Vài nét về tình hình tôn giáo ở nước ta hiện nay

Một phần của tài liệu chính sách của đảng và nhà nước về tôn giáo trường hợp phật giáo từ 1981 2008 (Trang 33 - 38)

Ngoài tín ngưỡng truyền thống, có rất nhiều các tôn giáo hiện đang cùng tồn tại và phát triển. Không kể đến Phật giáo, những tôn giáo chính ở Việt Nam hiện nay tiểu biểu như:

Công giáo là tôn giáo lớn thứ hai ở Việt Nam với 5,5 triệu tín đồ, chỉ đứng sau Phật giáo, được du nhập và tồn tại gần 5 thế kỷ, đến nay đã trở thành một trong những tôn giáo chính ở Việt Nam. Công giáo đã có mặt ở hầu hết lãnh thổ Việt Nam và tìm được vị trí đáng kể trong đời sống tâm linh người Việt.

Nhìn lại lịch sử Công giáo, có những thời điểm mối quan hệ giữa Công giáo và Dân tộc trở nên rất khó khăn, nhạy cảm. Khi mà một bộ phận chức sắc và tín đồ Công giáo do không hiểu rõ chính sách tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Đảng và Nhà nước; bị kẻ thù lợi dụng, lôi kéo, đã đi ngược lại với quyền lợi của dân tộc. Nhất là thời kỳ các giám mục ra Thư chung ngày 9 tháng 11 năm 1951. Vô hình chung, Thư chung ấy đã đẩy đồng bào Công giáo đứng ở phía bên kia chiến tuyến với dân tộc. Nó đặt tín đồ và chức sắc yêu nước muốn tham gia vào cuộc cách mạng giải phóng dân tộc trước hai sự lựa chọn nan giải: hoặc là đi với dân tộc thì phải bỏ Chúa, hoặc là đi với Chúa thì phải quay lưng với cách mạng giải phóng dân tộc, trong khi đó hầu hết tín đồ Công giáo đều mong muốn cả hai: vừa kính Chúa, vừa yêu nước.

Song với những cố gắng không mệt mỏi của Đảng và Nhà nước, điển hình Hồ Chủ Tịch, đồng bào Công giáo đã dần hiểu và nắm rõ chính sách tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Chính phủ cách mạng. Cộng sản không nhằm

mục đích tiêu diệt Công giáo, mà làm cho đức tin của đồng bào Công giáo được hiện thực hóa. Đồng bào vừa có thể kính Chúa, vừa có thể yêu nước.

Đặc biệt là từ tháng 5 năm 1980, Hội đồng Giám mục Việt Nam ra Thư chung với đường hướng “Sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc”, “Gắn bó với dân tộc và đất nước”, “Gắn bó với vận mệnh quê hương, noi theo truyền thống dân tộc, hòa mình vào cuộc sống hiện tại của đất nước”[57, tr. 32], đã mở ra thời kỳ mới cho tổ chức và phong trào yêu nước của người Công giáo Việt Nam. Từ đó, Giáo hội Công giáo thể hiện quyết tâm mạnh mẽ “đồng hành cùng dân tộc”, để chung tay xây dựng đất nước Việt Nam phồn thịnh và phát triển.

Tuy nhiên đi ngược lại với xu thế chung, vẫn còn một số kẻ đội lốt tôn giáo cố tình khơi lại “vết thương cũ” về mối quan hệ Công giáo và Dân tộc trong lịch sử, gây ra không ít khó khăn cho Đảng và Nhà nước ta trong việc củng cố khối đại đoàn kết dân tộc.

Tiếp đến là đạo Tin Lành, có mặt ở Việt Nam muộn hơn so với các tôn giáo khác, khoảng vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, do tổ chức Hội truyền giáo CMA truyền vào. Năm 1911 được coi là mốc xác nhận việc truyền đạo Tin Lành vào Việt Nam. Đến nay có khoảng trên 1 triệu tín đồ.

