Mạng lưới khí tượng thủy văn và hệ thống trạm quan trắc số liệu hệ thống sông Hồng

Một phần của tài liệu Đánh giá hiện trạng chất lượng nước hệ thống sông hồng (Trang 26 - 28)

sông Hồng

1.2.1. Lịch sử hình thành và phát triển mạng lưới khí tượng thủy văn 1.2.1.1. Mạng lưới trạm khí tượng thủy văn

Mạng lưới trạm khí tượng thủy văn của nước ta đã có lịch sử trên 100 năm xây dựng và phát triển, gắn liền với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Năm 1867, trạm khí tượng đầu tiên được xây dựng tại Việt Nam là trạm Nhà Thương Sài Gòn. Đến năm 1902, khi Toàn quyền Đông Dương ban hành Nghị định thành lập Đài Quan sát Từ trường và Khí tượng Trung ương Đông Dương - Cơ quan quản lý mạng lưới trạm khí tượng đầu tiên tại Việt Nam, nước ta chỉ có 51 trạm (38 trạm khí tượng, 13 trạm thủy văn). Đến nay, mạng lưới trạm khí tượng thủy văn nước ta có 871 trạm, bao gồm khí tượng bề mặt, bức xạ, đo mưa, khí tượng nông nghiệp, khí tượng cao không, thủy văn và khí tượng thủy văn biển (sau đây gọi chung là trạm khí tượng thủy văn). Các trạm này được phân bố rộng khắp trên lãnh thổ Việt Nam từ Bắc vào Nam, từ miền núi cao đến đồng bằng ven biển, các hải đảo xa xôi và quan trắc ngày càng đầy đủ các yếu tố về khí tượng thủy văn [19].

Để có được mạng lưới trạm như hiện nay, Nhà nước đã đầu tư cho nghiên cứu quy hoạch và đầu tư xây dựng mạng lưới một cách khá cơ bản và toàn diện qua các thời kỳ: Mạng lưới trạm khí tượng (1960); Mạng lưới trạm thủy văn cơ bản miền Bắc Việt Nam (1961); Mạng lưới trạm thủy văn cơ bản tối thiểu từ Nam Bình Trị Thiên trở vào (1976); Mạng lưới trạm khí tượng thủy văn cơ bản (1987); Mạng lưới trạm đo mưa cơ bản (1991); Hệ thống kiểm soát môi trường không khí và nước (1992) và Mạng lưới trạm rađa thời tiết (1998).

Từ khi hình thành đến nay, Nha Khí tượng, Bộ Thuỷ lợi, Tổng cục Khí tượng Thuỷ văn (trước đây) đã tổ chức nghiên cứu ban hành quy hoạch mạng lưới trạm khí tượng thuỷ văn và xây dựng các trạm này theo những tiêu chí chung của Tổ chức Khí

tượng thế giới. Mạng lưới trạm khí tượng thuỷ văn hiện nay bao gồm 176 trạm khí tượng bề mặt, 29 trạm khí tượng nông nghiệp, 13 trạm bức xạ, 19 trạm khí tượng cao không, 232 trạm thuỷ văn, 17 trạm khí tượng thuỷ văn biển và 393 trạm đo mưa ngoài mạng lưới trạm khí tượng thuỷ văn cơ bản, hoạt động liên tục, thu thập và cung cấp một khối lượng số liệu điều tra cơ bản KTTV to lớn phục vụ cho công tác điều tra cơ bản. Tham gia mạng lưới điện báo số liệu để phục vụ dự báo có 127 trạm khí tượng (75%), 182 trạm thủy văn (78%), 76 trạm đo mưa (19%).

Trong những năm qua công tác điều tra cơ bản KTTV đã có nhiều đóng góp tích cực và to lớn trong việc phục vụ dự báo, phòng tránh thiên tai, phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an ninh-quốc phòng. Mạng lưới trạm KTTV trong nhiều năm qua đã được quan tâm đầu tư xây dựng và nâng cấp; nhiều máy móc trang thiết bị, trong đó có những trang thiết bị loại mới đã được lắp đặt sử dụng, phát huy hiệu quả, cung cấp kịp thời kết quả số liệu quan trắc phục vụ cho công tác cảnh báo, dự báo bão, áp thấp nhiệt đới, lũ, thiên tai có nguồn gốc KTTV. Tuy nhiên, về cơ bản mạng lưới trạm KTTV vẫn còn lạc hậu so với mặt bằng chung của khu vực và thế giới, chưa đáp ứng đầy đủ và kịp thời những yêu cầu cấp thiết của đất nước, thu thập số liệu vẫn theo phương pháp thủ công truyền thống. Ngoài ra, mạng lưới trạm quan trắc, đặc biệt là ở vùng núi và vùng thượng lưu các sông suối chưa đủ dầy để có thể theo dõi, đánh giá sự biến đổi theo không gian và thời gian của các yếu tố khí tượng, thủy văn nên đã hạn chế khả năng cung cấp số liệu phục vụ yêu cầu dự báo KTTV. Hệ thống thông tin truyền số liệu từ các trạm quan trắc về Trung tâm dự báo KTTV Trung ương và các Trung tâm dự báo KTTV tỉnh, các Đài KTTV khu vực vẫn sử dụng các phương tiện phổ thông - không truyền số liệu thời gian thực (số liệu tức thời), không có khả năng truyền số liệu từ những điểm, trạm ở các vùng xa xôi hẻo lánh nơi không có mạng thông tin bưu điện và chưa bảo đảm tuyệt đối thông suốt trong mọi tình huống [19].

Mạng lưới trạm quan trắc KTTV hiện tại tạm đáp ứng được các yêu cầu cơ bản để dự báo bằng các phương pháp truyền thống, nhưng để dự báo với các phương pháp hiện đại, mạng lưới này chưa đủ dày. So với một số nước trong khu vực, mật độ trạm quan trắc KTTV của nước ta quá thưa. Chẳng hạn, lãnh thổ Hồng Kông có diện tích khoảng 1000 km2 nhưng có tới 62 trạm khí tượng, Hàn Quốc có diện tích chưa bằng một phần ba diện tích nước ta nhưng có gần 500 trạm khí tượng. Riêng về mạng lưới trạm quan trắc khí tượng cao không nước ta có mật độ xấp xỉ một vài nước trong khu vực; nhưng do địa hình kéo dài, 5 trạm thám không vô tuyến ở Hà Nội, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh, Vinh, Điện Biên cách nhau khá xa. Do số liệu khí tượng trên cao thưa nên việc dự báo gặp nhiều khó khăn.

Một phần của tài liệu Đánh giá hiện trạng chất lượng nước hệ thống sông hồng (Trang 26 - 28)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(93 trang)