Từ Quang Hiển và Trần Văn Phùng (2005) [5] cho rằng: Chế độ ăn không hợp lý, khẩu phần ăn không đảm bảo dinh dưỡng, mức dinh dưỡng
không đủ thì giảm khả năng tăng khối lượng, kéo dài ngày đạt khối lượng phối giống lần đầu, dẫn đến kéo dài tuổi đẻ lứa đầu, tỷ lệ thụ thai kém, đẻ kém. Trường hợp ăn quá mức so với nhu cầu (đặc biệt giai đoạn từ 80 - 120 kg) sẽ làm cho lợn hậu bị quá béo, khó động dục hoặc động dục bất thường, tỷ lệ thụ thai kém…
Phùng Thị Vân và Cs (2001) [14] cho biết, nếu quá thừa protein có thể làm tỷ lệ thụ thai giảm, vì mức protein quá cao làm cho gan, thận phải tích lũy đạm quá nhiều, hậu quả gây mất cân bằng hormone, làm cản trở việc chuyển hóa các hormone sinh dục, giảm tỷ lệ thụ thai, tăng tỷ lệ chết thai. Ngược lại, quá thiếu protein có thể ức chế chức năng nội tiết của thùy trước tuyến yên, lượng hormone FSH và LH không đầy đủ làm cho gia súc cũng không động dục. Những lợn nái sau khi cai sũa con mà thể trạng quá gầy, yếu thường không động dục kéo dài hoặc vô sinh hoàn toàn.
Tuỳ theo từng giống, độ tuổi, hướng sản xuất, trạng thái sinh lý, mà nhu cầu dinh dưỡng của gia súc khác nhau. Vì vậy cùng với việc chọn lọc, lai tạo giống tốt, thì khẩu phần ăn và quy trình kỹ thuật nuôi dưỡng đóng vai trò rất quan trọng đến hiệu quả chăn nuôi, đặc biệt chế độ nuôi dưỡng là một trong những nhân tố quan trọng ảnh hưởng tới tuổi thành thục của lợn cái hậu bị.
Lợn cái hậu bị phải có khả năng sinh trưởng tốt, nhưng tốc độ sinh trưởng phải thấp hơn so với lợn thịt cùng loại, và khuyến cáo rằng: Khi chọn lợn cái hậu bị phải chọn từ những con có khối lượng sơ sinh, cai sữa cao từ những ổ có nhiều con. Đồng thời cho ăn hạn chế từ giai đoạn cai sữa đến khi phố giống, nhưng phải đảm bảo khối lượng cần thiết khi phối giống.
Cho lợn cái hậu bị tiếp xúc với lợn đực có thể làm lợn cái hậu bị thành thục sớm hơn bình thường.
Theo Hughes và Cs (1980) (Nguyễn Văn Thiện và Cs, (2005)) [11] kết quả nghiên cứu về chế độ ăn tăng và thời gian kéo dài chế độ ăn tăng trước khi phối giống lần đầu ở lợn nái hậu bị là: Thời gian ăn tăng khoảng 10 ngày trước khi phối giống, số trứng rụng nhiều hơn là 1,60 trứng, từ 12 - 14 ngày, số trứng rụng tăng là 3,10 trứng. Tác giả khuyến cáo, đối với lợn nái hậu bị giai đoạn từ trước động dục lần đầu cho đến khi phối giống (phối giống ở chu kỳ động dục lần 2) tăng lượng thức ăn lên 3,0 kg/con/ngày bằng thức ăn của lợn choai hoặc lợn nái nuôi con.
Kinh nghiệm thực tiễn chăn nuôi Hoa Kỳ cho thấy, để duy trì năng suất sinh sản cao thì nhu cầu dinh dưỡng đối với lợn nái hậu bị cần chú ý đến phương thức nuôi dưỡng. Cho ăn chế độ ăn tự do đến khi đạt khối lượng 80 – 90 kg, sau đó ăn hạn chế 2,00 kg thức ăn/con/ngày (khẩu phần có 14% protein).
Điều chỉnh thức ăn để khối lượng cơ thể đạt 120 – 140 kg ở chu kỳ động dục thứ 3 và được phối giống 14 ngày, cho ăn chế độ kích dục, tăng khối lượng thức ăn 1,00 - 1,50 kg thức ăn có bổ sung khoáng, sinh tố sẽ giúp lợn nái ăn nhiều hơn và sẽ tăng số trứng rụng từ 2,00 - 2,10 trứng/1 lợn nái (Nguyễn Văn Thiện và Cs, 1998) [8].
Có nhiều tác giả nghiên cứu ảnh hưởng của mùa vụ, nhiệt độ môi trường tới số trứng rụng, tuy nhiên còn có ý kiến trái ngược nhau, Yang H (1988) (Nguyễn Văn Thiện và Cs, 2005) [11] kết luận: Bằng thực nghiệm đã xác định mối quan hệ giữa trứng rụng với 2 yếu tố nhiệt độ môi trường và thời gian chiếu sáng trong ngày. Tuy vậy Vermeer H.M, (1989) (Nguyễn Văn Thiện và Cs, 2005) [11] chỉ ra nhiệt độ môi trường chỉ ảnh hưởng đến số trứng rụng, còn thời gian chiếu sáng ảnh hưởng tới tỷ lệ chết thai nhiều hơn là ảnh hưởng tới số trứng rụng.