Về nguyên tắc, việc áp dụng TSA đối với nhiều trục khác nhau đòi hỏi mỗi trục phải sử dụng một đầu đo pha. Đó là những rào cản lớn trong việc nhận dạng dấu hiệu của hư hỏng bất thường tại các trục, bởi trong quá trình hộp số vận hành chỉ có thể gắn duy nhất một đầu đo pha đo tốc độ động cơ tại trục vào. Phần này trình bày thuật toán sử dụng đầu đo pha duy nhất đó để tiến hành TSA với các trục khác nhau.
Hình 4.10: Trung bình hóa tín hiệu đồng bộ đối với một trục không gắn đầu đo pha
Việc áp dụng phương pháp trung bình hóa tín hiệu đồng bộ cho các trục khác nhau trong hộp số nhiều cấp mà chỉ sử dụng một đầu đo pha duy nhất được mô tả trên hình 4.10. Đầu đo pha gắn tại trục đầu vào A của hộp số, đầu đo gia tốc gắn ở vỏ của hộp số.
95
Hình 4.11: Trung bình hóa tín hiệu đồng bộ với nhiều trục khác nhau chỉ sử dụng một đầu đo pha
Sử dụng tín hiệu pha đo được ta có thể tiến hành trung bình hóa tín hiệu gia tốc đồng bộ với trục A theo cách thức đã trình bày ở phần trên. Để thực hiện trung bình hóa tín hiệu đồng bộ với trục C, ta cần có tín hiệu pha ứng với trục C. Do đó, ta phải thiết lập tín hiệu pha ứng với trục C dựa vào tỷ số truyền giữa hai trục A và C.
Hình 4.11 minh họa áp dụng kỹ thuật trung bình hóa tín hiệu đồng bộ với hộp số có 3 trục (trục vào, trục giữa và trục ra), hai đầu đo gia tốc, đầu đo 1 và đầu đo 2, gắn ở hai cạnh của hộp số. Chỉ có duy nhất một đầu đo pha để đo tốc độ quay trục vào, tuy nhiên khi áp dụng đề xuất ở trên ta vẫn có thể trung bình hóa tín hiệu đồng bộ với ba trục khác nhau. Kết quả trung bình hóa với 3 vòng quay trong một khối cho thấy có hư hỏng xuất hiện tại bánh răng gắn trên trục giữa với biểu hiễn rõ rệt ba vòng quay xuất hiện ba xung có biên độ lớn.