Năm 1958, những giáo sĩ và tín đồ ở miền Bắc đã lập tổ chức giáo hội riêng, lấy tên là Tổng hội Hội thánh Tin Lành Việt Nam (miền Bắc), gọi tắt là

Hội thánh Tin Lành Việt Nam (miền Bắc). Đại hội đồng quyết định xúc tiến soạn thảo điều lệ riêng và đến năm 1962, Điều lệ chính thức của Hội thánh Tin Lành miền Bắc được thông qua, với đường hướng hoạt động là Kính Chúa và Yêu Nước. Hội thánh cũng đã được Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa cho phép hoạt động. Còn ở miền Nam, trong những năm 1954 – 1975 được sự hỗ trợ của MCA giúp Tổng liên hội Hội thánh Tin Lành Việt Nam (miền Nam), còn được gọi là Hội thánh Tin Lành Việt Nam (miền Nam), xây dựng hệ thống tổ chức, mở rộng các cơ sở tôn giáo, kinh tế, văn hóa.

Thời kỳ những năm 1954 - 1975, ngoài Hội thánh Tin Lành Việt Nam (miền Nam) đã có từ trước ở miền Nam, xuất hiện rất nhiều các tổ chức hệ phái Tin Lành khác hoặc tách ra từ Hội thánh Tin Lành miền Nam hoặc du nhập từ bên ngoài vào như: Men-nô-nai, Hội Truyền giáo Cơ đốc, Báp-tít,

Môn đệ đấng Christ, Chứng nhân Giê-hô-va, Hoàn cầu Khải tượng, Cơ đốc Phục lâm, Giáo hội Ngũ tuần,… Sau ngày miền Nam giải phóng, các cơ sở của Hội thánh Tin Lành miền Nam, Cơ đốc Phục lâm, Truyền giáo Cơ đốc, Báp- tít và một số hệ phái Tin Lành khác vẫn duy trì sinh hoạt tôn giáo bình thường.

Tháng 1 năm 2001, Đại hội đồng Tổng liên hội Hội thánh Tin Lành Việt Nam (miền Nam) được tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh và đã thông qua Hiến chương mới (gọi là Hiến chương năm 2001), xác định đường hướng hoạt động của Hội thánh Tin Lành Việt Nam (miền Nam): “Sống Phúc âm, phụng sự Thiên Chúa, phục sự Tổ quốc và Dân tộc” [2, tr. 30].

Hiện nay, cộng đồng Tin Lành ở Việt Nam phát triển khá phức tạp, với nhiều hệ phái, mà phần lớn là có nguồn gốc từ Âu - Mỹ và có sự khác nhau giữa các tổ chức hệ phái, giữa các vùng miền. Nhất là bộ phận Tin Lành ở Tây Nguyên có quan hệ với tổ chức phản động Furlo lưu vong, đòi thành lập “Nhà nước Đềga tự trị”, “Tin Lành Đềga” trong thời gian vừa qua. Song với nhận thức của Đảng và Nhà nước, dù đây là “nhóm đặc biệt” trong gia đình Kitô giáo, rất đa nguyên về tổ chức và nặng về “tính cá thể” trong đức tin, tôn giáo này không dễ dàng hội nhập với văn hóa dân tộc, một mặt vẫn tôn trọng nhu cầu tín ngưỡng thuần túy của đồng bào, tạo điều kiện để các Chi bộ được phát triển bình đẳng với các tôn giáo khác; mặt khác hướng dẫn tổ chức các tôn giáo hoạt động trong phạm vị pháp luật của Nhà nước, từng bước hợp pháp hóa hoạt động của cộng đồng Tin Lành ở nước ta. Đặc biệt là với Chỉ thị số 01/2005/CT-TTg, ngày 4 tháng 2 năm 2005, của Thủ tướng Chính phủ

Về một số công tác đồi với đạo Tin Lành thể hiện sự đổi mới quan điểm, thái độ và chính sách của Đảng, Nhà nước với tôn giáo Tin Lành.

