình yêu của Nguyệt dành cho Lãm trong sáng, thi vị, đầy lãng mạn. Cô gái Trường Sơn đã sống và chiến đấu như thế nào thì cũng yêu như thế đó. Phải là người rất tin yêu cuộc đời, tin yêu mình thì mới có thể sống trọn vẹn với một tình yêu lãng mạn nhường ấy. Ở đây, niềm tin sỡ dĩ có sức mạnh mãnh liệt một phần cũng chính nhờ ở quan điểm về cuộc sống, về tình yêu đúng đắn của Nguyệt. Yêu đời, yêu người gắn liền với tình yêu lí tưởng, Tố quốc, cái riêng hào quyện vào cái chung. Tình yêu lứa đôi không chỉ là hạnh phúc của riêng cá nhân. Hạnh phúc, tình yêu sẽ đẹp và trọn vẹn hơn khi ta biết thủy chung, biết sống vì mọi người, biết dũng cảm quên mình vì người khác.
Dù lỡ cơ hội gặp nhau, nhưng nhờ hành động dũng cảm, sự hy sinh quên mình mà Nguyệt đã kịp gieo vào lòng lãm một hạt giống tình yêu để từ đó cây tình yêu sẽ nảy mầm, đơm hoa kết trái. Như vậy, rõ ràng nhờ sức mạnh của niềm tin và cuộc sống và tình yêu mà họ đã thực sự gặp nhau trong nét đẹp nhân cách, tâm hồn. Thế mới biết, chiến tranh trong mắt tuổi trẻ Việt nam đâu chỉ là chết chóc, đau thương mà còn là nơi “con
người khám phá ra nhau, phát hiện ra vẻ đẹp tâm hồn của nhau, để yêu nhau”.
Vì thế, không phải ngẫu nhiên mà Nguyễn Minh Châu lại nhắc đến hai lần hình ảnh “sợi chỉ xanh óng ánh” ở phần đầu và phần kết truyện. “Trong tâm hồn người con gái nhỏ bé, tình yêu và niềm tin mãnh liệt vào cuộc sống, cái sợi chỉ xanh óng ánh ấy, bao nhiêu bom đạn dội xuống cũng không hề đứt, không thể nào tàn phá nỗi”. “Sợi chỉ xanh óng ánh”
ấy là hình ảnh biểu tượng khẳng định lại một lần nữa: Chính tình yêu và niềm tin mãnh liệt vào cuộc sống sẽ là sức mạnh để chiến thắng bom đạn khốc liệt của quân thù. o Tnú, mặc dù rất gan dạ, bình thản trước kẻ thù, nhưng khi xa làng thì nỗi nhớ day dứt, nỗi nhớ như vết nứa cắt vào lòng anh, đó là tiếng chày giã gạo, tiếng chày chuyên cần của mẹ, của mai, của những cô gái Strá giã gạo. Trở về làng sau ba năm đi bộ đội, Tnú rất hồi hộp và xúc động khi đi qua những chỗ ngoặt nơi anh và Mai gặp lại nhau sau ngày anh vượt ngục trở về.
Rồi tình yêu của Tnú đối với vợ con đã khiến Tnú bất chấp mọi nguy hiểm cho bả thân mình, anh đã “nhảy xổ vào giữa bọn lính” để cứu vợ con dù biết rằng mình sẽ bị địch bắt.
III. Kết luận:
Qua hai tác phẩm “Rừng xà nu” và “Mảnh trăng cuối rừng”, hai nhà văn Nguyễn Trung Thành và Nguyễn Minh Châu đã khắc họa hình ảnh con người Việt Nam anh hùng thật kiên cường, dũng cảm, bất khuất trước kẻ thù nhưng cũng hết sức giản dị trong đời thường.
Đó là những con người có lòng yêu nước nồng nàn, có lòng căm thù giặc sâu sắc, có tinh thần chiến đấu kiên cường, bất khuất, có tình cảm phong phú và trong sáng. Họ đã đem lại vẻ đẹp cho đất nước cũng nhu đem lại niềm tự hào cho dân tộc. Họ đã kế thừa một cách xứng đáng truyền thống bốn ngàn năm lịch sử chống ngoại xâm của đất nước, dân tộc. Hình ảnh anh hùng của họ mãi mãi là tấm gương sáng cho thế hệ hôm nay và mai sau noi theo