Theo 2 nhóm ngành: Sản xuất sản phẩm xã hội và nhóm ngành kết cấu hạ tầng

Một phần của tài liệu Đồ án môn học cơ cấu đầu tư và cơ cấu đầu tư hợp lý (Trang 43 - 45)

I. Thực trạng cơ cấu đầu tư và chuyển dịch cơ cấu đầu tư của Việt Nam thời gian qua

3. Cơ cấu đầu tư phát triển theo ngành

3.1. Theo 2 nhóm ngành: Sản xuất sản phẩm xã hội và nhóm ngành kết cấu hạ tầng

cấu hạ tầng

Có thể thấy, khối ngành sản xuất sản phẩm xã hội và khối ngành kết cấu hạ tầng có mối quan hệ tương hỗ lẫn nhau. Đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng tạo điều kiện cho đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh đạt hiệu quả cao. Đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, đến lượt mình lại tạo tiềm lực cho đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng.

Bảng 15. Cơ cấu vốn đầu tư theo ngành

Đơn vị tính:%

Khối ngành 1996- 2000 2001- 2004 2005-2009

Khối ngành sản xuất sản phẩm xã hội 54,7 54,8 52,7

Khối ngành kết cấu hạ tầng 45,3 45,2 47,3

Nguồn: Sách giáo trình KTĐT+ tổng hợp

Qua bảng trên, ta thấy tỷ trọng vốn đầu tư cho khối ngành sản xuất sản phẩm xã hội (trung bình giai đoạn 1996-2009 đạt khoảng 54%) chiếm tỷ trọng lớn hơn tỷ trọng vốn đầu tư cho khối ngành kết cấu hạ tầng (tương ứng là 46%).

- Tỷ trọng vốn đầu tư cho khối ngành sản xuất sản phẩm xã hội có xu hướng giảm dần từ 54,7% trong giai đoạn 1996-2000 xuống còn 52,7% trong giai đoạn 2005-2009, tuy nhiên vẫn chiếm tỷ trọng cao.

- Tỷ trọng vốn đầu tư cho kết cấu hạ tầng có xu hướng tăng lên từ 45,3% giai đoạn 1996-2000 lên khoảng 47,3% giai đoạn 2005-2009.

Việc tập trung đầu tư cho nhóm ngành sản xuất kinh doanh góp phần thúc đẩy tăng trưởng và phát triển, bên cạnh đó đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cũng đã được quan tâm đã tạo nền tảng cơ bản cho bộ mặt đất nước, tạo đà phát triển và cơ sở để thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài - một nguồn vốn có vai trò ngày càng quan trọng đối với nước ta.

Cụ thể về khối ngành kết cấu hạ tầng:

Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã dành sự quan tâm lớn cho đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội. Nhờ đó, hệ thống kết cấu hạ tầng có bước phát triển, từng bước đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ đất nước, góp phần bảo đảm tăng trưởng kinh tế nhanh, phát triển các lĩnh vực văn hoá, xã hội, giảm nhẹ thiên tai, bảo đảm quốc phòng, an ninh, nâng cao đời sống nhân dân, xoá đói, giảm nghèo, rút ngắn khoảng cách giữa các vùng, miền. Một số công trình hiện đại được đầu tư xây dựng đạt tiêu chuẩn khu vực và quốc tế, góp phần tạo diện mạo mới cho đất nước.

Nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng ngày càng lớn và đa dạng. Ngoài nguồn lực của Nhà nước, đã và đang mở rộng sự tham gia của toàn xã hội, nhất là đầu tư của các doanh nghiệp vào các dự án giao thông, khu công nghiệp, khu đô thị mới và đóng góp tự nguyện của nhân dân vào phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn. Các hình thức đầu tư, xây dựng, vận hành, kinh doanh được đa dạng hoá, mở rộng.

Theo báo cáo của WB, nguồn vốn đầu tư cho lĩnh vực cơ sở hạ tầng hàng năm của Việt Nam đạt mức 10% GDP, cao hơn nhiều so với tiêu chuẩn quốc tế (ở Trung Quốc chỉ khoảng 3% GDP, Ấn Độ là 9%, Malaysia khoảng 5%,…) và tính đến năm 2010 vốn đầu tư cho cơ sở hạ tầng đạt khoảng 47,3% tổng vốn đầu tư toàn xã hội.

Theo báo cáo của Bộ kế hoạch và Đầu tư, thì các KCN đã thu hút được nhiều nhà đầu tư tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng. Đến nay, tổng vốn đầu tư kết cấu hạ tầng của 267 KCN vào khoảng 9 tỷ USD, trong đó 31 KCN do doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài làm chủ đầu tư, với tổng số vốn đăng ký khoảng 2 tỷ USD. Các KCN còn lại do DN trong nước làm chủ đầu tư, với tổng vốn đầu tư 7 tỷ USD. Trong số 267 KCN được thành lập, 180 KCN đã đi vào hoạt động có tổng vốn đầu tư kết cấu hạ tầng đăng ký là 5 tỷ USD; còn lại 87 KCN đang trong giai đoạn đền bù giải phóng mặt bằng và xây dựng cơ bản. Một số KCN đã xây dựng mô hình hiện đại gắn với phát triển khu đô thị, khu dịch vụ, giáo dục... như KCN Tân Tạo (Long An), KCN Quế Võ (Bắc Ninh)...

