Biểu tượng tính dục

Một phần của tài liệu Nghệ thuật nghịch dị trong tiểu thuyết việt nam từ 1986 đến 2012 (Trang 133 - 135)

5. Cấu trúc luận án

4.3.1. Biểu tượng tính dục

Trong hệ thống biểu tượng của tiểu thuyết Việt Nam đương đại, biểu tượng nghịch dị mang màu sắc tính dục (sexual symbol) chiếm một vị trí quan trọng. Khảo sát qua các tác phẩm Hồ Ánh Thái, Nguyễn Bình Phương, Tạ Duy Anh, Nguyễn Việt Hà, Đặng Thân, Uông Triều, Thuận, Nguyễn Đình Tú, chúng tôi ghi nhận được có yếu tố tính dục liên quan đến sinh thực khí và hành vi tính giao của con người. Phần lớn là các từ ngữ có ý nghĩa trực tiếp chỉ các thực thể (Nõ-Nường, Linga-Yoni, bầu ngực…) hay hành vi tính giao. Nhất là các biểu tượng liên quan đến sinh thực khí nữ. Trong các tiểu thuyết Mẫu Thượng Ngàn của Nguyễn Xuân Khánh, đôi gò bồng đảo, vú ấm giỏ được nhắc đi nhắc lại nhiều lần, cái chum chúm núm cau. Nhân vật nữ nào trong tác phẩm cũng đều mang vẻ đẹp của đôi gò bồng đảo vĩ đại, vừa trắng nõn, hồng hào từ cô Ba Váy, đến Cô Mùi, cô Ngơ, Nhụ…Những biểu tượng sinh thực khí nữ lấp lánh vẻ đẹp thiên tính nữ, mời gọi, cuốn hút. Ngực là biểu tượng của sự che chở, có quan hệ với bản nguyên nữ, theo nghĩa chừng mực. Bản nguyên ấy đối lập với bản nguyên nam không có giới hạn, không chừng mực. Hơn nữa, chúng còn là biểu tượng của tình mẫu tử, gắn với khả năng sinh sản hàm chứa sự tái sinh. Văn hóa Việt Nam chuộng tính mẫu, mang triết lí về sự phồn thực, sinh sôi. Tiếp nối truyền thống văn hóa phồn thực, ca ngợi vẻ đẹp sinh thực khí nữ là ca ngợi con người trần thế, thể hiện cái nhìn cởi mở và dân chủ với một quan niệm mới về con người. Đây là vấn đề bị xem nhẹ trong văn học truyền thống hoặc giả bị né tránh. Các nhà văn đương đại đã mạnh mẽ đổi mới, khám phá, khơi thông đề tài nóng này.

Các biểu tượng liên quan đến sinh thực khí nam được nhắc với tần suất cao trong tiểu thuyết Nháp của Nguyễn Đình Tú. Hình ảnh bức tượng Linga to lớn đến nửa mét được bố trí trong phòng của bác sĩ Nam khoa, nỗi ám ảnh giống đực có khi được đề cập trực tiếp qua đoạn đối thoại giữa Damocoi và Galacloai. Sinh thực khí nam hay năng lực tính dục nam trở thành nỗi ám ảnh của nhân vật nhà báo Thạch, ông bố Thạch. Đó là nỗi ám ảnh mang mặc cảm tự ti, được quy chiếu thành nỗi ám ảnh chung của đàn ông Việt so với đàn ông ngoại quốc. Dường như Nguyễn Đình Tú mong muốn giải mã tâm thức dân tộc mình qua biểu tượng tính dục sinh thực khí nam, mặc cảm nhược tiểu của một dân tộc. Văn hóa tính giao được phóng chiếu qua nhiều thân phận, hai bố con Thạch đều tự

nhận thức được bi kịch là một người đàn ông của mình, cả hai đều đau khổ trước sự ra đi của người mình yêu khi họ ra nước ngoài và lấy chồng ngoại quốc. Nhân vật Thạch mang trong mình dấu ấn phức cảm Eudipe: “Cái giỏ đựng hoa mộc miên của hắn lại đầy ắp rồi. Cơn hứng tình đã lên đến cực điểm. Hắn lao vào Me. Hắn thấy trước mặt hắn không phải là Me nữa mà là Yến, thậm chí là cái mặt gì đó mờ nhòa, nhang nhác giống mẹ hắn” [141,248]. Thạch đến với Melani - người đàn bà ngoại quốc là để trả thù cho nỗi bất hạnh mà mẹ mình đã dành cho hai cha con anh, cũng là để trả thù Yến - người con gái anh từng yêu nhưng không dám lấy làm vợ vì đọc được trong mắt cô sự thất vọng sau những lần ân ái. Hơn nữa, anh muốn chứng tỏ sự mạnh mẽ, bản năng tính dục dữ dội của đàn ông Việt Nam, để không bị coi thường. Có thể nói diễn ngôn tính dục được nhắc đến ở đây lại mở ra một diễn ngôn khác, sâu hơn đó là diễn ngôn về mặc cảm nhược tiểu của dân tộc.