Là một trong hai tôn giáo có nguồn gốc nội sinh, đạo Cao Đài chính thức thành lập năm 1926, do tầng lớp trí thức công chức, các chủ điền sản đứng ra tổ chức. Khi mới ra đời, Cao Đài là một tổ chức thống nhất với cơ quan đầu não ở Tây Ninh. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn bắt đầu chia thành các hệ phái, đặc biệt là từ năm 1934, khi ông Lê Văn Trung quyền giáo

tông qua đời, sự phân hóa diễn ra gay gắt, có thời điểm lên tới hơn 30 hệ phái. Trong đó, phái Tây Ninh là phái lớn nhất của Cao Đài.

Về thái độ chính trị, nhìn chung đạo Cao Đài gắn hoạt động tôn giáo với hoạt động chính trị. Tuy nhiên các hệ phái có sự phân hóa sâu sắc, thậm chí đối lập nhau: tham gia cách mạng hoặc chống lại cách mạng, tùy thuộc vào người cầm đầu. Có một số bộ phận tích cực tham gia kháng chiến như Minh Chơn đạo, Ban Chỉnh đạo, Tiên Thiên… Nhưng cũng có một số bộ phận chủ trương thân Pháp, thân Mỹ và chống cách mạng rất quyết liệt, gây ra cho Chính phủ cách mạng không ít khó khăn.

Sau khi đất nước thống nhất, các tổ chức chính trị trước đây của đạo không còn tồn tại, đạo chuyển sang hoạt động thuần túy tôn giáo. Với đường hướng hành đạo “Nước sáng, Đạo vinh”, gắn bó hơn với dân tộc và chủ nghĩa xã hội, Cao Đài chứng tỏ sự đồng hành của mình cùng vận mệnh dân tộc, đoàn kết thống nhất để phát triển đạo, không để kẻ thù lợi dụng lôi kéo vào mục đích chính trị. Hiện nay, 11 tổ chức, hệ phái của đạo đã được Nhà nước công nhận tư cách pháp nhân. Tổng số tín đồ trên 2 triệu người, có 1.257 thánh thất, cơ sở hành đạo thuộc 37 tỉnh, thành phố[93, tr 29].

Cùng với đạo Cao Đài, Phật giáo Hòa Hảo được ra đời năm 1939, tại làng Hòa Hảo, tỉnh Châu Đốc (nay là tỉnh An Giang), sau phát triển rộng ra đồng bằng sông Cửu Long, do Huỳnh Phú Sổ là người sáng lập, trên cơ sở thừa kế truyền thống của đạo Bửu Sơn Kỳ Hương do Đoàn Minh Huyên sáng lập và Tứ ân hiếu nghĩa của Ngô Văn Lợi. Hiện nay, Phật giáo Hòa Hảo có trên 1,2 triệu tín đồ.

Ra đời muộn nhưng Phật giáo Hòa Hảo lại gắn với hoạt động chính trị rất sớm và nhận được sự hậu thuẫn của thế lực thù địch. Với vấn đề Phật giáo Hòa Hảo, Trung ương đặc biệt coi trọng công tác “Hòa Hảo vận”, giúp đỡ cho Huỳnh Văn Trí tổ chức “Đại hội những người Hòa Hảo yêu nước”. Tác động của Đại hội đối với tín đồ Phật giáo Hòa Hảo yêu nước là rất lớn, đã vận động tín đồ ủng hộ chính phủ cách mạng, không theo địch chống đối cách mạng. Kết quả là ngày càng nhiều cơ sở cách mạng hình thành ngay trong các làng xã Hòa Hảo, binh lính phục vụ trong lực lượng vũ trang Phật giáo Hòa Hảo

quay về ngày một đông. Trong những ngày Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975, tín đồ Hòa Hảo đã vận động bảo an quân Hòa Hảo buông súng trở về với gia đình, góp phần xây dựng đất nước.

