Khu vực nghiên cứu có địa hình đa dạng và phong phú: bao gồm núi, đồi và đồng bằng ven biển.
- Địa hình núi: trải dài trên vùng nghiên cứu từ Tp Hạ Long đến Cẩm Phả và có thể chia thành hai kiểu địa hình núi khác nhau:
Địa hình núi xâm thực - bóc mòn dạng tuyến: phân bố thành những dải núi xâm thực - bóc mòn dạng vòng cung với hướng lồi về phía đông nam được cấu tạo chủ yếu bởi trầm tích lục nguyên (cát, sét, bột kết, cuội, sỏi và than). Dải thứ nhất nằm phía bắc, đông bắc đường 18 có độ cao trung bình khoảng 500 - 700m trong đó có đỉnh: Núi đèo Kinh cao 694m, núi Khê Cầm (657m)... Quá trình xâm thực - bóc mòn xảy ra chủ yếu, dải địa hình này bị các sông, suối cắt sẻ sâu và hai bên sườn tạo nên các vai núi vuông góc với các dãy núi trên với độ dốc sườn khá lớn 30° - 40°. Thung lũng sông, suối chủ yếu có dạng chữ "V", gần như không có tích tụ trầm tích bở rời. Dải thứ hai nằm ở phía nam, đông nam đường 18 có độ cao thấp hơn, dao động trong khoảng 200 - 400m (núi Quang Hanh cao 367m, núi Quạt Mo cao 257m...). Địa hình có xu thế thấp dần về phía biển với độ cao khoảng 100-200m. Quá trình bóc mòn xâm thực diễn ra mạnh mẽ và bị các hệ thống sông, suối cắt xẻ mạnh tạo nên những khối núi riêng biệt hoặc các dải núi với chiều dài ngắn, có phương tây bắc - đông nam và á vĩ tuyến, độ dốc sườn khoảng 25° - 30°. Dọc theo các thung lũng sông, suối thỉnh thoảng gặp các tích tụ trầm tích đệ tứ với chiều dày không lớn, khoảng một vài mét với thành phần chủ yếu là tảng, cuội, sỏi và cát sắp sếp hỗn độn. Ngăn cách giữa hai dải địa hình này là dải địa hình trũng cùng phương, dọc theo chúng gặp các trũng tích tụ Đệ tứ có kích thước và hình dạng khác nhau (dạng đẳng thước, địa hào, hình thoi ...) chiều dày của tầng tích tụ khoảng 5 - 10m có nguồn gốc sông, suối, bao gồm các bãi bồi, thềm, nón phóng vật....
Địa hình karst: tập trung ở phía đông bắc vùng nghiên cứu thuộc địa phận thị xã Cẩm Phả và phía đông thành phố Hạ Long. Địa hình cấu tạo chủ yếu là trầm tích biển cacbonat (đá vôi). Độ cao trung bình khoảng 150 - 300m. Quá trình rửa lũa và gặm mòn khá mạnh mẽ tạo nên các đỉnh nhọn răng cưa và phát triển nhiều hang động, phễu kasto và thung lũng ngầm.
Địa hình đá vôi dạng tuyến phương tây bắc - đông nam phân bố chủ yếu ở khu vực vịnh Hạ Long, Bái Tử Long. Bao gồm nhiều khối núi có chiều dài khoảng 1 -3 km hoặc các khối núi riêng biệt nối tiếp nhau theo phương tây bắc - đông nam xen kẽ giữa các dải núi này là các lạch sâu cùng phương như lạch ác, lạch Gôm, lạch Đầu Màu, lạch Miều, lạch Cát Nam .v.v...hoạt động kast cũng đang mạnh mẽ dưới tác dụng của nước biển phần lớn quá trình rửa lũa đã tạo nên các hang dạng hàm ếch hoặc các ngấn nước rõ nét trên các vách của những khối núi này.
Địa hình đá vôi dạng tuyến phương đông bắc - tây nam tập trung chủ yếu ở phía đông bắc vùng nghiên cứu chúng kế tiếp dải núi phía nam đường 18, được bắt đầu từ thành phố Hạ Long đến thị xã Cẩm Phả. Quá trình karst cũng đang hoạt động mạnh mẽ ở dải núi đá vôi này mà bằng chứng là hàng loạt các hang động nằm trên các độ cao khác nhau. Xen kẽ các dải địa hình này là các thung lũng Karst ngầm kéo dài dạng chữ "U" được lắng đọng các trầm tích đệ tứ bở rời, hai bên sườn thung lũng là các vách đá vôi dốc đứng kéo dài nhiều km theo phương đông bắc- tây nam .
- Địa hình đồi: phân bố ở phía tây và tây nam vùng nghiên cứu và tập trung thành những dải đồi hẹp kéo dài theo phương tây bắc đông nam:
Dải thứ nhất nằm ở phía đông bắc sông Đá Bạch gồm có các đỉnh núi Na (216m), Núi Nghú (229m), Núi Vũ Tương (165m)...
Dải thứ hai chạy dọc theo sông Gia với các đỉnh núi Doan Lai (109m), núi Doung Chinh (69m), núi Hà Tây (45m)...
Dải thứ ba nằm ở khu vực thị xã Đồ Sơn gồm nhiều đỉnh núi nối tiếp nhau trong đó có đỉnh núi Ngọc Xuyên (129m).
Đặc trưng chung của các dải đồi này có độ cao trung bình từ 50m đến 150m và có xu hướng thấp dần về phía đông nam. độ dốc sườn thoải 15°-25°, cá biệt ở các đồi cấu tạo bởi đá vôi có độ dốc sườn lớn hơn (50°) tập trung chủ yếu ở dải thứ nhất. Quá trình bóc mòn - xâm thực chiếm vai trò chủ đạo tạo nên các đỉnh đồi khá bằng phẳng. Hệ thống sông, suối phát triển mạnh và chia cắt các dải đồi này thành từng đoạn hoặc đồi riêng biệt nối kế tiếp nhau theo phương tây bắc - đông nam.
- Địa hình đồng bằng: Địa hình đồng bằng chiếm một diện tích đáng kể, tập trung ở phía tây, tây nam của vùng nghiên cứu, bề mặt đồng bằng khá bằng phẳng
và nghiêng dần về phía biển độ cao dao động trong khoảng 10 - 2m. Cấu tạo nên đồng bằng chủ yếu là sét, cát, bùn có nguồn gốc hỗn hợp sông, biển và vũng vịnh. Do nằm sát vùng cửa sông lớn nên đồng bằng bị chia cắt bởi hàng loạt các sông, suối và các lạch triều.
Nhìn chung, từ những nét khái quát đã mô tả ở trên cho thấy địa hình đầy đủ cả ba dạng địa hình chính: miền núi, trung du và đồng bằng. Mỗi loại địa hình khác nhau là những nhân tố tác động đến từng loại tai biến tương ứng với chúng: đối với địa hình miền núi do mật độ chia cắt sâu, độ dốc địa hình lớn sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình trượt lở mạnh so với vùng khác. Đối với vùng đồng bằng mật độ chia cắt ngang lớn, cấu tạo địa chất là trầm tích bở rời nên quá trình xói lở, bồi tụ xảy ra mạnh hơn.