Hành vi tính giao được miêu tả tinh tế và khéo léo, có khi gián tiếp qua thiên nhiên, qua từ ngữ: “Trải ổ là gì? Mùa trăng mùa trải ổ năm ấy, trong cái ổ rơm thơm phức, Phác lần đầu tiên trông thấy đôi mắt đẫm trăng vừa long lanh, vừa háo hức của Váy. Cô gái mũm mĩm ấy có ai dạy bảo gì đâu. Sao mà đằm thắm đến thế, sao mà cô đàn bà đến thế. Trăng khuya, sương khuya xóa nhòa mọi ranh giới. Trăng mùa trải ổ trùm tấm áo khoác hoan lạc lên trên người họ, dạy cho họ vũ điệu tình yêu. Rồ dại và cuồng điên, họ tan biến trong nhau” [67,60]. Trăng là biểu tượng bản nguyên nữ, của chiêm mộng, vô thức. Đấy là phần nguyên thủy đang ngủ trong ta, còn sống động trong cái tưởng tượng. Đấy là cảm xúc của con người sâu kín trong ta buông mình theo niềm say đắm thầm lặng. Ánh trăng đồng lõa với hoan lạc. Cô Váy dưới ánh trăng càng tỏa sáng, vẻ đẹp của tính nữ, rất đàn bà.

Rừng và mùi hương cũng trở thành biểu tượng của khát khao, ham muốn, của kí ức vô thức tập thể: “Gió rừng hiu hiu thổi. Muôn thứ hương đột nhiên trỗi dậy. Người ta bảo ở xứ sở nhiệt đới, sự lúc nhúc, sự phồn thực nằm nhiều ở không khí. Một thứ mùi hương ngọt ngào chợt bay qua. Hương thức dậy mới đầu lãng đãng, e ấp như cô gái mới dậy thì, sau đó nó dào dạt, rồi tới chỗ cuồng nhiệt. Thậm chí có lúc hương trở nên ngọt ngào, nức nở” [67,191]. “ Mùa xuân ở đây hầu như toàn bộ cây rừng trổ hoa chẳng sớm thì muộn. Chúng tạo thành hội hoa tưng bừng. Gió thổi tung phấn hoa lên trời. Phấn hoa trộn vào không khí để lan tỏa, để mời gọi bướm ong côn trùng đến tạo ra mùa sinh sôi nở, mùa giao hoan phồn thực ngọt ngào vĩ đại” [67,191]. Cả thiên nhiên như đang trong một

cuộc hoan ca nồng nàn, cuồng nhiệt. Rừng gợi nhắc chúng ta về phía vô thức, phía bóng tối, phía của bản năng đang cuồn cuộn chảy trong mỗi người. Rừng tràn đầy năng lượng để ái ân, tái sinh. Hướng hành vi tính giao đến với tự nhiên là cách tác giả làm mới và lạ hóa quan niệm về tính dục.

Theo Từ điển biểu tượng thế giới, mùi hương là biểu tượng của tinh thần và bản chất của linh hồn. Cũng có khi hương thơm tượng trưng cho kí ức, cho kỉ niệm, cũng có thể là biểu thị sự nhận thức của lương tâm. Chúng có quan hệ với thân thể, khi với hơi thở, sinh lực. Đồng thời nó là tượng trưng của ánh sáng, có một quyền năng đối với tâm lí con người, kích thích nhục dục. Mùi hương của những khu rừng Á Đông đầy ám ảnh và huyễn hoặc, kiến tạo nên tầng tầng lớp vẻ đẹp của Á Đông trong cuộc tìm kiếm của Tây phương, minh định sự khác biệt giữa một Á Đông huyền bí, tràn đầy sự sinh sôi nảy nở, biểu tượng của phồn thực và một Phương Tây lí tính, xơ cứng.

Cũng có khi, các tác giả miêu tả trực tiếp hành vi tính giao của các nhân vật trong tác phẩm của mình như T mất tích của Thuận, 3339 những mảnh hồn trần của Đặng Thân, tính dục được quan niệm là một phần của giá trị nhân văn. Đó là vẻ đẹp của con người, để duy trì nòi giống, để sinh sôi, nảy nở. Đặc biệt là hành vi tính giao của người đồng giới như Vân, Vy của Thuận.

Một phần của tài liệu Nghệ thuật nghịch dị trong tiểu thuyết việt nam từ 1986 đến 2012 (Trang 133 - 135)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(168 trang)