Tháng 5 năm 1999, Phật giáo Hòa Hảo tiến hành Đại hội lần thứ nhất (1999 - 2004), thông qua Quy chế, Chương trình Đạo sự, Tâm thư và Lời kêu gọi. Phật giáo Hỏa Hảo đã được Nhà nước công nhận tư cách pháp nhân. Sau kỳ Đại hội lần thứ hai (2004 - 2009), nhất là với bản Hiến chương 2004 khẳng định đường hướng hành đạo “Vì Đạo pháp, vì Dân tộc”, Phật giáo Hòa Hảo đang sánh bước cùng dân tộc.

Sau nữa là Đạo Hồi, được du nhập vào Việt Nam chủ yếu bằng con đường “hòa bình” qua các thương nhân Ả rập, Ấn Độ, Ba Tư. Chính sự du nhập và phát triển bằng con đường “hòa bình”, lại từ nguồn Hồi giáo ở Ấn Độ, nên Hồi giáo ở Đông Nam Á nói chung, Việt Nam nói riêng, thường bị pha trộn với tín ngưỡng, phong tục địa phương và vay mượn từ tôn giáo khác và ít chịu ảnh hưởng của tư tưởng cực đoan như Hồi giáo ở khu vực khác.

Người Chăm biết đến đạo Hồi từ cuối thế kỷ thứ X đầu thế kỷ XI, nhưng phải đến thế kỷ XV sau sự kiện Chà Bàn (Bình Định) thất thủ năm 1470 dẫn đến nước Chiêm Thành suy vong, đạo Hồi trong người Chăm mới biểu hiện rõ nét. Từ đó, hình thành hai khối người Chăm theo đạo Hồi ở Việt Nam: Hồi giáo Chăm Bàni (Hồi giáo cũ) chủ yếu ở Ninh Thuận, Bình Thuận, là kết quả của sự dung hợp giữa đạo Islam và đạo Bàlamôn với tín ngưỡng dân gian của dân tộc Chăm. Hồi giáo Bàni là tôn giáo độc đáo chỉ có ở Việt Nam, gắn chặt với dân tộc Chăm, là bản sắc văn hóa của người Chăm; và Chăm Islam (Hồi giáo mới) tập trung chủ yếu ở An Giang, thành phố Hồ Chí Minh, Tây Ninh, Đồng Nai. Chăm Islam tuân thủ đầy đủ luật lệ, nghi lễ của đạo Hồi, vẫn hành hương sang Mếc-ca, thi xướng kinh Cô-ran hàng năm, cử người đi học... Họ không còn dựa trên cơ sở hình thức gia đình mẫu hệ như người Chăm Bàni, mà theo hình thức gia đình phụ hệ.

Năm 1991, những người theo đạo Hồi ở thành phố Hồ Chí Minh lập ra

Ban Đại diện cộng đồng Hồi giáo và đã trải qua ba nhiệm kỳ. Năm 2004, Đạo Hồi ở An Giang cũng đã thành lập được Ban đại diện cộng đồng Hồi giáo

tỉnh An Giang. Đến nay, tín đồ Hồi giáo là trên 64 nghìn người. Về cơ bản, cộng đồng người Chăm là một cộng đồng tôn giáo yêu nước. Họ luôn ý thức trách nhiệm với dân tộc và là một thành viên không thể thiếu trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam.

Song do những nguyên nhân lịch sử để lại, thế lực thù địch vẫn lợi dụng vấn đề dân tộc và tôn giáo để gây chia rẽ cộng đồng người Chăm và dân tộc Việt Nam. Cố tình gây ra những bất hòa, mâu thuẫn, kích động thực hiện “chủ nghĩa lãnh thổ”, “chủ nghĩa ly khai” nhằm phá hoại chính sách tôn giáo và chính sách đoàn kết dân tộc của Đảng ta. Đây cũng là một khó khăn cho Đảng và Nhà nước ta trong vấn đề đoàn kết tôn giáo, đoàn kết dân tộc.

Một phần của tài liệu chính sách của đảng và nhà nước về tôn giáo trường hợp phật giáo từ 1981 2008 (Trang 33 - 38)