Tuy đã được đầu tư đúng mức nhưng hiệu quả đem lại thì còn rất nhiều hạn chế.

Theo đánh giá của Diễn đàn Kinh tế thế giới, Việt Nam hiện xếp hạng cuối trong chỉ số năng lực cạnh tranh về chất lượng hạ tầng so với các nước trong khu vực. Cơ sở hạ tầng Việt Nam bị đánh giá là yếu kém, lạc hậu, thiếu đồng bộ, kém tính kết nối, hiện đang là điểm nghẽn của quá trình phát triển… Việc nâng cấp hạ tầng vật chất của Việt Nam vẫn còn nhiều thiếu sót và trậm trễ. Nhất là trong việc phát triển cơ sở hạ tầng trọng yếu, như các tuyến đường liên tỉnh, cầu…

Hạ tầng đô thị kém chất lượng và quá tải. Hạ tầng xã hội thiếu về số lượng, yếu về chất lượng, hiệu quả sử dụng chưa cao, chưa đáp ứng được yêu cầu dịch vụ xã hội cơ bản, đặc biệt là về y tế, giáo dục. Hạ tầng thông tin phát triển chưa đi đôi với quản lý, sử dụng một cách có hiệu quả. Cơ sở hạ tầng nông thôn phát triển chậm, chưa đồng đều, nhất là ở các tỉnh miền núi và đồng bằng sông Cửu Long. Nhiều công trình chậm tiến độ, kém chất lượng, chi phí cao. Công tác quản lý, khai thác, sử dụng, dịch vụ hạ tầng còn yếu, hiệu quả thấp.

Tình trạng ách tắc giao thông, giá đất cao, xây dựng cơ sở hạ tầng, đường giao thông đắt đỏ tại các đô thị lớn như Hà Nội và Tp. HCM là một trong những bước cản lớn cho phát triển của 2 thành phố lớn nhất nước này.

Mặc dù chưa có một cơ quan, tổ chức nào đưa ra được tỷ lệ và số liệu chính xác về thất thoát, lãng phí trong đầu tư XDCB là bao nhiêu nhưng thất thoát, lãng phí là có thực và nó xảy ra ở tất cả các khâu, giai đoạn của quá trình đầu tư. Bên cạnh đó khung pháp lý yếu kém, trình độ quản lý giám sát còn lỏng lẻo đã cản trở sự phát triển của các dự án. Các cơ sở hạ tầng tồn tại khá nghèo nàn cũng ảnh hưởng đến việc thi công và tiến độ hoàn thành các dự án.

Sự đầu tư cho lĩnh vực còn dàn trải, chưa đồng bộ dẫn tới cơ sở hạ tầng yếu kém, chưa đáp ứng kịp thời cho khối ngành sản xuất sản phẩm xã hội. Do đó chưa phát huy được hết tiềm lực đầu tư, làm ảnh hưởng tới sự phát triển kinh tế.

Hạn chế, yếu kém nêu trên có nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó nguyên nhân chủ quan là chủ yếu. Tư duy về phát triển kết cấu hạ tầng chậm đổi mới, chưa phù hợp với cơ chế thị trường; nguồn lực đầu tư vẫn chủ yếu dựa vào ngân sách nhà nước, chưa huy động được nhiều nguồn lực ngoài nhà nước, chưa tạo được sự ủng hộ mạnh mẽ và chia sẻ trách nhiệm của toàn dân. Công tác quản lý nhà nước về đầu tư còn nhiều bất cập; hệ thống pháp luật thiếu đồng bộ, nhiều quy định chưa phù hợp; phân cấp mạnh, nhưng thiếu cơ chế giám sát và quản lý có hiệu quả. Chất lượng quy hoạch còn thấp, thiếu tính đồng bộ, bao quát, kết nối và tầm nhìn dài hạn; quản lý thực hiện quy hoạch còn yếu. Phân bổ nguồn lực dàn trải, chưa có kế hoạch phân bổ vốn trung và dài hạn để tập trung vào các công trình trọng điểm thiết yếu; chi phí đầu tư còn cao, hiệu quả thấp; chưa có cơ chế, chính sách thích hợp để huy động tiềm năng và nguồn lực, nhất là đất đai cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng. Thiếu chế tài, kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm.

Những hạn chế về cơ sở hạ tầng tại Việt Nam theo đánh giá bởi các nhà đầu tư nước ngoài sẽ đe doạ các dự án FDI đối với xuất khẩu và sản xuất. Đồng thời, sự yếu kém và thiếu thốn về lĩnh vực này là nguyên nhân gây tụt hậu, ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng kinh tế.

Tóm lại, cơ cấu vốn đầu tư toàn xã hội phân bổ vào 2 nhóm ngành này đang có xu hướng dịch chuyển khá hợp lý, nhóm ngành kết cấu hạ tầng ngày càng được chú trọng đầu tư, tạo cơ sở hỗ trợ cho nhóm ngành sản xuẩt sản phẩm xã hội phát triển. Tuy nhiên về nhóm ngành kết cấu hạ tầng có thể thấy việc đầu tư dàn trải, thiếu đồng bộ dẫn đến chất lượng cơ sở hạ tầng nước ta yếu kém, đó là điểm “nghẽn” cho nền kinh tế hiện nay.

Một phần của tài liệu Đồ án môn học cơ cấu đầu tư và cơ cấu đầu tư hợp lý (Trang 43 - 45)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(72 trang)
w