Tác dụng không mong muốn là vấn đề thường gặp trong điều trị hoá chất nói chung, nhất là điều trị hoá chất cho BN ở giai đoạn muộn thì vấn đề này càng phổ biến và nghiêm trọng hơn nếu không phát hiện và xử trí kịp thời, tác dụng phụ cũng là nguyên nhân khiến việc điều trị hoá chất phải trì hoãn làm giảm kết quả điều trị, giảm chất lượng cuộc sống BN, đôi khi còn ảnh hưởng đến chất lượng người bệnh.
Trong nghiên cứu của chúng tôi, các TDKMM trên huyết học đa số ở độ 1, không có chỉ số huyết học độ 3 và độ 4. Có 3 đợt (0,8%) xuất hiện các chỉ số huyết học độ 2 của 3 BN. Lượng huyết sắt tố là yếu tố thể hiện rõ nhất tình trạng thiếu máu, đặc biệt là tình trạng thiếu máu do nguyên nhân mạn tính. Trong nghiên cứu, hạ hemoglobin xuất hiện với tỷ lệ cao 106 đợt (27,9%) hạ hemoglobin độ 1 và 1 đợt (0,3%) hạ hemoglobin độ 2.
Các TDKMM trên gan chủ yếu ở độ 1, xuất hiện với một tỷ lệ tương đối cao, số đợt có TDKMM độ 1 lớn hơn ¼ tổng số đợt được xét nghiệm sinh hoá. Xuất hiện 4 đợt có tăng các chỉ số transaminase độ 2 ở 4 BN trong đó có 1 đợt điều trị xuất hiện đồng thời tăng SGOT độ 2 và tăng SGPT độ 2.
Các TDKMM trên hệ thận-tiết niệu được đánh giá thông qua chỉ số creatinin và ure. Xét nghiệm creatinin đáng tin cậy hơn xét nghiệm ure vì nó ít chịu ảnh hưởng bởi chế độ ăn uống của BN. Xuất hiện 2 đợt có tăng các chỉ số creatinin và ure độ 2 trở lên đều của 1 BN 66 tuổi điều trị năm 2015, trong đó, 1 đợt xuất hiện cả tăng creatinin độ 3 và tăng ure độ 2.
Trong cùng một đợt điều trị, nếu xuất hiện nhiều TDKMM cận lâm sàng thì độc tính đợt điều trị được tính là độ độc tính cao nhất.
48
Theo hướng dẫn sử dụng của Capecitabine, các BN có độc tính độ 1 vẫn có thể được tiếp tục điều trị và không cần giảm liều. Các BN có độc tính độ 2 trở đi phải được ngừng điều trị cho đến khi hồi phục về mức độ 0-1 và giảm liều theo qui định ở những lần dùng tiếp theo [51]. Trên thực tế,có 8 đợt điều trị (2,1%) cần dừng điều trị để điều chỉnh các chỉ số về mức độ 0-1 nhưng chỉ có 4 đợt điều trị được dừng. Trong các đợt điều trị gặp độc tính từ độ 2 trở lên không có đợt nào cần được hiệu chỉnh liều ở đợt điều trị sau vì chúng đều là những đợt đầu tiên gặp độc tính độ 2 trên bệnh nhân hoặc là đợt xét nghiệm cuối cùng trong bệnh án.
Trong các đợt điều trị, ợ hơi, ợ chua và tiêu chảy là 2 TDKMM hay gặp nhất trên đường tiêu hoá, chiếm tỷ lệ lần lượt 2,1% và 1,5% trên tổng số đợt. Tỷ lệ buồn nôn thấp (0,6%), nhưng đa phần đều do truyền hoá chất dùng kết hợp với Capecitabineb hoặc do phác đồ truyền hoá chất mà bệnh nhân được điều trị trước khi được điều trị bằng Capecitabine. Capecitabine cũng gây buồn nôn hoặc nôn nhưng ít hơn các phác đồ truyền hoá chất khác.
TDKMM của Hội chứng bàn tay - bàn chân (Hand-foot Syndrome) xuất hiện với tỷ lệ cao, trên 39 BN (50,6%). TDKMM nổi bật của Capecitabine khác với các hoá chất truyền điều trị UT ĐTT đường truyền khác là Hội chứng bàn tay – bàn chân. Hội chứng bàn tay – bàn chân độ 1 được xác định bởi tê, rối loạn cảm giác, dị cảm, kiến bò hoặc ban đỏ ở tay hoặc chân hoặc không cảm thấy thoải mái nhưng không ảnh hưởng đến các hoạt động bình thường. Độ 2 được xác định là ban đỏ hoặc sưng tay hoặc chân, ảnh hưởng đến các hoạt động bình thường. Độ 3 được xác định là sự tróc vảy da, loét mụn nước, gây đau cho BN [47]. Kết quả đánh giá về TDKMM của Capecitabine hoàn toàn phù hợp với các đánh giá TDKMM trong lâm sàng khi thử nghiệm thuốc, các Hội chứng bàn tay – bàn chân xảy ra ở 60% BN [47]. Trong nghiên cứu của chúng tôi, các TDKMM thuộc Hội chứng bàn tay – bàn chân chủ yếu xuất hiện ở độ 1 (tê đầu chi, bàn tay, bàn chân, sạm da). Ngoài việc ngưng dùng thuốc và giảm liều sau đó ở những BN có Hội chứng bàn tay – bàn chân độ 2 hoặc 3, khuyến cáo sử dụng thêm các chất làm mềm tại chỗ dạng bôi như kem dưỡng ẩm,… hoặc liệu pháp pyridoxine đường uống có thể cải thiện các biểu hiện của hội chứng bàn tay – bàn chân ở BN dùng Capecitabine.
Nghiên cứu của chúng tôi không thấy sự liên quan giữa việc dùng liều >105% liều lý thuyết, các bệnh nhân dùng liều không phù hợp với chức năng thận hay BN không được dừng điều trị khi độc tính ở mức độ 2, 3 với các TDKMM của BN, không thấy ghi tác dụng không mong muốn gì trong bệnh án của những BN này.
49
Đa số BN trong các đợt điều trị được sử dụng thuốc phối hợp để cải thiện thể trạng, hạn chế và xử trí các TDKMM của hoá chất. Một số BN gặp tác dụng không mong muốn nhẹ độ 1 như tiêu chảy, táo bón, tăng men gan,… không được sử dụng thuốc điều trị triệu chứng do tác dụng phụ nhẹ sẽ mất dần sau khi truyền hoá chất dùng phối hợp với Capecitabine một vài ngày.
Do phương pháp lấy số liệu là hồi cứu trên các bệnh án điều trị ngoại trú nên thông tin thu thập được về các TDKMM trên lâm sàng của BN phụ thuộc vào ghi chép của bác sĩ trong hồ sơ bệnh án nên các TDKMM trên lâm sàng vẫn còn chưa đầy đủ và chính xác về mức độ biểu hiện.
50
KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ 1.Kết luận
Qua khảo sát 529 đợt điều trị của 77 bệnh nhân UT ĐTT điều trị tại Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu - Bệnh viện Bạch Mai từ tháng 1/2015 đến hết tháng 11/2016, chúng tôi rút ra một số kết luận sau:
1.1. Tình hình sử dụng Capecitabine
- Đa số BN được chỉ định dùng phác đồ đơn hoá trị Capecitabine (đơn thuần hoặc có kết hợp kháng thể đơn dòng): 92,2%; 9,1% BN được sử dụng phác đồ đa hoá trị.
- 15,6% BN không được hiệu chỉnh liều phù hợp với chức năng thận, 9,1% BN được tính liều ban đầu không phù hợp theo diện tích da.
- Số đợt điều trị dùng liều nhỏ hơn 85% liều lý thuyết chiếm tỷ lệ cao nhất (79,2%), ngoài ra chỉ có 79 đợt điều trị (17,3%) dùng liều trong khoảng 85-105%.
1.2. Tác dụng không mong muốn và cách xử trí
- Các TDKMM xuất hiện đa số ở độ 1; 07 đợt điều trị (1,8% ) xuất hiện các TDKMM độ 2; 1 đợt (0,3%) xuất hiện các TDKMM độ 3 đã được ngưng điều trị
- Hạ hemoglobin xuất hiện với tỷ lệ cao nhất với 107 đợt điều trị (28,1%), trong đó có 1 đợt (0,3%) hạ hemoglobin độ 2 .
- Hội chứng bàn tay – bàn chân là TDKMM hay gặp nhất, xuất hiện với tỷ lệ cao (50,6% số BN). Ợ hơi, ợ chua và tiêu chảy là 2 TDKMM gặp nhiều nhất trên đường tiêu hoá, chiếm lần lượt 2,0% và 1,5% trên tổng số đợt điều trị.
- Xử trí TDKMM bằng ngưng điều trị, hiệu chỉnh liều, điều trị triệu chứng và dùng các thuốc bổ trợ. Số đợt có TDKMM cần tạm ngưng điều trị là 8 đợt (2,1%) nhưng chỉ có 4 đợt (1,1%) được ngưng điều trị.